Viết lại hành trình khai quật di sản Hoàng thành Thăng Long

Nhằm có cái nhìn toàn cảnh về hành trình khai quật di sản Hoàng thành Thăng Long, NXB Thế giới phối hợp với Viện Viễn đông Bác cổ tại Hà Nội (EFEO) và Viện Khảo cổ học vừa cho ra mắt cuốn sách 'Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long: Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội'.

Khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long.

Cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long: Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội” do GS.TS Andrew Hardy và TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) làm chủ biên là tập hợp các bài viết của nhiều tác giả trong nước và quốc tế như GS Phan Huy Lê, nhà sử học Đào Hùng, PGS.TS Tống Trung Tín, GS Franciscus Verellen (nguyên giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ), PGS Diệp Đình Hoa, PGS Phan Khanh…

Cuốn sách này không chỉ là sự nhắc lại những cảm xúc từ buổi ban đầu của đội ngũ những người đã khám phá và đang tiếp tục khám phá giá trị của di sản, mà còn là sự đưa dẫn người đọc theo những lưỡi bay, nhát cuốc của các nhà khảo cổ học để dần thấy được khuôn mặt thực sự của Hoàng thành Thăng Long. Đồng thời cuốn sách cũng đưa ra những nghiên cứu lịch sử mới nhất trên kết quả của việc phát lộ di tích và những suy nghĩ đầu tiên về việc gìn giữ và phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long.

TS Nguyễn Tiến Đông, đồng chủ biên cuốn sách cho biết: “Mục đích của người làm sách là muốn phổ cập kiến thức về Hoàng thành Thăng Long cho tất cả mọi người từ người lao động phổ thông cho tới những nhà nghiên cứu. Tất cả những tài liệu, thông tin trong cuốn sách mang đến cho người đọc những sử liệu được biểu đạt một cách đơn giản, dễ tiếp cận nhưng trung thành với lịch sử và dành riêng cho tủ sách lịch sử Việt Nam”. Tuy nhiên để hoàn thiện tác phẩm này lại là một hành trình đầy gian nan.

Theo TS Nguyễn Tiến Đông, ý tưởng để cuốn sách ra đời xuất hiện từ khoảng những năm 2004 – 2006 khi Khu di chỉ 18 Hoàng Diệu vừa phát lộ một phần, tất cả những báu vật trong lòng đất hiện lên khiến giới nghiên cứu ngỡ ngàng và cả kinh ngạc. Tuy nhiên, thời điểm đó có những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan tác động khiến cuốn sách chưa thể thực hiện ngay được. Tuy nhiên, ông và GS.TS Andrew Hardy vẫn âm thầm chuẩn bị và chờ “đến khi có sự thay đổi” để trình làng cuốn sách kể trên.

Khi khảo cổ di tích Hoàng thành Thăng Long, PGS.TS Tống Trung Tín là Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ nhiệm Dự án. Ông nói: “Năm 2002, khi bắt tay vào khai quật, không ai dám chắc dưới lòng đất có còn gì không. Lúc đó, trời giá rét căm căm, mưa phùn rát mặt, nước mạch lạnh buốt luôn luôn tràn ngập hố khai quật. Nhiều đội công nhân đã chịu không nổi và bỏ về. Thậm chí một số cán bộ Viện Khảo cổ cũng cảm thấy chán nản. May mắn thay, tại địa điểm 18 Hoàng Diệu, trong khuôn viên 19.000m2 các nhà khảo cổ Việt Nam đã tìm thấy một tầng văn hóa cổ rất dày nằm ở độ sâu khoảng 2m đến 3,5m và 4m. Tại lớp sâu nhất là văn hóa tiền Thăng Long (bao gồm có thời kỳ Đại La thế kỷ thứ 7, thời kỳ Đinh Lê thế kỷ thứ 10) rồi thời Lý thế kỷ 11 và 12, thời Trần thế kỷ 13 và 14, thời Lê thế kỷ 15, thế kỷ 18 và trên nữa có một ít dấu vết văn hóa vật chất của kinh thành thời Nguyễn.

TS Nguyễn Tiến Đông cho biết: Những ngày đầu tiên tiến hành khảo sát chưa bao giờ nhà khảo cổ học lại chán nản đến như vậy. Nó bề bộn, lõng bóng, bẩn thỉu và hơn cả là chẳng thấy gì.

Lúc đó, PGS.TS Tống Trung Tín, người chịu trách nhiệm chính của cuộc khai quật chạy đi chạy lại từ hố khai quật này đến hố khai quật kia và luôn miệng hỏi: “Đã thấy dấu tích kiến trúc chưa?”. Là người làm khảo cổ học kiến trúc khá lâu năm và cũng có một số kinh nghiệm về lĩnh vực này, tôi thấu hiểu nỗi lo của ông vì khai quật di tích kiến trúc, nhất là kiến trúc kinh thành mà không tìm thấy dấu hiệu nào của các nền móng, thềm bậc, sân, tảng kê cột... thì coi như thất bại.

Để rồi, vào đúng ngày trời rét “cắt da, cắt thịt” gần Tết Nguyên đán, tôi thò tay xuống hố khai quật đầy nước sờ thấy khoảng gần chục viên gạch xếp liền nhau. Linh tính và kinh nghiệm mách bảo rằng, đã thấy dấu tích kiến trúc. Tôi lập tức đề nghị dùng máy bơm hút nước. Khi hố cạn nước, làm vệ sinh khu vực khai quật, một mặt bằng chừng 6m2 lát gạch phẳng lỳ, đỏ rực hiện lên cạnh một cái cống cũng xây bằng những viên gạch cùng loại và đó là những viên gạch đặc trưng của thời Trần. Lúc đó, tôi không nói được lời nào, cứ đứng nhìn, những người làm cùng không hiểu tôi bị làm sao. Tôi hiểu là mình đã tìm thấy kiến trúc thời Trần ngay tại khu vực mà sử sách gọi là Kinh đô Thăng Long xưa.

“Mỗi lần đào được một di vật như đầu rồng, người tôi cứ lâng lâng và sởn gai ốc vì ngay tại đây, lịch sử mà chúng ta đi tìm kiếm bấy lâu đang hiện diện. Tôi không chỉ nhìn thấy dấu vết kiến trúc xưa mà còn ngỡ mình đang đứng giữa thành quách hoàng cung được trang trí rực rỡ, thấy dòng sông cổ như còn đang chảy qua những lầu bát giác. Đây là một vinh dự và may mắn cực kỳ lớn của một nhà khảo cổ vì có lẽ cả đời tôi sẽ không còn được tham gia khai quật một di tích nào lớn hơn thế này!”-ông Đông nhớ lại.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/viet-lai-hanh-trinh-khai-quat-di-san-hoang-thanh-thang-long-tintuc425213