Việt hóa 'Hậu duệ mặt trời': Cần làm mới hình ảnh người lính Việt

Mới đây, Cty BHD công bố đã mua được bản quyền phim Hậu duệ mặt trời của Hàn Quốc. Hiện tại phiên bản Việt của bộ phim này đang trong giai đoạn tuyển lựa diễn viên. Có điều, việc Việt hóa một bộ phim truyền hình bom tấn của Hàn Quốc, lại về hình tượng người lính là không hề dễ dàng.

Hậu duệ mặt trời là bộ phim truyền hình ăn khách của Hàn Quốc năm 2016. Câu chuyện xoay quanh tình yêu đẹp của đại úy Yoo Si Jin (Song Joong Ki đóng) và bác sĩ Kang Mo Yeon (Song Hye Kyo đóng). Họ gặp nhau ở BV, bắt đầu hẹn hò nhưng vì công việc mà nhiều lần phải xa cách. Cuối cùng, vượt qua những cách trở, họ đã được bên nhau. Rating của phim đạt mức kỷ lục trong tập cuối (gần 39%).

Với sức nóng toàn châu Á, phim đoạt rất nhiều giải thưởng, trong có giải Grand Prize – một hạng mục danh giá của Giải thưởng Nghệ thuật Baeksang lần thứ 52 của Hàn Quốc. Hiện, kịch bản phim Hậu duệ mặt trời được một số nước như Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Indonesia mua lại bản quyền.

Chia sẻ về dự án sản xuất phiên bản Việt của Hậu duệ mặt trời, bà Ngô Thị Bích Hạnh đại diện BHD cho biết Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt sẽ là một bộ phim về những người lính và bác sĩ Việt Nam. Họ đều là những người trẻ tuổi có tinh thần yêu nước trong sáng, luôn sẵn lòng bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, cứu chữa cho nhân dân. Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt sẽ được đạo diễn Trần Bửu Lộc đảm nhận vai trò đạo diễn. Hiện, phim đang trong giai đoạn tuyển diễn viên. Tuy nhiên, việc Việt hóa một bộ phim bom tấn của Hàn Quốc nói riêng và của cả châu Á nói chung đặt ra rất nhiều khó khăn thách thức.

Đạo diễn Trần Bửu Lộc của “Cô Ba Sài Gòn” với gánh nặng về việc làm remake Hậu duệ mặt trời bản Việt. Ảnh đoàn làm phim

Có thể thấy, chưa bao giờ phim Việt hóa lại bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay. Lý do khiến các nhà làm phim đầu tư mạnh vào dòng phim này là vì thị trường phim ảnh tại Việt Nam hiện rất khan hiếm kịch bản phim hay, trong khi đó trào lưu phim Việt hóa đang khá thịnh hành.

Trong khi đó, các kịch bản gốc đều thuộc hàng bom tấn, từng gây được sự chú ý mạnh mẽ với khán giả Việt. Việc Việt hóa các phim từ kịch bản nước ngoài sẽ dễ thu hút khán giả Việt, hay nói cách khác, phim Việt hóa có mặt lợi thế về mặt truyền thông.

Tuy nhiên, số lượng phim Việt hóa thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mảng truyền hình trong các năm gần đây có các phim từng gây sốt như Cầu vồng tình yêu, Người phán xử, Mẹ chồng nàng dâu. Mảng điện ảnh, các phim nhận được đánh giá cao về kịch bản, diễn xuất, quay phim, doanh thu phải kể đến Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ.

Trong đó, Em là bà nội của anh là phim Việt hóa đạt doanh thu cao nhất (102 tỷ đồng), còn Tháng năm rực rỡ sau 1 tháng cũng đạt doanh thu ấn tượng 84 tỷ đồng. Một số phim Việt hóa không thành công phải kể đến Ngôi nhà hạnh phúc (truyền hình), Sắc đẹp ngàn cân, Yêu em bất chấp,…

Lý do khiến các phim Việt hóa thất bại là vì khán giả từng xem và yêu thích bản gốc thì khi xem phim Việt hóa thường có tâm lý so sánh kỹ càng. Phần kịch bản nhiều phim Việt hóa thiếu khéo léo, thậm chí bê nguyên xi kịch bản gốc. Ví như phim Sắc đẹp ngàn cân bị khán giả nhận xét bắt chước bản gốc từng chi tiết, góc quay.

