Viện trưởng Lê Minh Trí đề xuất xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục cả cộng đồng

Bên cạnh áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, cần thiết xây dựng ban hành Luật Đạo đức để giáo dục cả cộng đồng xã hội chứ không chỉ bằng nêu gương, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của cán bộ đảng viên.

 Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. (Ảnh: Như Ý)

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. (Ảnh: Như Ý)

Gỡ vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc

Sáng 30/6, phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đánh giá, trong 10 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng, được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ và đã trở thành phong trào mạnh mẽ không chỉ ở cấp Trung ương, mà nhiều địa phương đã làm tốt.

Bên cạnh đó, kết quả thu hồi tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát ngày càng tốt hơn. Đi đôi với xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu cầm đầu, có chính sách phân hóa mạnh đối với những người làm vì nhiệm vụ. Việc phối hợp giữa các cơ quan tố tụng đã làm tốt hơn trước với mục đích chứng minh tội phạm và đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng tiến độ, xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan sai, không để lọt tội phạm, đồng thời bảo đảm tính nhân văn, tính thuyết phục.

“Kết quả đạt được trong 10 năm qua là đáng trân trọng, chúng ta tiếp tục phát huy chủ trương, cách làm tốt. Nhưng qua tổng kết, chúng ta cũng lắng nghe ý kiến nhiều chiều của cán bộ đảng viên và người dân để có thể bổ sung cách làm mới, có quan điểm, chủ trương mới, từ đó cụ thể hóa bằng quy định của pháp luật, có phân công nhiệm vụ trong thực hiện để có hiệu quả tốt hơn”, Viện trưởng Lê Minh Trí.

Bên cạnh xử lý nghiêm những đối tượng tham nhũng, tiêu cực, theo ông Trí, cần ban hành, bổ sung kịp thời chính sách pháp luật về quản lý và chế tài, trách nhiệm trong quản lý, nhất là những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm dễ tham nhũng, tiêu cực, nhằm bịt các lỗ hổng.

Theo Viện trưởng VKSND, thực tế cho thấy chính sách pháp luật phục vụ phát triển thời gian qua chưa nhiều so với chính sách pháp luật quản lý, kiểm soát. Do vậy, chúng ta cần ban hành nhiều chính sách pháp luật tạo động lực phát triển, thu hút nguồn lực, khuyến khích năng động, sáng tạo. Đồng thời phải đảm bảo các quy định, hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro đối với người thực hiện.

“Nếu có khoảng trống thì kẻ xấu sẽ lợi dụng vi phạm, còn không có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn thì người tốt sẽ tâm lý, lo sợ rủi ro, không năng động, sáng tạo, không có động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ. Vì thực tế cố ý làm trái và năng động sáng tạo, hành vi làm giống nhau, chỉ khác là hậu quả hay hiệu quả mà thôi”, Viện trưởng Trí nêu.

Về điều này, tại diễn đàn Quốc hội, ông Trí cũng đã nêu bất cập Điều 219 Bộ Luật hình sự 2015, quy định về trách nhiệm của cán bộ quản lý tài sản công. Theo ông Trí, quy định này rất rủi ro cho người thực hiện, lằn ranh đúng sai rất mong manh trong thực tế.

“Do vậy, tôi kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Trung ương xem xét có nghị quyết, có chủ trương và giao cho Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo cần tập trung rà soát và kịp thời ban hành văn bản pháp lý cần thiết đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và đầy đủ hơn trong hệ thống pháp luật để đảm bảo hai yêu cầu, kỷ cương chặt chẽ và có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro để tạo động lực phát triển. Trước mắt, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và định giá đất để đấu giá hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”, Viện trưởng KSND Tối cao kiến nghị.

Cần cụ thể hóa quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Theo ông Trí, vừa qua, Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, nhưng buộc tội bằng pháp luật, có chương, có điều khoản cụ thể. “Kết luận 14 cần tiếp tục chỉ đạo cụ thể hóa hơn nữa, chắc cũng phải bằng chương, điều khoản để đạt được mục đích đề ra”, ông nói.

Trong hoạt động nghiệp vụ của ngành kiểm sát cũng như cơ quan tố tụng, ông Trí cho biết, đi đôi với yêu cầu tiến công tội phạm, VKSND trong việc thực hiện nghiệp vụ của mình đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, không hình sự hóa, quan hệ dân sự kinh tế, đảm bảo đúng pháp luật, trung thực, trung thành chấp hành chỉ đạo của Đảng, Ban Chỉ đạo…

“Xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu nhưng cần phải giảm nhẹ cho người phải làm theo, do chấp hành mệnh lệnh và không vụ lợi, nếu khai nhận, hợp tác tốt, khắc phục, không còn hậu quả”, ông Trí bày tỏ, đồng thời cho rằng, Quy định 102 và các quy định pháp luật quy định rất nghiêm khắc, dẫn đến tâm lý sợ oan sai, sợ bỏ lọt tội phạm sẽ tác động đến trách nhiệm của cán bộ thực hiện nhiệm vụ kể cả trong cơ quan tư pháp.

Ảnh: Như Ý

Tạo điều kiện khắc phục hậu quả

Viện trưởng cũng nhấn mạnh quan điểm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là phức tạp nên cần đồng bộ trong quan điểm, chủ trương, nhận thức, cách làm thậm chí dám thay đổi, bổ sung quan điểm, cách làm mới để đạt được hiệu quả tốt hơn. Cụ thể, làm sao thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát, khắc phục hậu quả tốt hơn nữa, đồng thời tăng tính phòng ngừa và giảm xử lý hình sự đối với người vi phạm thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thành công hơn nữa.

VKSND Tối cao kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương cho chủ trương, giao Ban Nội chính Trung ương, hoặc VKSND Tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả. “Làm như vậy chúng ta sẽ thu hồi được tài sản thất thoát, tham nhũng và việc khắc phục hậu quả sẽ được nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để không bị xử lý hình sự nữa mà chúng ta cũng không phải băn khoăn nhiều về việc phải xử lý nhiều cán bộ”, ông Trí nói.

Bên cạnh áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục, Viện trưởng Trí cho rằng, cần thiết xây dựng ban hành Luật Đạo đức giáo dục cả cộng đồng xã hội chứ không chỉ bằng nêu gương, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của cán bộ đảng viên. “Phải giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người, để nhằm góp phần phòng ngừa hành vi vi phạm tốt hơn”, ông Trí cho hay.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vien-truong-le-minh-tri-de-xuat-xay-dung-luat-dao-duc-de-giao-duc-ca-cong-dong-post1449914.tpo