Việt - Lào kết nối nền kinh tế để độc lập, tự chủ

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng một trong những trọng tâm trong quan hệ hợp tác Lào - Việt Nam là cùng nhau kết nối 2 nền kinh tế, giúp bổ trợ cho nhau.

"Một trong những cách hợp tác kinh tế là bổ trợ nhau trong lĩnh vực nông nghiệp. Lào có loại nông sản nào mà chưa qua chế biến, có thể xuất khẩu sang Việt Nam, nơi chúng tôi có những nhà máy chế biến sâu, rồi chúng tôi xuất khẩu tiếp ra thế giới. Làm như vậy thì cả 2 bên cùng có lợi, cùng có thể xuất khẩu", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu sáng kiến trong kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào tổ chức tại Vientiane sáng 12/1.

Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, hợp tác đầu tư, thương mại và kinh tế là một trong những trọng tâm trong quan hệ 2 nước. Hai nước nên cùng nhau kết nối 2 nền kinh tế để bổ trợ cho nhau, cùng nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong năm 2023

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho rằng hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và khoa học kỹ thuật giữa 2 nước ngày càng hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy vậy, một số dự án giữa 2 nước vẫn gặp những khó khăn nhất định.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng 2 nước nên tập trung giải quyết những điểm nghẽn, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong năm 2023, hướng tới năm 2024 và 2025 tập trung hợp tác sâu ở một số lĩnh vực nhất định, không dàn trải, mà làm "có tấm, có món, làm đến đâu dứt điểm đến đó".

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ hai nước. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ hai nước. Ảnh: Nhật Bắc.

Đầu tiên, ông giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét vướng mắc về việc thanh toán giữa Đồng Việt Nam và đồng Laotian Kip (Lào). Đây là một trong những vướng mắc mà các doanh nghiệp làm ăn buôn bán giữa 2 nước nêu khó khăn.

Thứ hai, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng cần tháo gỡ đầu tư xây dựng bến cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh). Ông nhấn mạnh phía Lào có thể đề xuất phương án đầu tư, quản trị, sở hữu cảng... theo mô hình hiệu quả, để thống nhất giữa hai nước, sớm đưa dự án vào triển khai.

Về vấn đề khó khăn ở mỏ muối Kali, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ngay trong quý I, báo cáo Ủy ban quản lý vốn Nhà nước ở Doanh nghiệp, xây dựng phương án vào báo cáo Bộ Chính trị.

Việc kết nối 2 nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng, giúp chi phí vận chuyển hàng hóa giảm xuống, tăng sức cạnh tranh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ quan tâm đến dự án đường cao tốc Hà Nội - Vientiane. Ông đề nghị sớm nghiên cứu hướng tuyến, tìm con đường ngắn nhất kết nối Việt Nam và Lào. Theo Thủ tướng, đường cao tốc của Việt Nam nối từ Hà Nội vào miền Trung đã cơ bản hoàn thành. Việc của các cơ quan chức năng là tìm điểm kết nối Hà Nội và miền Trung đến Vientiane một cách ngắn nhất.

Ông giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải tiến hành khảo sát 2023, nghiên cứu và lập dự án trong năm 2023. Trong năm 2024 có thể triển khai các bước tiến hành dự án. Về nguồn vốn thực hiện, ông gợi ý các nguồn từ Nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn đi vay, vốn địa phương để làm.

"Việc kết nối 2 nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng, giúp chi phí vận chuyển hàng hóa giảm xuống, tăng sức cạnh tranh...", ông nói.

Với một số dự án công viên, thủy điện, sân bay, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan trong nước, phối hợp với Lào để sớm xử lý dứt điểm. Tinh thần của Thủ tướng là làm gì phải làm dứt khoát, khó khăn phải báo cáo, luôn kiểm tra và giám sát tiến độ, bảo đảm các yêu cầu đề ra.

Doanh nghiệp Việt Nam nộp hơn 200 triệu USD tiền thuế tại Lào

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào, tại kỳ họp, 2 bên đã bàn thống nhất, cụ thể hóa các ý kiến kết luận của hai Bộ Chính trị vào thỏa thuận kế hoạch hợp tác giữa hai nước năm 2023 và sẽ tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm.

Mong muốn của 2 bên là tiếp tục tạo chuyển biến mới trong hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tháo gỡ dứt điểm các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Hai nước cũng mong muốn thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế và xã hội của Lào.

Theo báo cáo, hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội, giao lưu nhân dân ngày càng được tăng cường và phát triển sâu rộng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn sớm hoàn hành các tuyến giao thông kết nối hai nước. Ảnh: NN.

Kim ngạch thương mại giữa 2 nước năm 2022 đã vượt chỉ tiêu đề ra (đạt 1,73 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2021). Vốn đầu tư sang Lào cả năm 2022 đạt trên 180 triệu USD, tăng tới 52,5% so với năm 2021.

Đóng góp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp Việt Nam cho Chính phủ Lào trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 200 triệu USD/năm. Đây là điều đáng mừng trong bối cảnh quốc tế khó khăn.

Hai bên thống nhất tiếp tục thúc đẩy quan hệ chính trị - đối ngoại - an ninh quốc phòng, đầu tư, thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch 2 chiều năm 2023 tăng 10-15% so với năm 2022.

Ngoài ra, hai bên thống nhất mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối hai nước, hợp tác quản lý sử dụng bền vững nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên...

"Hai nước sẽ giải quyết dứt điểm các khó khăn đối với các dự án sử dụng viện trợ của Việt Nam dành cho Lào và các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Khuyến khích các bộ, ngành, địa phương hai nước mở rộng quan hệ, hỗ trợ lẫn nhau", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu thăm chính thức Lào Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu ngày đầu tiên trong chuyến thăm 2 ngày tới Lào bằng lịch trình bận rộn, trong đó có dự lễ bế mạc năm đoán kết hữu nghị Việt - Lào 2022.

Hiếu Công

Từ Vientiane

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viet-lao-ket-noi-nen-kinh-te-de-doc-lap-tu-chu-post1393117.html