Điều này đã được NSND, đạo diễn Đào Bá Sơn “cảnh báo” tại cuộc hội thảo trong khuôn khổ giải thưởng Cánh diều 2018 vừa qua. Cụ thể, khi đánh giá về dòng phim remake (làm lại), ông nhận xét: “Không chấm giải phim remake vì sự sáng tạo gần như không có. Thậm chí nhiều phim remake bắt chước phim gốc đến cả góc quay, tạo hình nhân vật. Mặc dù khán giả có nhiều lựa chọn hơn nhưng về mặt học thuật thì phim remake có thể ví như bản photo”.

Còn Tháng năm rực rỡ dù nhận được nhiều lời khen vẫn mắc một số lỗi Việt hóa chưa được khéo khi một số tình tiết không phù hợp với văn hóa Việt như cảnh hai nữ sinh Hiểu Phương (Hoàng Yến Chi Bi đóng) và Tuyết Anh (Jun Vũ đóng) đi uống rượu say xỉn, tình tiết học sinh cá biệt Kiều Chinh rạch mặt Tuyết Anh chưa được giải quyết thỏa đáng, phụ huynh đánh bạn của con vì tội bắt nạt con mình, các nhân vật chính nhảy nhót trong tang lễ bạn, đọc di chúc trong lễ tang,...

Hơn nữa, trong khi phim bản gốc có lời thoại hay, sâu sắc, có mối liên kết với nhau, diễn viên diễn tự nhiên, chân thật thì phim Việt hóa chưa có được điều đó. Lời thoại phim Việt hóa khá khiên cưỡng, các diễn viên tham gia phim Việt hóa thời gian gần đây đa phần là diễn viên tay ngang (người mẫu, ca sĩ, MC) nên chưa khắc họa được tính cách, nội tâm nhân vật.

Ví như phim Việt hóa Ông ngoại tuổi 30 mới đây, cả hai diễn viên chính (Trịnh Thăng Bình, Kiều Trinh) đều bị chê là chưa thể hiện được tính cách của nhân vật, các đoạn diễn nội tâm thì làm quá, thiếu tự nhiên. Phim Yêu em bất chấp, hai diễn viên Hoài Lâm, Ngọc Thanh Tâm cũng bị chê diễn đơ.

Điều đặc biệt khó khăn trong việc làm phim về người lính Việt chính là việc hình ảnh người lính đã trở thành khuôn mẫu, thậm chí là rất khô khan trong nhiều bộ phim Việt. Chính vì thế nên việc tạo dựng được hình ảnh người lính mềm mại, có tính cách như đại úy Yoo Si Jin là điều không hề dễ dàng. Nếu xây dựng không khéo sẽ dẫn đến không phù hợp với văn hóa Việt Nam và dễ gây tranh cãi.

Còn nếu hình ảnh người lính vẫn giữ sự khô khan, khuôn mẫu như nhiều bộ phim từng công chiếu thì chắc chắn phim sẽ không được khán giả trẻ đón nhận. Vậy nên việc làm phim Việt hóa nói chung và phim Việt hóa về đề tài người lính đặt ra nhiều thách thức cho các nhà làm phim, đòi hỏi họ phải thực sự tài năng, sáng tạo và dũng cảm. Việt hóa phim không đơn thuần là thay tên Việt, lời thoại Việt, bối cảnh Việt mà cốt yếu là phải Việt hóa văn hóa, Việt hóa tâm sinh lý mới có thể thành công.

Hồng Giang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/viet-hoa-hau-due-mat-troi-can-lam-moi-hinh-anh-nguoi-linh-viet-114285.html