Viện Kiểm sát kháng nghị phúc thẩm bản án có nhiều vi phạm

Viện kiểm sát nhận định: Những vi phạm của Tòa án sơ thẩm là nghiêm trọng, cần thiết phải kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm và áp dụng pháp luật cho chính xác…

Theo bản án sơ thẩm: Trong các tháng 11 và 12/2019, các bị cáo Lê Văn Hạt, Võ Văn Hậu, Trương Tấn Dũng, Võ Xuân Hiếu, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Văn Đức, Hoàng Tiến Đạt, Nguyễn Văn Đức, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Trung Đức đã lập thành từng nhóm khác nhau, đến những khu vực vắng người thuộc thôn Lạc Vinh và thôn Lạc Trung, xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), dùng điện thoại di động gắn sim không đăng ký chính chủ (sim rác) gọi ngẫu nhiên đến số thuê bao di động của người khác, giả danh là nhân viên, cán bộ ngân hàng, cán bộ Sở Giao thông vận tải, cán bộ Thuế, nhân viên chuyển phát quà,... và đưa ra thông tin gian dối thông báo trúng thưởng.

Sau đó, yêu cầu người bị hại đóng nộp các khoản tiền làm chi phí nhận trúng thưởng bằng hình thức mua thẻ cào điện thoại có mệnh giá khác nhau và đọc mã thẻ để chiếm đoạt tài sản. Sau khi nhận mã số thẻ cào, các bị cáo nhắn tin chứa mã thẻ bán cho Hồ Thị Yến, Phạm Thị Mỹ với giá bằng 60% đến 64% giá trị thẻ cào hoặc sử dụng các mã thẻ đó nộp vào các tài khoản để chơi game. Sau khi mua thẻ cào do các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt mà có, Yến và Mỹ đã bán cho Nguyễn Thị Tình với giá bằng 69% giá trị thẻ, Tình tiếp tục bán lại cho người khác với giá bằng 73% giá trị thẻ để hưởng lợi.

Với thủ đoạn như trên, trong khoảng thời gian từ ngày 11/11 đến ngày 13/12/2019, các bị cáo đã nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo 6 người bị hại trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác nhau để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể: Hạt và Hậu đã 3 lần lừa đảo chiếm đoạt thẻ cào với tổng trị giá 9,1 triệu đồng, thu lợi bất chính mỗi người 2,7 triệu đồng; Đạt và Nguyễn Văn Đức thực hiện 1 lần lừa đảo chiếm đoạt thẻ cào trị giá 38,5 triệu đồng, Đạt thu lợi bất chính 4,4 triệu đồng, Đức thu lợi bất chính 3,9 triệu đồng; Nguyễn Văn Hiếu và Trần Văn Đức thực hiện 1 lần chiếm đoạt thẻ cào trị giá 11,850 triệu đồng, thu lợi bất chính mỗi người 5,225 triệu đồng; Lê Hồng Sơn và Nguyễn Trung Đức thực hiện 1 lần lừa đảo chiếm đoạt thẻ cào trị giá 11 triệu đồng, thu lợi bất chính mỗi người 3,2 triệu đồng; Dũng thực hiện 1 lần lừa đảo chiếm đoạt thẻ cào trị giá 3 triệu đồng, thu lợi bất chính 600.000 đồng; Hiếu 1 lần lừa đảo chiếm đoạt thẻ cào trị giá 3,1 triệu đồng, thu lợi bất chính 600.000 đồng.

Đối với Yến, Mỹ và Tình, mặc dù không hứa hẹn trước nhưng biết các thẻ cào điện thoại do các bị cáo phạm tội mà có nhưng vẫn thực hiện việc mua bán nhằm thu lợi bất chính. Cụ thể: Tình 5 lần tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, với tổng giá trị là 53.350.000 đồng, thu lợi bất chính 1.334.000 đồng; Yến 4 lần tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, với tổng giá trị 20.350.000 đồng, thu lợi bất chính 1.841.500 đồng; Phạm Thị Mỹ 1 lần tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, với giá trị 33 triệu đồng, thu lợi bất chính 1,170 triệu đồng.

Bản án hình sự sơ thẩm số 33/2020/HSST ngày 4/8/2020 của TAND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định:

Đối với 10 bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Áp dụng Điều 174 BLHS, xử phạt các bị cáo: Lê Văn Hạt 15 tháng tù, Võ Văn Hậu 15 tháng tù, Hoàng Tiến Đạt 18 tháng tù, Nguyễn Văn Đức 18 tháng tù; Nguyễn Văn Hiếu, Trần Văn Đức, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Trung Đức, mỗi bị cáo 12 tháng tù, Trương Tấn Dũng 9 tháng tù, Võ Xuân Hiếu 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Đối với 2 bị cáo phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có: Áp dụng Điều 323 BLHS, xử phạt: Yến 30 tháng cải tạo không giam giữ, phạt bổ sung 20 triệu đồng; Mỹ 24 tháng cải tạo không giam giữ, phạt bổ sung 15 triệu đồng.

Trên cơ sở báo cáo của VKSND tỉnh Hà Tĩnh và qua kiểm sát bản án sơ thẩm, VKSND cấp cao tại Hà Nội xét thấy: Căn cứ mục 4 Điều 10 của Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/9/2012 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông thì hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 290 BLHS 2015. Việc cấp sơ thẩm truy tố, xét xử các bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS là không đúng về tội danh.

Mặt khác, các bị cáo Hạt và Hậu đã 3 lần thực hiện hành vi phạm tội, lẽ ra phải được truy tố, xét xử theo điểm b khoản 2 Điều 290 BLHS, có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm xét xử 2 bị cáo này theo khoản 1 Điều 174 BLHS, có khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù, dẫn đến mức hình phạt đã áp dụng đối với các bị cáo này là nhẹ, chưa đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của các bị cáo.

Các bị cáo Hồ Thị Yến và Phạm Thị Mỹ bị tạm giữ mỗi người 9 ngày, nhưng phần quyết định của bản án sơ thẩm không trừ thời gian tạm giữ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ cho hai bị cáo, vi phạm khoản 1 Điều 36 BLHS. Những vi phạm nêu trên của Tòa án sơ thẩm là nghiêm trọng, cần thiết phải kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm và áp dụng pháp luật cho chính xác.

Từ đó, ngày 1/9/2020, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 32/QĐ-VC1-HS đối với Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên, đề nghị TAND cùng cấp xét xử phúc thẩm, sửa Bản án sơ thẩm theo hướng: áp dụng khoản 1 Điều 290 BLHS, giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm đối với 8 bị cáo: Trương Tấn Dũng, Võ Xuân Hiếu, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Văn Đức, Hoàng Tiến Đạt, Nguyễn Văn Đức, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Trung Đức; áp dụng điểm b khoản 2 Điều 290 BLHS 2015, tăng hình phạt đối với 2 bị cáo Lê Văn Hạt và Võ Văn Hậu. Trừ thời gian tạm giữ 9 ngày vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ cho các bị cáo Hồ Thị Yến và Phạm Thị Mỹ.

Văn Biểu - Quang Hưng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/vien-kiem-sat-khang-nghi-phuc-tham-ban-an-co-nhieu-vi-pham-94206.html