Viện Kiểm sát chấp nhận yêu cầu khởi kiện của An Lạc: hố cách ý chí và nhận thức

Kết thúc phần tranh luận và xét hỏi tại phiên sơ thẩm sáng 27.8.2020, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân quận 10 (VKS) đọc bản ý kiến và đề nghị ủng hộ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tổng hợp An Lạc đối với Công ty TNHH MTV Marone trong vụ tranh chấp Hợp đồng thuê mặt bằng (HĐT) tại địa chỉ 332 Lũy Bán Bích (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM). Tuy nhiên, có khá nhiều điểm khiến dư luận băn khoăn về toàn bộ phần phát biểu của đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa.

Trong ba văn bản Marone gửi cho An Lạc mà VKS dẫn chứng thì công văn ngày 20.5.2019 bỏ sót một nội dung mà Marone nhấn mạnh: “Quý đối tác lưu ý rằng chúng tôi không có ý định chấm dứt HĐT tại thời điểm này và chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục sử dụng mặt bằng thuê. Tuy nhiên, nếu Quý đối tác (An Lạc) mong muốn được hoàn trả mặt bằng thuê, chúng tôi sẵn sàng đàm phán, thương lượng với Quý đối tác để tìm được một thỏa thuận chung chấm dứt HĐT, chuyển nhượng lại toàn bộ tài sản của chúng tôi hiện nay đặt tại mặt bằng, nhận lại phần tiền đặt cọc cũng như những khoản tiền thuê và phí quản lý mà chúng tôi đã thanh toán trước”.

Hiện trạng mặt bằng 332 Lũy Bán Bích (Ảnh chụp trưa 2.9.2020). Ảnh: Trung Dũng

Việc Marone khẳng định không chấm dứt HĐT còn được nêu rõ trong văn bản đề ngày 18.4.2019 gửi đến An Lạc nhưng VKS không đề cập. Ngoài ra, tại văn bản này, Marone còn trình bày nguyện vọng được trao đổi, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn trên tinh thần thiện chí hợp tác. Đây cũng là một trong những nội dung cơ bản, xuyên suốt trong toàn bộ 06 văn bản gửi đến An Lạc đề xuất chấm dứt HĐT. Không có quy định nào cấm Marone đề nghị thương thảo. Theo quy định tại Điều 22.1. khoản a, HĐT được phép chấm dứt trước hạn khi “các bên cùng đồng ý chấm dứt hợp đồng”.

Kinh doanh quá khó khăn khiến Marone buộc phải đóng cửa chuỗi siêu thị mang thương hiệu Auchan. Đại diện của bị đơn, bà Nguyễn Quỳnh Anh chia sẻ rằng Marone, cùng với Marc, với mong muốn duy trì hoạt động kinh doanh siêu thị tại các mặt bằng thuê, cung cấp tiện ích cho cư dân xung quanh, đảm bảo quyền và lợi ích cho các chủ đầu tư mặt bằng như đúng trong các hợp đồng đã ký và đặc biệt là cố gắng duy trì được công việc cho lực lượng lao động trực tiếp làm việc tại các siêu thị này, đã thương thảo thành công với chủ sở hữu 18 mặt bằng, chuyển nhượng êm thấm cho bên thứ ba. Mong muốn hài hòa lợi ích giữa nhiều bên đổ vỡ khi An Lạc từ chối đàm phán, thường xuyên đề cập đến Điều khoản 23.2 trong những văn bản trao đổi với Marone trước khi sử dụng làm cơ sở pháp lý để khởi kiện ra Tòa án Nhân dân quận 10, bất chấp mọi nỗ lực của Marone trong suốt quá trình trao đổi.

