Viện trưởng Vật lý Địa cầu nói gì việc dự báo động đất ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho hay trận động đất mạnh 5,3 độ richte ở khu vực Mộc Châu (Sơn La) từ trưa 27/7 sẽ tiếp tục gây dư chấn trong những ngày tới.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Vật lý Địa cầu cho biết, rất khó dự báo được thời điểm xảy ra động đất.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Vật lý Địa cầu cho biết, rất khó dự báo được thời điểm xảy ra động đất.

Ngày 29/7, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để triển khai các chỉ đạo Thủ tướng về ứng phó với động đất, ông Xuân Anh cho biết, trận động đất trận động đất 5,3 độ ở Sơn La ngày 27/7 có độ rủi ro thiên tai cấp 4, gây thiệt hại với các công trình xây dựng kém. Và tại Hà Nội, người dân có thể cảm nhận được.

Theo ông Xuân Anh, sau trận động đất lớn trên, Viện Vật lý Địa cầu đã quan trắc và thống kê được 16 trận dư chấn của động đất với mức trên 2,5 độ và khoảng 10 -15 trận dư chấn nhỏ hơn 2,5 độ.

“Thông thường, trong thời gian tới tới vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện các trận dư chấn nhỏ nhưng cường độ sẽ giảm dần”, ông Xuân Anh nói.

Về dự báo, cảnh báo động đất, ông Xuân Anh cho biết, hiện chỉ cảnh báo động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó như ở Tây Bắc, chứ khó dự báo thời gian xảy ra động đất. Ngay như ở Nhật Bản, có những trận động đất xảy ra gây thiệt hại rất lớn, những thời gian xảy ra động đất gần như không thể dự báo được.

“Với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, chỉ dự báo được qua sóng động đất chỉ vài giây đến vài chục giây. Với thời gian đó, ở Nhật họ chỉ dùng đủ để dừng hoạt động của tàu điện ngầm, cảnh báo khẩn cấp đến người dân…để chủ động phòng tránh”, ông Xuân Anh nói.

Theo Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, động đất là hình thái thiên tai phức tạp, có nhiều tính chất phi tuyến nên cần tiếp tục theo dõi và xử lý khi có việc bất thường.

Tại khu vực miền núi phía Bắc, trên đới đứt gãy Sơn La và Sông Mã cũng đã từng xảy ra động đất với cường độ mạnh. Đặc biệt là trận động đất tại Điện Biên năm 1935 lên tới 6,7-6,8 độ. “Trong tương lai, hoàn có có thể tái diễn những trận động đất tương tự như vậy”, ông Xuân Anh nhận định.

Do đó, phải có giải pháp căn cơ, lâu dài cần có giải pháp kháng chấn động đất, không chỉ cho các công trình thủy điện, thủy lợi, kẻ cả nhà dân, khu đô thị…Bởi, nhiều công trình hạ tầng, nhà ở có thiết kế chống động đất ở mức thấp.

Tâm chấn trận động đất mạnh nhất ở Mộc Châu cách Hà Nội khoảng 130 km

Về an toàn các hồ chứa, lãnh đạo Viện Vật lý Địa cầu cho biết, các hồ đập lớn đã đánh giá trước và sau khi tích nước. “Tôi nghĩ với hệ thống hồ đập nhỏ, cũng cần phải rà soát, đánh giá, nhất là trong bối cảnh biến đổi phức tạp như hiện nay”, ông Xuân Anh nói.

Với các hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, hiện Viện Vật lý địa cầu đang có khoảng 30 trạm quan trắc ở các địa phương. Đây là những nguồn số liệu để EVN vận hành đảm bảo an toàn hồ thủy điện.

Trả lời PV Tiền Phong về về tác động của động đất đến Hà Nội ra sao? Ông Xuân Anh cho rằng, với những trận động đất ở xa, việc ảnh hưởng sẽ phụ thuộc khoảng khách, nền đất ở Hà Nội, và phụ thuộc vào chất lượng công trình đó.

Theo ông Xuân Anh, hiện người dân nhận biết động đất chỉ qua cảm nhận. Để đánh giá trực tiếp phải có những thiết bị quan trắc tại ngôi nhà. Chẳng hạn, trên nhà cao tầng, sẽ đặt các thiết bị ở tầng 1-2, và tầng trên cùng để đánh giá cụ thể.

“Hiện Viện đã có dự án để thực hiện công việc này, tuy nhiên, hiện vẫn chưa triển khai được”, ông Xuân Anh cho biết.

Kiểm tra, đánh giá lại an toàn các hồ chứa lớn

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sau khi có động đất, EVN đã chỉ đạo các công ty, đơn vị trực thuộc như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng… nắm bắt, cung cấp các số liệu cho Tập đoàn và Ban chỉ đạo Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Qua số liệu quan trắc, tất cả các công trình trình thủy điện vẫn đảm bảo an toàn.

“Thời gian tới chúng tôi tiếp tục phân tích các số liệu quan trắc và thuê các đơn vị tư vấn chuyên ngành để đánh giá kỹ hơn”, ông Hải nói.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương kiểm tra, đánh giá tác động của động đất đến hệ thống các hồ chứa

Về hồ thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi cho biết, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu chức các đoàn đi kiểm tra, đánh giá tình hình tại các khu vực bị ảnh hưởng của động đất.

Được biết, trong ba tỉnh trong khu vực bị ảnh hưởng của trận động đất trưa 27/7 có 560 hồ chứa, hiện tại đang ở trong tình trạng hoạt động bình thường, với dung tích trữ thấp.

Chỉ có một số hồ ở Tuyên Quang ở mức cao. Tổng cục Thủy lợi đã chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình chủ động xả nước để đảm bảo tuyệt đối cho công trình.

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết: Các hồ chứa nhà nước đầu tư trong những năm qua như hồ Hòa Bình, hồ Sơn La được thiết kế chống chịu động đất ở mức cao hơn rất nhiều so với các trận động đất đã từng xảy ra tại Việt Nam.

“Do đó, chúng ta hoàn toàn yên tâm về độ an toàn của các công trình này. Tuy nhiên, EVN vẫn cần phối hợp với các đơn vị liên quan để đánh giá lại chất lượng các công trình đặc biệt quan trọng này”, ông Hoài nói.

Nam Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/vien-truong-vat-ly-dia-cau-noi-gi-viec-du-bao-dong-dat-o-viet-nam-1696171.tpo