Viện IMI cần gắn chặt nghiên cứu với hoạt động ngành Công Thương

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) diễn ra mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương mong muốn hoạt động nghiên cứu của viện gắn kết chặt chẽ với hoạt động khoa học và công nghệ của ngành Công Thương để đem lại hiệu quả và tăng cường tiềm lực.

Đi đầu thực hiện cơ chế tự chủ

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Công Thương, ông Đỗ Văn Vũ - Chủ tịch HĐQT IMI cho biết: Trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển, Viện IMI là viện nghiên cứu công lập đã từng bước tự chủ và sớm trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ đa sở hữu, hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa cũng như trong lĩnh vực công nghiệp. Đến nay kết quả hoạt động của viện đã có được sự thành công đáng kể. Trong quá trình đó, viện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của lãnh đạo của Bộ Công Thương, các Cục, Vụ của Bộ và các bạn hàng.

Buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp

Buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp

Chia sẻ cụ thể về hoạt động của đơn vị, ông Hoàng Việt Hồng - Phó Tổng Giám đốc IMI cho hay: IMI tiền thân là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương, được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Năm 2012, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành quyết định cổ phần hóa và chuyển Viện IMI thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo hình thức công ty cổ phần kể từ ngày 27/12/2013.

Trong quá trình chuyển đổi cổ phần hóa và gần 8 năm hoạt động theo mô hình mới, IMI từng bước khắc phục các hạn chế, khó khăn nảy sinh và đạt được nhiều thành quả. Điều này được thể hiện qua các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện được năm sau cao hơn năm trước, với doanh thu tăng trưởng bình quân 7,5%/năm; nộp ngân sách trung bình 12 tỷ đồng/năm; đến năm 2020, tổng tài sản và nguồn vốn tăng 16,5% so với năm trước khi cổ phần hóa; thu nhập bình quân cán bộ công nhân viên đạt 9 triệu đồng/tháng…

Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2020, IMI chủ trì và hoàn thành 3 đề tài và dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia; 15 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ. Sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học đã được Viện IMI chuyển giao thành công vào sản xuất công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Tiêu biểu, các sản phẩm cơ điện tử đã chuyển giao vào sản xuất công nghiệp: Máy công cụ 3 - 5 trục điều khiển CNC; máy cắt, máy hàn bằng plasma, laser điều khiển CNC; thiết bị đo lường, robot ứng dụng trong công nghiệp: Các loại cân toa xe, cân ô tô, cân băng tải, cân đóng bao tự động; trạm trộn bê tông xi măng tự động, máy sản xuất ống bê tông cốt thép trên cơ sở công nghệ miết rung và ép thủy lực, thiết bị sản xuất nước lạnh kiểu ngập lỏng; hệ thống thiết bị xử lý và bảo vệ môi trường: Lọc bụi túi, lọc bụi tĩnh điện điều khiển PLC, xử lý nước thải công nghiệp và dân dụng; thiết bị y tế: Máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy đo độ loãng xương toàn thân…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại buổi làm việc với IMI

“Thông qua các hợp đồng cung cấp thiết bị gắn với chuyển giao công nghệ, các sản phẩm cơ điện tử của Viện IMI đã thay thế nhập ngoại phục vụ tốt cho nhu cầu trong nước và một số sản phẩm công nghệ đã được xuất khẩu. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tốt như đem lại doanh thu trung bình 500 tỷ đồng mỗi năm cho Viện IMI và các đơn vị thành viên; tiết kiệm ngoại tệ trung bình 5-7 triệu USD/năm” - ông Hoàng Việt Hồng nhấn mạnh.

