Viễn thông châu Á: Cuộc tranh giành khốc liệt

Không những phủ sóng tại các quốc gia phát triển và đang phát triển, mà ngay cả những khu vực - nơi hệ thống lưới điện quốc gia còn chưa kéo tới, thì nay đã trở thành thị trường cạnh tranh khốc liệt giữa các DN khai thác dịch vụ viễn thông.

Cáp quang dưới biển được nhiều DN viễn thông đầu tư.

Mấy năm trở lại đây, mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram… bùng nổ trên toàn thế giới đã trở thành “bàn đạp” giúp ngành viễn thông châu Á nói riêng và thế giới nói chung vượt khó. Các DN viễn thông gần như không quản ngại khó khăn và thách thức, tới mức ngay cả những khu vực cơ sở hạ tầng nghèo nàn như ngôi làng nhỏ nằm cách TP Mandalay, đô thị đông dân nhất Myanmar chưa tới 2 giờ lái xe cũng đã trở thành “chiến trường” của ngành viễn thông.

Theo đó, ngay cả hệ thống lưới điện quốc gia cũng chưa kéo tới, song người dân tại ngôi làng này đều đã sử dụng thành thạo những chiếc điện thoại thông minh. Chỉ là một ngôi làng nhỏ, nhưng với những gì đang diễn ra, có thể thấy cuộc chiến tranh giành thị phần đầy khốc liệt giữa các DN viễn thông tại thị trường mới nổi và nhiều tiềm năng như Myanmar. 4G tốc độ cao cùng âm nhạc, thanh toán điện tử… những công nghệ đang “làm mưa, làm gió” trên thế giới đều đã được các nhà viễn thông đưa về ngôi làng nhỏ ở Myanmar.

Ở Myanmar, sự thay đổi mạnh mẽ chính thức bắt đầu năm 2014 khi Tenor của Na Uy và Ooredoo của Qatar tham gia thị trường vốn bị thống trị bởi công ty quốc doanh Myanmar Posts & Telecommunications (MPT). Thay đổi đầu tiên là giá sim điện thoại, vốn từ hơn 100USD giảm xuống còn 1 USD/chiếc. Tuy nhiên, không để mất thị trường, MPT đã nỗ lực giành lại thị phần thông qua sự hợp tác với KDDI và Sumitomo Corp. của Nhật Bản. Năm 2016, thị phần của MPT tại Myanmar là lớn nhất với 47%. Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động ở Myanmar đã tăng từ 3% năm 2011 lên 89% trong năm 2016.

Sức mạnh về tài chính và công nghệ của các tập đoàn viễn thông danh tiếng đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi ở các nước như Myanmar. Không chỉ Myanmar, hiện nay các DN viễn thông danh tiếng thế giới bắt đầu để mắt nhiều hơn tới thị trường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, công ty NEC Corp của Nhật Bản cũng đã cung cấp hệ thống cáp quang xuyên Thái Bình Dương để đáp ứng nhu cầu truy cập mạng ngày càng tăng giữa Đông Nam Á và Bắc Mỹ.

Ngoài ra, công ty RAM Telecom International Inc đã cho xây dựng hệ thống cáp quang chạy từ khu vực Đông Nam Á - Mỹ với tổng chi phí khoảng 250 triệu USD, hệ thống có tổng chiều dài 15.000km từ Philippines và Indonesia tới California qua đảo Guam và Hawaii. Ngoài các thương hiệu tới từ Âu - Mỹ, thị trường châu Á cũng là cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa những tên tuổi có tiếng trong khu vực. Viettel của Việt Nam và Axiata của Malaysia nằm trong số những công ty muốn phát triển rộng hơn so với quy mô dân số ở quốc gia hình thành.

Giới chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp viễn thông đang ở đỉnh cao của cuộc cách mạng khổng lồ. So với trước, những thiết bị công nghệ ngày nay đa dạng và rẻ hơn rất nhiều, do sự cạnh tranh giữa các “ông lớn” viễn thông. Như vậy, đối với các nước như Campuchia và Myanmar việc thiếu cơ sở hạ tầng là điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài tham gia và mở rộng cơ hội kinh doanh liên quan tới điện thoại thông minh, biến khu vực trở thành miếng bánh béo bở cho các tập đoàn viễn thông khu vực và thế giới.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vien-thong-chau-a-cuoc-tranh-gianh-khoc-liet-299300.html