Việt Nam-Ấn Độ: Tình hữu nghị vượt thời gian

là cảm nhận chung của bạn bè quốc tế về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ. Được ươm mầm từ những năm 50 của thế kỷ trước, trải qua thời gian, bất chấp khoảng cách xa xôi về địa lý, mối quan hệ ấy vẫn luôn không ngừng được củng cố, ngày càng phát triển. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 18-20/11/2018 của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân một lần nữa tiếp tục làm bền chặt thêm mối quan hệ hữu nghị hiếm có ấy.

Từ nỗ lực ươm mầm của hai vị cha già dân tộc

Theo nhiều nhà nghiên cứu, quan hệ Việt Nam- Ấn Độ thực ra có lịch sử đến 2000 năm gắn với sự du nhập của Phật giáo từ Ấn Độ tới Việt Nam. Sách cổ ghi nhận việc một nhà sư Ấn Độ đã đến lập am tu hành tại núi Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh vào thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Dấu ấn đạo Hindu của Ấn Độ trong những di tích Chàm ở miền Trung Việt Nam cũng là những minh chứng cho mối quan hệ này.

Trên bình diện ngoại giao, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ được ươm mầm từ những năm 50 của thế kỷ trước bởi hai vị cha già của hai dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Tầm nhìn xa trông rộng và sự chân thành của hai nhà lãnh đạo đã giúp dệt nên một thứ sợi bền lâu cho mối quan hệ hiện vẫn đang tỏa sáng và vững bền sau suốt 5 thập kỷ đầy những biến động.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru trong chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ năm 1958. Ảnh: T.L

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru trong chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ năm 1958. Ảnh: T.L

Ngay từ năm 1947, trong bối cảnh Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao với các nước, Thủ tướng Nehru đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị Liên Á do Ấn Độ tổ chức. Điều đó cho thấy Ấn Độ là nước sớm nhất nhìn nhận thực tế chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm chủ tịch.

Ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong khi nhiều nước còn dè dặt, băn khoăn trong việc đặt quan hệ với Việt Nam thì Thủ tướng Nehru đã là chính khách nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam ngày 17/ 10/1954, chỉ một tuần sau ngày Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng.

Cách đây 14 năm, trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, trong bài phát biểu của mình, Tổng Lãnh sự Ấn Độ S. K. Mandal, cho biết cuộc gặp tại Hà Nội ngày 17/10/1954 không phải là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo vì trước đó họ đã từng gặp nhau. Vậy điều gì đã làm cho cuộc gặp này trở thành đặc biệt và “vẫn khắc ghi đậm nét trong lòng người dân Việt - Ấn”, Đó là bối cảnh lịch sử đặc biệt của nó. “Đấy là một thời khắc trong lịch sử khi những tâm hồn của hai dân tộc vĩ đại trỗi vượt ra khỏi sự thống trị ngoại bang tìm được tiếng nói chung”- ông S. K. Mandal khẳng định.

Cũng trong năm 1954, Ấn Độ mở Tổng lãnh sự quán tại Hà Nội và chỉ 2 năm sau, Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ lãnh sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ tháng 2/1958. Ảnh: T.L

Tháng 2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ.

Kể từ đó, nhân dân Ấn Độ trở thành bạn bè truyền thống, tích cực ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc anh hùng của nhân dân Việt Nam. Hình ảnh những người anh em Ấn Độ xuống đường ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, hô vang khẩu hiệu “Tên anh Việt Nam, tên tôi Việt Nam, tên chúng ta Việt Nam, Việt Nam Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ” sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm các thế hệ người dân Việt Nam.

Ngày 7/1/1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, Ấn Độ và Việt Nam tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ bất chấp sức ép của các thế lực thù địch.

Ngày càng sâu rộng, đi vào thực chất

Từ bấy đến nay, đã tròn 46 năm Việt Nam và Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố, ngày càng phát triển. 46 nămqua, hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao. Những chuyến thăm ấy đã trở thành những dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động.

Tháng 5/2003, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã có bước tiến mới sau khi hai bên ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI”.

Tiếp đó, với quyết tâm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2007), hai bên chính thức xác lập quan hệ “Đối tác chiến lược” dựa trên các trụ cột hợp tác: chính trị, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội, các vấn đề khu vực và quốc tế.

Sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (tháng 9/2016), lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí nâng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện”. Ảnh: T.L

Sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (tháng 9/2016), quan hệ song phương được mở thêm trang mới với việc lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí nâng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện”. Chuyến thăm thể hiện chính sách nhất quán của Ấn Độ luôn coi trọng, ưu tiên cao quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, cũng như thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Năm 2017, hai nước đã tưng bừng kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ (7/1/1972-7/1/2017), 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (7/2007-7/2017), một năm nâng tầm lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (9/2016-9/2017), là những dấu son quan trọng, đánh dấu một chặng đường phát triển bền vững và mở ra giai đoạn mới trong quan hệ đang phát triển giữa hai nước. Chính phủ Ấn Độ coi trọng quan hệ song phương với Việt Nam trong bối cảnh mới của chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ.

Thời gian gần đây, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Tin cậy chính trị ngày càng được thắt chặt thông qua việc duy trì đều đặn các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran chủ trì cuộc Tham khảo Chính trị lần thứ 9 và Đối thoại Chiến lược lần thứ 6 giữa Việt Nam và Ấn Độ, tháng 10/2017. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Từ đầu năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ (tháng 3/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ và kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ (tháng 1/2018), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thăm Việt Nam tháng 6/2018 và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ thăm Việt Nam tháng 8/2018.

Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đang có những bước tiến chuyển quan trọng, nhất là sau khi hình thành khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và các chuyến thăm song phương của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Hai bên có những cơ chế hợp tác hiệu quả. Cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Ấn Độ về kinh tế, thương mại và khoa học, kỹ thuật, gọi tắt là Ủy ban hỗn hợp (họp luân phiên 2 năm một lần ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao) đã tiến hành họp được 15 kỳ họp.

Hợp tác quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt và hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng và chiến lược; được mở rộng trong cả 3 quân binh chủng: Hải, lục, không quân và tập trung vào 3 lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng và tàu thăm viếng.

Hai bên đã tổ chức cơ chế Đối thoại An ninh lần thứ nhất cấp Thứ trưởng (tháng 7/2018); tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, khoa học hình sự, phòng chống ma túy, tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, chống khủng bố.

Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương (Hội nghị Á-Âu, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng…), nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Hai bên ủng hộ lẫn nhau vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), Hội đồng Nhân quyền.

Việt Nam ủng hộ Ấn Độ là Ủy viên Thường trực khi Hội đồng Bảo an mở rộng... Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thực hiện Chính sách “Hành động hướng Đông”, các sáng kiến kết nối khu vực, hỗ trợ phát triển Tiểu vùng Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam, Sông Hằng-Sông Mekong (MGC).

Ấn Độ có lập trường khá tích cực và nhất quán trong vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, thúc giục xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp và mang tính ràng buộc pháp lý.

Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm. Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mốc 15 tỷ USD vào năm 2020.

Nhiều thập kỷ đã đi qua, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ vẫn đậm đà, thủy chung và sẽ còn mãi trường tồn cùng thời gian

Hà Anh (T/h)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/quoc-te/viet-nam-an-do-tinh-huu-nghi-vuot-thoi-gian-49098