Việt Nam 15 ngày không ca mắc mới COVID-19

Tính đến 18 giờ ngày 1/5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, giữ nguyên tổng số 270 trường hợp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo nguy cơ lây nhiễm đối với người lao động tại các cơ sở sản xuất và các khu công nghiệp.

Trong tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 47.735 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 272; cách ly tập trung tại cơ sở khác 12.246; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 35.217 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 7 ca.

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hướng dẫn biện pháp ứng phó tại cơ sở kinh doanh dược giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.

Khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Trong nước dịch vẫn có nguy cơ lây nhiễm đối với người lao động tại các cơ sở lao động, các khu công nghiệp và các cơ sở kinh doanh dược.

Để cụ thể hóa các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lây lan dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) đã xây dựng Hướng dẫn biện pháp ứng phó tại các cơ sở kinh doanh dược trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 và gửi tới các đơn vị liên quan. Bộ Y tế đề nghị.

Kiểm tra phòng dịch tại khu du lịch Tràng An (Ninh Bình): Ảnh: Lê Phú

Kiểm tra phòng dịch tại khu du lịch Tràng An (Ninh Bình): Ảnh: Lê Phú

Người dân không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng bệnh như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách khi tiếp xúc...; nhất là trong bối cảnh nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài đến 4 ngày liên tiếp khiến nhiều người có tâm lý "xả hơi".

Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Đối với các bệnh nhân COVID-19 âm tính sau khi ra viện trở về cộng đồng vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp cách ly sau điều trị. Trung tâm kiểm soát bệnh tật các địa phương sẽ theo dõi và chịu trách nhiệm xét nghiệm lại cho những người này.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các bệnh viện không được chủ quan mà cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Tại các điểm tham quan, du lịch được phép đón khách du lịch trở lại, cơ quan chức năng yêu cầu trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.

Ngành y tế khuyến cáo trong dịp nghỉ lễ tất cả người dân cần phải đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn, rửa tay xà phòng; giữ khoảng cách, tạo thành thói quen, nếp sống và bắt buộc với tất cả mọi người, từ trường học đến công sở hay ngoài đường.

Các trường học chuẩn bị mọi điều kiện phòng bệnh cần thiết để đón học sinh trở lại trường trong những ngày tới. Lưu ý giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.

Từ 1/5, tổng đài 111 tiếp nhận, giải đáp thông tin triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố đường dây nóng qua Tổng đài 111 để tiếp nhận, giải đáp những vấn đề vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg.

Chi trả trợ cấp cho người có công tại phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) theo gói 62.000 tỷ đồng.

Tổng đài 111 bắt đầu tiếp nhận thông tin từ ngày 1/5/2020; đồng thời người dân có thể gọi tư vấn theo các số điện thoại sau: 0913 049 567; 0977 976 686 và 0913 378 816.

Nhằm thúc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trưởng ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, các Phó Trưởng ban là thứ trưởng thuộc Bộ. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đánh giá tình hình, kết quả triển khai chính sách theo thẩm quyền.

92 người liên quan đến bệnh nhân 'tái dương tính' ở TP. Hồ Chí Minh đều âm tính với virus SARS-CoV-2

Ngày 1/5, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 92 người (gồm 87 người cư trú tại Chung cư 1A-1B Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, Quận 1 và 5 nhân viên cửa hàng tiện lợi) đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV- 2.

Đây là những người có liên quan đến bệnh nhân 92 - bệnh nhân tái dương tính trở lại thứ 4 của Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi bệnh nhân 92 dương tính trở lại với virus SARS-CoV- 2, chính quyền địa phương đã phong tỏa toàn bộ Lô B của Chung cư 1A-1B Nguyễn Đình Chiểu, lấy mẫu xét nghiệm của 87 cư dân chung cư và 5 nhân viên của cửa hàng tiện lợi có tiếp xúc với bệnh nhân. Đến ngày 1/5, toàn bộ 92 mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, kết quả này cho thấy bệnh nhân 92 không lây bệnh cho những người sống xung quanh. Trên cơ sở đó, người dân trong chung cư có thể sinh hoạt bình thường nhưng vẫn phải tự theo dõi sức khỏe, mang khẩu trang liên tục, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc gần với người khác. Riêng các hộ gia đình tại tầng lầu có căn hộ của bệnh nhân lưu trú, ngành y tế đề nghị tiếp tục cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe, giám sát chặt chẽ hơn trong những ngày tới.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Bí thư Đảng ủy phường Đa Kao, Quận 1 cho biết, địa phương đã nhận được kết quả xét nghiệm âm tính đối với 92 trường hợp liên quan đến bệnh nhân 92. Tuy nhiên, hiện Chung cư 1A-1B Nguyễn Đình Chiểu vẫn đang tiếp tục được phong tỏa. “Chúng tôi đang chờ kết quả xét nghiệm lần 2 từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, nếu tất cả âm tính với virus SARS-CoV- 2 mới có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với chung cư này”, bà Hương chia sẻ.

Trước đó, bệnh nhân 92 sau khi được công bố khỏi bệnh ngày 14/4 đã thuê 1 căn hộ tại Chung cư 1A-1B Nguyễn Đình Chiểu phường Đa Kao Quận 1 để cư trú. Trong thời gian tự theo dõi 14 ngày sau xuất viện, bệnh nhân tuân thủ nghiêm túc việc cách ly, không tiếp xúc với người tại chung cư. Sau 2 lần xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 5 và thứ 10 sau xuất viện, bệnh nhân có đeo khẩu trang, đến cửa hàng tiện lợi gần chung cư để mua một số đồ dùng cá nhân với thời gian rất ngắn.

Tìm cách ổn định thu nhập cho công nhân, người lao động

Tháng Công nhân hàng năm (tháng 5) là dịp để các cấp công đoàn tăng cường chăm lo cho công nhân, người lao động; thực sự là ngày hội lớn được công nhân náo nức mong chờ.

Đây cũng là dịp để lãnh đạo công đoàn các cấp tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ công nhân lao động; nắm rõ thực trạng quan hệ lao động, để từ đó có những kiến nghị, đề xuất, nhằm xây dựng chế độ, chính sách tốt hơn cho người lao động.

Tháng Công nhân năm 2020 có chủ đề “Duy trì việc làm - An toàn lao động - Thu nhập ổn định”. Trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, chủ doanh nghiệp tổ chức những hoạt động cụ thể, thiết thực cho công nhân, đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người lao động sau dịch COVID-19.

XC/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/viet-nam-15-ngay-khong-ca-mac-moi-covid19-20200501190115082.htm