Cần nghiên cứu theo chuỗi nhiệm vụ

Ghi nhận những thành quả viện đã đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá: Mặc dù IMI trải qua nhiều vị trí, mô hình khác nhau nhưng dù ở vị trí nào, cương vị nào, mô hình nào, viện cũng đạt được nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, phát huy truyền thống của đơn vị. Viện là một trong những đơn vị nổi danh của ngành Công Thương về nghiên cứu máy công cụ CNC, máy cắt, máy hàn bằng plasma, thiết kế chế tạo cụm thiết bị cơ điện tử trong công nghiệp…

“Từ các cấp của Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành khác nhau luôn luôn có một tinh thần ủng hộ mạnh mẽ sự đi đầu, bứt phá những kết quả đạt được của IMI. Bằng chứng là Viện đã đạt nhiều huân chương lao động, huân chương độc lập, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, VIFOTEC Đây là kết quả rất đáng trân trọng, tự hào” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận định.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Mặc dù là viện nghiên cứu khoa học nhưng từ năm 1993, Viện IMI đã tiến tới tự chủ. Trong khi đó, hiện nay các viện của chúng ta vẫn đang vất vả để tự chủ, thì IMI đã tiến tới hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ, lại còn đem lại những kết quả to lớn hơn, thực tế hơn, mạnh mẽ hơn từ nghiên cứu đến triển khai vào thực tế, ứng dụng rộng rãi hơn vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, viện cũng là đơn vị nghiên cứu đầu tiên của Bộ Công Thương chuyển thành công ty cổ phần và hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp. “Là người đi đầu nên viện trải quả không ít khó khăn nhưng đến hôm nay vẫn tồn tại, phát triển. Đây là một trong ít những đơn vị nghiên cứu của Bộ có thể tự chủ một cách hoàn toàn về mọi mặt từ đầu tư, chi phí thường xuyên, nghiên cứu khoa học công nghệ và có đóng góp vào ngân sách lớn” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói.

Tuy nhiên, “chúng ta không được ru ngủ trong thành công của chính mình” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng lưu ý, đồng thời cho rằng, trong thời gian tới, viện cần phải nhìn lại một cách rõ hơn chúng ta đang ở đâu và sẽ đi như thế nào. Nếu vẫn là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Bộ Công Thương, chúng ta phải có định hướng rõ ràng, phải nằm trong chiến lược phát triển tổng thể của ngành Công Thương. Hoạt động khoa học và công nghệ phải xác định rõ gắn chặt với hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học và công nghệ của ngành Công Thương, của Bộ, để đem lại hiệu quả và tăng cường tiềm lực.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương tham quan thực tế cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của Viện IMI

Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, viện cần có định hướng nghiên cứu rõ ràng để hòa nhập trong giai đoạn này. Đồng thời, tham gia các chương trình nghiên cứu về công nghiệp hỗ trợ, năng lượng mới, cơ điện tử, sản xuất vật liệu mới; nâng cao năng lực về nghiên cứu, con người; chú trọng hoạt động sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quá trình hoạt động…

“Hơn nữa, viện cần tích cực chuyển đổi số trong hoạt động điều hành. Là đơn vị nghiên cứu khoa học cần phải đi đầu trong việc đưa công nghệ mới vào cả trong quản lý, điều hành, tổ chức nghiên cứu khoa học và tạo môi trường sáng tạo, dân chủ, cởi mở hơn trong nghiên cứu” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng gợi ý.

Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) chia sẻ thêm: Trong các viện của Bộ Công Thương, IMI là viện duy nhất được giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ và quá trình đào tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ cũng được triển khai tốt. Tuy nhiên, trong thời gian tới, viện cần nhìn nhận và xác định rõ mục tiêu về khoa học công nghệ cũng như việc chuyển đổi mô hình hoạt động. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc liên kết chuỗi những cụm nghiên cứu và đưa vào thực tế, tránh tình trạng bị xé lẻ và manh mún, đồng thời, có sự kết nối, gắn kết với các viện nghiên cứu khác, để giải quyết những vấn đề của ngành Công Thương.

Trong những năm qua, bằng định hướng gắn hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo với chuyển giao công nghệ vào thực tế sản xuất, Viện máy và Dụng cụ công nghiệp (Viện IMI), nay là Công ty Cổ phần Viện IMI đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và trở thành một trong những tổ chức khoa học và công nghệ đi đầu về chuyển đổi và tự chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học và thương mại hóa sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực cơ điện tử.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vien-imi-can-gan-chat-nghien-cuu-voi-hoat-dong-nganh-cong-thuong-151403.html