Viết cho những tháng ngày giấu nỗi nhớ trong lòng: 'Cảm ơn những người mẹ tuyến đầu chống dịch, mọi người đã vất vả rồi'

Ta trôi trong dòng chảy tự hào Việt để thấy tên những người phụ nữ bao đời vang danh trong câu chuyện dân tộc. Giữa thời bình yên ả, cũng có hàng nghìn phụ nữ ở đầu chiến tuyến chống dịch COVID-19, lan tỏa sự dịu dàng tận tâm với bệnh nhân để cùng nhau vượt qua biến cố thời cuộc.

Những ngày này đi giữa phố đông, gương mặt người như thêm phần rạng rỡ. Cuộc sống dần trở lại "bình thường mới" tại Việt Nam giữa thời điểm cả thế giới vẫn đang gồng mình chống chọi với COVID-19. Dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát tốt, trở thành điểm sáng trên toàn thế giới. Những giãn cách xã hội được nới lỏng, bình yên lại về bên bao mái nhà.

Đằng sau những tấm biển "khu vực cách ly", phòng nghiên cứu, bệnh viện, có rất đông những người phụ nữ đã ngày đêm nỗ lực để đẩy lùi COVID-19, mang lại một "bình thường mới" mà người dân cả nước vẫn hân hoan trong suốt thời gian qua. Các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế đó cũng là người mẹ, mang những ân cần dịu êm từ gia đình đến cho bệnh nhân với sự thấu hiểu và tận tình. Để khi đại dịch dần lắng lại, ta nghe được tiếng thở phào nhẹ nhõm từ những người mẹ - vì dịch bệnh đã gần qua và một "sứ mệnh" nữa lại hoàn thành, vì được trở về nhà bên lũ trẻ và gia đình sau bao ngày xa cách.

Cởi bỏ chiếc áo blouse trắng, họ lại mặc lên người "chiếc áo người mẹ", vẫn dịu dàng những yêu thương với con cái, vẫn trách nhiệm và chỉn chu với gia đình. Dù là nhân viên y tế hay là một người mẹ, họ vẫn truyền đến mọi người thông điệp yêu thương, dịu nhẹ lan tỏa để vượt qua thời khắc khó khăn. Giờ ngồi nghĩ lại quãng thời gian vài tháng đó, biết bao câu chuyện bỗng ùa về ký ức tươi đẹp.

Đó là dòng chia sẻ gửi đến con trai của Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Vân - Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM. Những ngày căng thẳng nhất đã qua đi, chị đã được trở về nhà với cậu con trai 8 tuổi. Với những người mẹ như chị Vân, câu chuyện mùa COVID chỉ xoay quanh nỗi nhớ con, lo lắng cho gia đình. Trò chuyện với các chị, những chia sẻ như "con khóc, nhớ con, phải gửi con cho ông bà trông…" cứ trở đi trở lại. Đằng sau những nhọc nhằn ấy, họ vẫn gắng vững tâm để tập trung cho công việc cao cả.

Có đi qua những mùa dịch mới thấy người mẹ phải gánh nhiều thứ trên vai như thế nào. Đâu chỉ chuyện giặt giũ, nấu nướng thường ngày, có biết bao điều mẹ phải lo toan, như chị Đỗ Thị Phương Mai - Phó trưởng khoa nhiễm khuẩn tổng hợp BV Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ.

"Tuy con gái lớn rồi, mình vẫn phải bàn giao chuyện tiền nong để con mua đồ trong thời gian dịch. Rồi bố mẹ có tuổi nên cũng phải lo cho các cụ. Trong bệnh viện phải cách ly hoàn toàn, muốn ra phải đảm bảo thời gian cách ly, nhỡ bố mẹ ốm đau thì không biết làm thế nào. Biết phải đi tập trung mình đã phải dặn dò các cháu, gửi gắm 1 số bạn bè là bác sĩ chuyên ngành khác để giúp mình chăm lo sức khỏe ông bà".

Câu chuyện bên lề mùa dịch về gia đình và những đứa trẻ cũng có đôi chút niềm vui đời thường, dung dị. Như chị Mai, những cuộc chuyện trò với cô con gái đã trở thành điểm tựa tinh thần cho chị. Hai mẹ con vẫn thường xuyên Facetime cho nhau, mẹ động viên con thi cử, con động viên mẹ cố gắng với công việc. Tối nào ở trong các khu nghỉ ngơi cũng tíu tít tiếng chuyện trò, hỏi han, những nụ cười khi được thấy con, thấy chồng sau một ngày dài của các nhân viên y tế.