Thiện chí của Marone không được ghi nhận. Từ những văn bản được trích dẫn không đầy đủ, VKS phát biểu: “Từ những thư bị đơn gửi cho nguyên đơn cho thấy bị đơn đã thể hiện ý chí mong muốn chấm dứt Hợp đồng cho thuê mặt bằng trước hạn đối với nguyên đơn bắt đầu từ ngày 21.01.2019. Tuy nhiên, đề nghị này của Bị Đơn không được Nguyên Đơn chấp nhận thể hiện ở việc Nguyên Đơn có gửi Công Văn số 0119/AL-CV ngày 19.3.2019, Công Văn 0211/AL-CV ngày 05.4.2019 và số 04/2019/AL-CV ngày 24.6.2019 yêu cầu bị đơn tìm kiếm giải pháp khắc phục khó khăn để không vi phạm các quy định trong hợp đồng”. Thực tế, An Lạc có thể hiện mong muốn “Marone cố gắng củng cố lại doanh nghiệp, xây dựng lại thương hiệu, phấn đấu vượt qua khó khăn và phát triển; tiếp tục thực hiện hợp đồng giao kết”. Lời động viên này (“chỉ có giá trị tinh thần mà không đi cùng bất kỳ hành động nào thể hiện việc tìm cách hỗ trợ đối tác đang kiệt quệ trong khó khăn” - như nhận xét từ phía đại diện của Marone) chỉ được An Lạc nhắc đến một lần và tại Công văn trả lời đầu tiên ngày 19.3.2019, không giống như cách diễn dịch của VKS trên đoạn trích. Cũng không hiểu vì sao việc An Lạc không chấp nhận bất kỳ một cuộc gặp hòa giải nào và lặp lại nhiều lần Điều khoản 23.2 không được VKS xem như “thể hiện ý chí” áp đặt chế tài thương mại nặng nhất đối với Marone, cũng như việc Tiến sĩ luật Phan Ngọc Tâm, đại diện của An Lạc, trong lúc đối đáp lại lập luận của bà Quỳnh Anh đã nói rằng “Vì sao chúng tôi phải hỗ trợ các vị trong khi chúng tôi đang cần các vị ở lại?”không được VKS coi là thể hiện sự thiếu thiện chí hợp tác để giảm bớt thiệt hại?

Ngược lại, VKS cho rằng “bị đơn không khắc phục mà thể hiện ý chí, mong muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn bằng những hành động cụ thể là đóng cửa và chấm dứt hoạt động kinh doanh siêu thị mang thương hiệu Auchan tại mặt bằng thuê. Đồng thời, trong các thư trao đổi thông tin với Nguyên Đơn, đều có nội dung Bị Đơn thể hiện thông tin của tập đoàn bán lẻ Auchan và tập đoàn bán lẻ Auchan đã có thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc ngừng kinh doanh hệ thống siêu thị và rút khỏi thị trường Việt Nam. Việc đóng cửa siêu thị mang thương hiệu Auchan tại địa chỉ 332 Lũy Bán Ích, phường Hòa Thạnh, Quận Tân Phú hiện nay là có thật và được Tòa án lập biên bản vào ngày 6.11.2019 và văn phòng thừa phát lại Quận Bình Thạnh lập Vi Bằng số 203/2020 ngày 13.8.2020”.

“Những hành động cụ thể” mà VKS nêu ra có nhiều điểm thuận theo nội dung đơn khởi kiện của An Lạc, đã bị luật sư của bị đơn bác bỏ (xem thêm bài Ngưng hoạt động chuỗi siêu thị tại Việt Nam: Liệu An Lạc có quyền khởi kiện?). Không có quy định nào trong HĐT ràng buộc Marone phải kinh doanh siêu thị liên tục. Tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam của Auchan cũng như việc đóng cửa siêu thị (tạm thời) không ảnh hưởng đến HĐT, cũng không gây ra “thiệt hại thực tế, trực tiếp” đối với An Lạc quy định tại Điều 302, 303 Luật Thương mại 2005. Điều VKS gọi là “thể hiện ý chí, mong muốn chấm dứt hợp đồng trước hạn” cũng không phải là hành vi chấm dứt hợp đồng trước hạn.

