Việt Nam ban hành nhiều chính sách về hôn nhân và gia đình

Theo Báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về hôn nhân và gia đình.

Hiến pháp khẳng định nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn, hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng vợ chồng bình đẳng tôn trọng lẫn nhau - Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình.

Luật Hôn nhân và gia đình có quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của công dân trong quan hệ hôn nhân, đặc biệt là nguyên tắc bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc tạo lập chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung và về những đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ và trẻ em, nhất là các hành vi cưỡng ép hôn nhân, bạo lực gia đình, con cái không được chăm sóc…

Nhà nước mặc dù không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính, nhưng pháp luật tôn trọng và không xử lý việc sống chung giữa những người đồng giới. Luật Hôn nhân và gia đình cũng đã bổ sung các quy định để công nhận việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Hiến pháp khẳng định nam, nữ có quyền kết hôn trên nguyên tắc tự nguyện (ảnh: theo luatminhkhue.vn)

Theo luật, mọi công dân Việt Nam khi đủ tuổi để đăng ký kết hôn (nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi) đều có quyền tự do và bình đẳng trong việc quyết định hôn nhân của bản thân, không một ai được cưỡng ép hoặc cản trở.

Những tục lệ hôn nhân lạc hậu như cưỡng ép, trọng nam khinh nữ, đa thê, không tôn trọng quyền lợi con cái đều được bãi bỏ. Đồng thời, người phụ nữ trong quan hệ hôn nhân được pháp luật bảo vệ trước hành vi tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại ở một số vùng dân tộc thiểu số. Trước tình hình đó, vào tháng 4-2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án giảm thiểu tình trạng hôn nhân và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025 với mục tiêu là phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản ngăn chặn đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

Tại Việt Nam, việc kết hôn, ly hôn và hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài không làm thay đổi quốc tịch của đương sự và con chưa thành niên của họ (nếu có).

Chế độ tài sản của vợ chồng đã được quy định cụ thể tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, trong đó Luật Hôn nhân gia đình đã bổ sung quy định về việc vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Pháp luật cũng đã có các quy định điều chỉnh việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn. Tại Luật Hôn nhân và gia đình (các điều 14, 15 và 16) đã có các quy định cụ thể về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Pháp luật cũng nghiêm cấm các hành vi cản trở, cưỡng bức việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình như xâm phạm thân thể người sử dụng biện pháp tránh thai, người sinh toàn con trai hoặc toàn con gái; ép buộc sử dụng biện pháp tránh thai, mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều, sinh con trai, sinh con gái.

H.L

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/viet-nam-ban-hanh-nhieu-chinh-sach-ve-hon-nhan-va-gia-dinh-121221.html