Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập

Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập; Độc đáo Chương trình Ca trù 'Cuộc gặp gỡ Thi ca và âm nhạc'; Giao lưu 'Cùng xây tổ ấm' là những thông tin về văn hóa nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình.

Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Hà Nội: Sáng 28/6, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc đã tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập.

Được thành lập cách đây 20 năm, Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc (trước đây là Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc) đã thu hút sự tham gia của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ tâm huyết với văn hóa nghệ thuật dân tộc. Nhiều chương trình, dự án được triển khai đã góp phần bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa, khôi phục và quảng bá nhiều loại hình diễn xướng truyền thống, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ.

Ngay từ những ngày đầu, Viện đã nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của các văn nghệ sĩ, học giả, nhà nghiên cứu có uy tín như nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà văn Sơn Tùng, NSND Đào Mộng Long, nhà viết kịch Học Phi, nhà nghiên cứu Mịch Quang, nhạc sĩ Trần Hoàn... Viện nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa dân tộc, đã trở thành thành viên duy nhất về khoa học nhân văn thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Đến thời điểm hiện tại, Viện có nhiều chi nhánh tại các tỉnh, thành phố ba miền đất nước cùng các trung tâm thành viên như: Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa ẩm thực dân tộc, Trung tâm văn hóa quan họ truyền thống và hàng chục câu lạc bộ văn học, nghệ thuật dân tộc như các câu lạc bộ thơ lục bát, câu lạc bộ ca trù... với số lượng hội viên đã lên tới hàng trăm người.

Nhiều hội thảo khoa học do Viện tổ chức đã thu hút đông các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế về các danh nhân văn hóa và lịch sử của dân tộc, trong đó có các hội thảo khoa học về "Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa dân tộc", "Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu", "50 năm Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại",…

Bên cạnh đó, Viện cũng tham gia thực hiện dự án xây dựng văn hóa giao thông, đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, sáng tác.

Hải Phòng: Tại Nhà Kèn, vườn hoa Nguyễn Du (quận Hồng Bàng) Câu lạc bộ "Hát dân ca" (Trung tâm Văn hóa thành phố) đã tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Đây là hoạt động nghệ thuật thường xuyên vào cuối tuần, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân thành phố.

Các nghệ sĩ của Câu lạc bộ "Hát dân ca" đã gửi đến người xem nhiều ca khúc trữ tình, đằm thắm tình yêu quê hương, đất nước: "Duyên tình quan họ", "Về hội Lim", "Hải Phòng yêu thương", "Về quê", "Hát thầm", "Say tình", "Cô gái Pa Cô", "Về miền sóng miền gió", "Bèo dạt mây trôi", "Tương phùng tương ngộ", "Nợ duyên"… Chương trình nghệ thuật được người xem đón nhận như món ăn tinh thần không thể thiếu vào dịp cuối tuần.

Cùng ngày cũng tại Hải Phòng đã diễn ra chương trình Ca trù "Cuộc gặp gỡ Thi ca và âm nhạc" của Giáo phường Ca trù Hải Phòng. Chương trình có sự hiện diện của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện - Viện Hán Nôm giao lưu cùng các đào kép Hải Phòng.

Trong chương trình giao lưu, các ca nương, đào kép của Giáo phường Ca trù đã thể hiện nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc. Trong đó có các thể cách ca trù theo lời cổ của các tác giả đương đại và tứ thơ, tích cổ được tái hiện trong những giai điệu hát nói, hát giai, hát truyện, gửi thư...

Ninh Bình: Hội LHPN huyện Hoa Lư vừa phối hợp với Hội LHPN xã Ninh Vân, Trường THCS Ninh Vân tổ chức Chương trình giao lưu "Cùng xây tổ ấm". Chương trình thu hút sự tham gia nhiệt tình của 150 đại biểu là ông bà, cha mẹ và học sinh trên địa bàn.

Tại buổi giao lưu, đại diện các tổ chức, đoàn thể, các gia đình văn hóa tiêu biểu và đại diện cho các em học sinh đã cùng nhau tọa đàm với nhiều chủ đề khác nhau: Làm thế nào để gìn giữ giá trị truyền thống của gia đình trong cuộc sống hiện đại; làm thế nào để các gia đình liên thế hệ sống hòa thuận; Cách ứng xử và kỹ năng xử lý tình huống để tạo được sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình; Làm sao để lắng nghe và thấu hiểu…

Bên cạnh đó, chương trình cũng có phần giao lưu, giải đáp các tình huống giữa đại diện các hội, đoàn thể với khán giả. Với ý nghĩa thiết thực, Chương trình đã để lại nhiều dư âm tốt đẹp đối với những khách mời tham gia.

Những kinh nghiệm trong xây dựng hạnh phúc gia đình được chia sẻ, những nỗi niềm được giãi bày, được lắng nghe và thấu hiểu của chính những người tham gia diễn đàn, chương trình giao lưu "Cùng xây tổ ấm" được kỳ vọng sẽ góp phần thắp lên "ngọn lửa" hạnh phúc ở trong mỗi gia đình.

Lan Phạm (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/vien-nghien-cuu-bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-dan-toc-to-chuc-ky-niem-20-nam-thanh-lap-20200628151835213.htm