Thực tế, Marone luôn khẳng định chưa chấm dứt HĐT trong những văn bản trao đổi với An Lạc.

Marone đến thời điểm này chưa từng ra quyết định về việc chấm dứt HĐT tại 332 Lũy Bán Bích (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM). (Ảnh chụp trưa 2.9.2020). Ảnh: Trung Dũng

VKS còn nhầm lẫn khi quy kết “Bị đơn không kinh doanh siêu thị mang thương hiệu Auchan tại mặt bằng thuê là đã vi phạm Điều 14 Mục B của Hợp Đồng Thuê Mặt Bằng”. Mặt khác, nhận định vừa trích dẫn còn mâu thuẫn với phần phát biểu trước đó của đại diện VKS: “Tại Điều 14 Hợp Đồng Cho Thuê có quy định, mục đích của Hợp Đồng Cho Thuê là phát triển hệ thống siêu thị tại mặt bằng cho thuê và cho thuê lại một phần diện tích thuê”. Thực tế, Điều 14 của HĐT mà VKS đề cập không hề ràng buộc Marone phải kinh doanh siêu thị mang thương hiệu Auchan tại mặt bằng.

Dẫn lời xác nhận của bị đơn tại phần xét hỏi rằng sẽ tìm kiếm một đối tác khác để chuyển nhượng lại hoạt động siêu thị, VKS khẳng định “nghĩa là sẽ kinh doanh hệ thống siêu thị khác trên mặt bằng cho thuê mà không phải công ty con hay chi nhánh của công ty con của Công ty Marc. Điều này đã vi phạm Điều 17 của HĐT…”. Một hành động sẽ xảy ra tức là chưa xảy ra, vậy mà VKS lại kết luận là “đã vi phạm” thì có phải quá hấp tấp?

Dư luận còn băn khoăn về phát biểu của VKS, rằng “bị đơn không sử dụng mặt bằng thuê để kinh doanh siêu thị dưới hình thức là công ty con hoặc chi nhánh của công ty con của Công ty Marc thì phía nguyên đơn không đạt được mục đích kinh tế từ cho thuê mặt bằng”. Hợp đồng thuê mặt bằng còn chưa chấm dứt, Marone đã thanh toán tiền thuê 5 năm cộng thêm một năm tiền cọc, An Lạc lại nhất quyết từ chối việc chuyển nhượng hợp đồng thuê cho một bên thứ ba đối với khoảng thời gian còn lại. Phải chăng mục đích kinh tế ở đây được VKS đề cập còn bao gồm những khoản lợi nhuận khác ngoài tiền thuê mà An Lạc có thể thu về từ mặt bằng này?

Quyền lợi của An Lạc đã được đảm bảo trong 05 năm còn việc sử dụng mặt bằng như thế nào là quyền của Marone, miễn là không trái pháp luật cũng như không vi phạm quy định tại hợp đồng. Không tìm thấy bất kỳ một mối quan hệ nhân quả trong nhận định của VKS, vậy mà nhận định này lại trở thành một trong những cơ sở để VKS “cho thấy việc vi phạm điều khoản cơ bản của hợp đồng là do lỗi của bị đơn và đã có đủ yếu tố buộc chấm dứt hợp đồng trước hạn”. Từ đó VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Marone bàn giao mặt bằng và hoàn trả tiền thuê cho nguyên đơn trong tổng thời gian thuê còn lại của hợp đồng (khoảng 108 tỉ đồng).

Không biết có phải những khác biệt giữa ý chí của VKS và phần tranh luận tại tòa (xem thêm bài Ngưng hoạt động chuối siêu thị Auchan tại Việt Nam: An Lạc có quyền khởi kiện?) mà Hội đồng Xét xử quyết định kéo dài thời gian nghị án sang 4.9.2020?

Yến Trinh - Trà My

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/vien-kiem-sat-chap-nhan-yeu-cau-khoi-kien-cua-an-lac-ho-cach-y-chi-va-nhan-thuc-25189.html