Viện Răng Hàm Mặt Trung ương phản hồi thông tin 'nguy cơ đóng cửa do thiếu thuốc tê'

Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, hiện nguồn thuốc gây tê vẫn đảm bảo đáp ứng cho công tác điều trị, không có chuyện đứt chuỗi cung ứng dẫn đến bệnh viện phải đóng cửa bởi các đối tác cung ứng vẫn cam kết bổ sung kịp thời nguồn thuốc thay thế cho bệnh viện theo kế hoạch.

Theo lãnh đạo bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cũng có thời điểm trước đây bệnh viện bị khan hiếm các loại thuốc, trong đó có thuốc tê do một số đối tác dừng ký hợp đồng cung ứng. Nhất là sau đại dịch Covid 19, nhiều nhà cung ứng cũng bị đứt chuỗi nên bệnh viện cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đó chỉ là nguồn thuốc dự trù phải qua đấu thầu còn hiện tại, bệnh viện vẫn có nhiều đơn vị đảm bảo nguồn cung.

PGS -TS TRẦN CAO BÍNH, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương: “Nhà cung cấp đó họ cũng chỉ thông báo là người ta khan hiếm cái nguồn cung của một đơn vị cung cấp thôi để cho đơn vị nắm bắt tình hình, điều tiết. Tuy nhiên bệnh viện cũng đã chủ động xây dựng các phương án đa dạng các nguồn cung cấp từ trước đấy, chúng tôi đã dùng xen kẽ các thuốc tê nhưng mà với phương châm dùng thuốc tê gì thì cũng phải đảm bảo cái an toàn và quyền lợi của người bệnh là trên hết .”

Tại Khoa dược của bệnh viện, cơ số thuốc gây tê này vẫn được dự trữ với số lượng trung bình, đảm bảo theo kế hoạch điều trị hàng tháng.

Dược sỹ NGUYỄN BỊCH HƯỜNG, Phó trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương: "Hiện tại thuốc mà Bệnh viện cung ứng là hàng của Pháp. Thuốc gây tê quen thuộc nhất là có 2 loại này bao gồm bao bì mà đỏ là Linocain và Adelanin. Với bệnh nhân cao huyết áp có thêm loại thuốc là bao bì cây xanh thành phần của nó là Melicain thì bệnh viện vẫn có đủ thuốc để đến viện điều trị."

Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân, cao điểm lên đến 1.500 người đến khám, điều trị. Mỗi tuần, bệnh viện sử dụng 1.000 - 1.500 ống thuốc gây tê , cao điểm lên đến 2.000 ống.

Bác sỹ TRỊNH VŨ HẢI, Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương: "Thực sự nếu không có thuốc tê thì bác sỹ cũng chẳng nghĩ đến. Bởi vì trong can thiệp nha khoa thì đây là loại thuốc được sử dụng tương đối phổ biến ở nhiều lĩnh vực can thiệp. Từ điều trị nội nha, phẫu thuật nhổ răng hay phức tạp hơn là phẫu thuật hàm mặt".

Thuốc tê chứa Lidocain 2% đang bị khan hiếm thuộc nhóm các thuốc qua đấu thầu. Tuy nhiên trong lúc chờ đợi, bệnh viện này đã liên hệ với các nhà cung ứng thuốc tê khác cung cấp thuốc tê nồng độ adrenaline 4%, là thuốc tốt hơn và đắt hơn thuốc tê hiện tại đang dùng; và dùng thuốc thay thế xen kẽ, phù hợp trong điều trị. Lãnh đạo bệnh viện cũng khẳng định cơ sở hoàn toàn có thuốc tê thay thế, đảm bảo an toàn cho người bệnh và phủ nhận việc "chỉ thiếu 1 loại thuốc tê mà bệnh viện phải đóng cửa”.

Thực hiện : Tiến Dũng Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/vien-rang-ham-mat-trung-uong-phan-hoi-thong-tin-nguy-co-dong-cua-do-thieu-thuoc-te