Viện kiểm sát đề nghị giảm án cho Hoàng Công Lương

Nhận thấy bị cáo có thêm một số tình tiết giảm nhẹ, Viện kiểm sát (VKS) đề nghị HÐXX tuyên Hoàng Công Lương mức án 36-39 tháng tù (giảm 3-6 tháng tù so với sơ thẩm) nhưng không chấp nhận cho bị cáo này được hưởng án tù treo.

Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Không chấp nhận cho hưởng án treo

Ngày 14/6, HĐXX TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục phiên phúc thẩm vụ án chạy thận nhân tạo khiến 8 người tử vong, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.

Mở đầu buổi xét xử, đại diện VKS đọc bản luận tội các bị cáo trước HĐXX. Theo đó, bị cáo Hoàng Công Lương có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự. Bản thân bị cáo là người dân tộc thiểu số, quá trình công tác có nhiều thành tích trong ngành y.

Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Hoàng Công Lương 36-39 tháng tù (giảm từ 3-6 tháng tù so với phiên sơ thẩm). Về nội dung xin hưởng án treo, đại diện VKS cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo Hoàng Công Lương đã gây ra hậu quả rất lớn (8 người tử vong và 10 người bị ảnh hưởng sức khỏe). Để đảm bảo tính răn đe, đề nghị HĐXX không chấp nhận cho bị cáo được hưởng án treo.

Đối với 4 bị cáo còn lại, Viện KSND tỉnh Hòa Bình nhận thấy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo, đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm.

Là người bào chữa cho Hoàng Công Lương, luật sư Hoàng Văn Hướng đề nghị HĐXX cho bị cáo được hưởng án treo hoặc miễn hình phạt. Luật sư đề nghị giảm án cho bị cáo Lương bằng cách giảm mức độ lỗi vì hành vi ra y lệnh của Hoàng Công Lương không mang tính cẩu thả mà ra y lệnh trong tâm thế quá tự tin.

Ngoài các tình tiết giảm nhẹ đã được ghi nhận trong bản án sơ thẩm, luật sư Hướng cũng đưa ra các tình tiết giảm nhẹ và đề nghị được đánh giá tại phiên tòa phúc thẩm. Theo đó bị cáo đã nhận tội, có thái độ thành khẩn ăn năn. Bị cáo cũng đã bồi thường cho các gia đình bị hại.

Bị cáo Lương có bác ruột là liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, ông nội được tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, bố là đảng viên, có huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Con gái bị cáo mắc bệnh tim bẩm sinh, chưa có điều kiện phẫu thuật. Bản thân Hoàng Công Lương cũng mắc bệnh trầm cảm sau khi xảy ra sự cố y khoa. Do đó, luật sư cho rằng Hoàng Công Lương có đủ điều kiện để được hưởng án treo.

Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hòa Bình nơi xảy ra sự cố

Luật sư chỉ ra lỗ hổng của Bộ Y tế

Cũng trong phiên tòa, luật sư Hướng cho rằng thân chủ làm đúng “quy trình hành chính” về bàn giao trang thiết bị chạy thận sau sửa chữa đã tồn tại trong suốt 7 năm qua tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Thời điểm xảy ra sự cố, Hoàng Công Lương tiếp nhận báo cáo, chấp nhận bàn giao sau sửa chữa bằng miệng mà chưa cần có biên bản. Đây là nhận thức mang tính tin tưởng vào các đồng nghiệp, vào công việc của từng phòng, ban. Do đó, theo vị luật sư, hành vi của Hoàng Công Lương được thực hiện trong trạng thái tâm lý quá tự tin chứ không phải
cẩu thả.

Luật sư Hướng còn cho rằng, những nguyên nhân khách quan dẫn đến nhận thức quá tự tin của Hoàng Công Lương khi ra y lệnh thuộc về quá trình đào tạo lọc máu của Bệnh viện Bạch Mai cho các y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Cụ thể, quá trình đào tạo 3 tháng tại Bệnh viện Bạch Mai theo đề án 1816, Hoàng Công Lương không được đào tạo về quy trình sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế dùng cho lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Việc ra y lệnh khi mới nghe điều dưỡng báo cáo rằng hệ thống RO đã được bàn giao xuất phát từ quy trình hành chính bất thành văn đã tồn tại rất nhiều năm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Tiếp tục trình bày trước tòa, luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng tại Bệnh viện Bạch Mai cũng như nhiều cơ sở bệnh viện khác, hình thức bàn giao trang thiết bị y tế sau sửa chữa, bảo dưỡng hầu hết đều được bàn giao bằng miệng. Quy trình hành chính này được đánh giá là thiếu an toàn. Đây chính là lỗ hổng của Bộ Y tế.

Luật sư viện dẫn, Nghị định 63/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đã quy định rõ Bộ Y tế phải có nhiệm vụ và trách nhiệm “xây dựng ban hành các quy định chuyên môn, các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia khám bệnh, chữa bệnh, an toàn truyền máu, lọc máu, điều dưỡng, phục hồi chức năng… Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị y tế; ban hành các quy định chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị y tế”.

Năm 2014, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11/9/2014 trong đó có quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo nhưng không ban hành bất kỳ quy trình nào về việc sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị dùng cho chạy thận nhân tạo. Sau khi xảy ra sự cố chạy thận làm 8 người chết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, năm 2018, Bộ Y tế mới bổ sung quy trình sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị dùng cho chạy thận nhân tạo.

“Có thể thấy, trước ngày 29/5/2017, lỗ hổng của Bộ Y tế về quy trình sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị dùng cho chạy thận là nguyên nhân gây ra hành vi vi phạm của Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc”, luật sư Hoàng Văn Hướng nói.

Ðối với 4 bị cáo còn lại, Viện KSND tỉnh Hòa Bình nhận thấy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo, đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/vien-kiem-sat-de-nghi-giam-an-cho-hoang-cong-luong-1428715.tpo