Lắng nghe những câu chuyện của các chị mới thấu hiểu nỗi vất vả và sự hy sinh của hàng nghìn nữ nhân viên y tế trên cả nước. Sau những giờ miệt mài trong bệnh viên, phòng nghiên cứu; họ lại quán xuyến gia đình từ xa, nhờ người này trông con, người kia mua giúp đồ dùng cho gia đình. Những ân cần chăm lo cho gia đình, họ gửi gắm vào các bệnh nhân. Ai cũng hiểu rằng, có rất nhiều các gia đình khác cũng đang mong ngóng những đứa con, người thân được trở về an toàn. Niềm yêu thương giữa mùa dịch cứ thế được trao đi, lan tỏa từ những người mẹ nơi chiến tuyến tới gia đình mình, tới cộng đồng. Họ hiểu rằng dịch hết thì lại được trở về với gia đình thân yêu.

Tin vui về COVID-19 xuất hiện trên đầy các phương tiện truyền thông đại chúng. Báo chí nước ngoài tán dương Việt Nam như một sự thành công điển hình để thế giới phải học tập với việc phòng chống dịch. Có được những thành công đó, phải kể đến những dịu nhẹ lan tỏa của các bà mẹ, dành cho bệnh nhân cũng không khác gì cho thành viên trong gia đình mình. Và những dịu nhẹ ấy, còn lan tỏa ra toàn xã hội, để người ta thấy một cộng đồng tử tế với nhau trong mùa dịch.

Và vì vậy, họ xứng đáng với những lời cảm ơn sâu sắc, chân thành nhất từ cả cộng đồng. Cảm ơn những người mẹ vì đã vất vả rồi.

Trên mạng xã hội những ngày này rộn ràng lời chúc của mọi người gửi tới đội ngũ nữ cán bộ y tế. Đâu cần ngày 8/3 hay 20/11, những anh hùng trong thời bình cũng xứng đáng với sự tôn vinh của cộng đồng cho những hy sinh thầm lặng của họ.

Đó là hai trong số rất nhiều lời chúc được gửi đến cho OMO cùng chiến dịch "Cảm ơn những dịu nhẹ lan tỏa". Thấu hiểu những hi sinh của các nữ y bác sĩ trên cả nước, OMO cùng Đông Nhi và Ông Cao Thắng chung tay thực hiện 1 dự án gửi 2000 phần quà tới những người mẹ này. Không chỉ trao đi những phần quà đầy ý nghĩa, hàng nghìn lời chúc là hàng nghìn lời tâm tình cũng đã được gửi tới. Câu chuyện của những người phụ nữ trên đầu chiến tuyến chống COVID-19 đánh động cảm xúc của hàng triệu người Việt, gợi nhắc chúng ta tới những sự hy sinh cao đẹp, vốn là truyền thống của đất nước kiên cường suốt hàng ngàn năm qua.

Từ cuộc sống thật lan tỏa tới không gian mạng, những nghệ sĩ cũng đã dành cho các bà mẹ bao lời động viên chân thành, cảm động.

Sự hàm ơn xuất phát từ lòng thấu hiểu: Hiểu được nỗi vất vả của các nhân viên y tế, hiểu được những câu chuyện đằng sau - rằng ai cũng có một gia đình, hiểu cả những điều tuyệt vời họ đã đang gieo trong cuộc sống hiện đại. COVID-19 đi qua để lại những xáo động lớn trong cuộc sống nhưng cũng giúp chúng ta nhận ra vô vàn điều tốt đẹp, lan tỏa dịu nhẹ khắp xung quanh, kết thành làn sóng tinh thần để cùng nhau tiến về phía trước.

Bên những mái nhà, tiếng cười khúc khích của lũ trẻ bên mẹ như nắng hè giòn tan trên sân phơi. Chúng ta có niềm tin vào tương lai tốt đẹp và một sự "bình thường mới" với bao hy vọng đang lan tràn khắp muôn nơi.

Quang Vũ

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/viet-cho-nhung-thang-ngay-giau-noi-nho-trong-long-cam-on-nhung-nguoi-me-tuyen-dau-chong-dich-moi-nguoi-da-vat-va-roi-22020305203032157.htm