Viết kịch thời COVID-19

'Có dịch hay không, cách ly mức độ nào thì cánh sáng tác chúng tôi khi ngồi viết thường đều ngồi nhà cho nên không thấy xáo trộn lắm. Hàng năm tôi cũng thường xa gia đình để 'cách ly tập trung' vài đợt mươi mười lăm ngày tại trại sáng tác, đi thực tế, ra Trường Sa...', nhà viết kịch Lê Quý Hiền trải lòng.

PV: Đại dịch đang gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Ông có những suy ngẫm gì từ hiện thực này?

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền: Trong nguy có cơ. Tác hại của đại địch khỏi nói ai cũng biết nhưng nó cũng là dịp để “thực tập”, “thể nghiệm” việc xóa đi khoảng cách giữa nhận thức và hành động trước những đòi hỏi của cuộc sống để khi hết dịch ta tiếp tục thực hiện. Ví dụ như chuyện dạy thêm học thêm, chuyện giảm tải chương trình trong giáo dục để trả lại tuổi thơ cho các cháu.

Hay chuyện ra đường nên có thói quen đeo khẩu trang trước sự ô nhiễm không khí và có thói quen không có việc cần thì không ra đường để giảm bớt lưu lượng giao thông trên đường phố cũng như bớt những cuộc tụ bạ vô bổ trong các hàng quán.

Cơn đại dịch này cũng khơi dậy sự ấm cúng của gia đình khi quây quần bên nhau quanh mâm cơm - điều quan trọng nhất mà có lúc chúng ta lãng quên để lao vào những công việc và những mối quan hệ khác vì nhiều lý do.

Nhà báo, nhà viết kịch Lê Quý Hiền (thứ hai từ trái sang) trong chuyến công tác ở đảo Trường Sa.

Nhà báo, nhà viết kịch Lê Quý Hiền (thứ hai từ trái sang) trong chuyến công tác ở đảo Trường Sa.

Nhìn rộng ra xã hội, từ việc chống dịch này chúng ta có bài học khi trước mỗi vấn đề của cuộc sống, tất cả cùng vào cuộc, cùng phối hợp, không đùn đẩy sẽ thoát khỏi sự trì trệ. Giữ được tinh thần chống dịch này, nông sản không cần phải giải cứu; Người tiêu dùng yên tâm không lo hàng giả, nâng giá khi tất cả hàng hóa đều được kiểm soát như khẩu trang và nước sát khuẩn trong mùa dịch; Nhiều cơ quan đánh giá nhân viên không phải từ việc đi muộn về sớm, chăm chỉ ôm 4 chân bàn mà là hiệu quả công việc khi làm việc tại nhà. (Trong thời đại 4.0, cơ quan nào có thể làm việc chủ yếu tại nhà cũng sẽ giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm điện nước nhiều lắm đấy).

Nghe nói ông đang có ý tưởng viết kịch bản sân khấu về đề tài phòng chống dịch Covid-19?

Sao lại không viết khi mà nó làm thay đổi nhận thức và hành động trong mỗi người, mỗi cơ quan như nói trên!

Ông còn là một người làm báo không ngại xộc thẳng vào những vấn đề nóng hổi của cuộc sống. Từ thực tiễn làm báo của mình, ông đánh giá thế nào về vai trò của sân khấu trong việc phản ánh những vấn đề thời sự của đời sống?

Sân khấu hay bất cứ loại hình văn học nghệ thuật nào cũng cần phải bám sát đời sống thực tế. Vấn đề thời sự hay vấn đề muôn thuở nếu đáp ứng những điều dân nghĩ, dân mong thì đều được đón nhận. Như trong đợt chống dịch này, những bài hát như Ghen Cô vy, Trống cơm Covid-19 rất “tuyên truyền” những là rửa tay, ngồi nhà nhưng có sức lan tỏa ghê gớm. Thậm chí nhiều nước dịch hai bài trên và hát. Dân ca Việt Nam (Trống cơm) được quảng bá ra thế giới một cách rất tự nhiên và “ngọt” cũng đáng mừng đấy chứ! Đấy cũng là bài học cho sân khấu tuy vở diễn thì không thể nhanh như ca khúc, bài thơ hay tấm hình chụp.

Các tác giả sân khấu nên có tư duy của nhà báo để nắm bắt kịp thời thực tế đời sống.

Hiện nay nhiều người viết kịch bản sân khấu vẫn thường né các đề tài thời sự mà thường khai thác những chủ đề lịch sử, mượn chuyện xưa nói chuyện nay? Phải chăng họ không đủ vốn sống để viết hay vì vấn đề nào khác nữa?

Kịch nói là mũi nhọn của đời sống, chủ yếu phải xông thẳng hiện thực xã hội với những vấn đề đang diễn ra là tất nhiên rồi. Tuy nhiên, sân khấu với đặc trưng loại hình của mình thường thích hợp hơn với đề tài lịch sử, dã sử... Nếu lấy được chuyện xưa để nói chuyện nay một cách nhuần nhuyễn, sâu sắc có nghệ thuật thì tốt quá. Sợ nhất là sự xa rời thực tế cuộc sống, không đồng hành cùng nhân dân của mình, núp trong đề tài lịch sử như kể chuyện lịch sử một các thô thiển hay làm ra vẻ thử nghiệm sân khấu mới là điều đáng buồn...

Dịch COVID-19 rồi cũng sẽ hết và ông nghĩ gì khi cuộc sống không còn virus Corona?

Chả phải kiêu ngạo nhưng chúng ta rất tự hào về cách đánh “giặc” của chúng ta như xa xưa cụ Lê Quý Đôn đã nói: “Lúc vô sự phải lo như hữu sự. Khi hữu sự thì chủ động như vô sự”. Cụ thể ở đây là đường lối y tế của Đảng ta như Bác Hồ dạy “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Y tế chúng ta có hệ thống y tế cộng đồng là những chiến sĩ áo trắng đánh giặc từ xa, “chữa bệnh cho người khỏe” rất âm thầm lặng lẽ... Virus Corona không còn nhưng chắc theo thời gian sẽ có những virus mới.

Ông muốn nhắc đến loại virus nào khác?

Virus bệnh tật đã có đội ngũ thầy thuốc nhưng những loại virus tiêu cực, lãng phí, trì trệ, tham nhũng còn nguy hiểm hơn nhiều, nhiễm vào mình mà không biết để lúc nào đó mới “phát bệnh” và thiệt hại cho dân, cho nước thật khó khắc phục. Trước COVID-19 toàn dân đều cảnh giác với ý thức vì hạnh phúc của mình, gia đình mình và cả xã hội và đối với virus vừa nói cũng được chống như thế thì chả mấy nước ta hóa rồng!

Mong rằng những bất cập, những tiêu cực trong cuộc sống phải được coi như virus Corona để cả xã hội cùng có trách nhiệm và chung tay chứ không phải chuyện A, B này thuộc bộ hay ngành C, D nào. Những ai nhiễm virus tiêu cực cũng cần được “cách ly” ngay khỏi chức vụ, khỏi các cơ quan, tổ chức để về nhà, nghiêm trọng hơn thì cách ly tập trung tại các trại giam.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện đầy cởi mở và thẳng thắn.

Bình Nguyên Trang (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-kich-thoi-covid-19-n173828.html