Viện Hàn lâm Thụy Điển khủng hoảng vì quấy rối tình dục

Một loạt giám khảo Giải Nobel Văn chương của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã từ chức để phản đối bê bối quấy rối tình dục, đồng thời tranh cãi công khai trên báo chí đang khiến cho cơ quan vốn kín tiếng lâu nay bỗng trở thành mối quan tâm của dư luận. Bê bối lớn nhất lịch sử Giải Nobel Văn chương đang làm giảm uy tín hơn 100 năm của giải này.

Ngày 19-4, nữ văn sĩ Lotta Lotass đã chính thức tuyên bố từ chức vì nhận thấy không còn tin tưởng vào Hội đồng Giám khảo Giải Nobel Văn chương cũng như Viện Hàn lâm Thụy Điển. Như vậy, bà Lotass là thành viên thứ 6 của Viện Hàn lâm Thụy Điển từ chức tính từ đầu tháng 4-2018.

Trung tuần tháng 4-2018, 2 nữ giám khảo gồm Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển Sara Danius - người phụ nữ đầu tiên và duy nhất nắm giữ cương vị này - và nữ thi sĩ Katarina Frostenson, thành viên của Viện cũng đã từ chức sau một phiên họp kéo dài 3 tiếng đồng hồ của Viện.

Bà Sara Danius.

Trước đó một tuần đã có 3 vị giám khảo, bao gồm các nhà văn, nhà thơ Klas Ostergren, Kjell Espmark và Peter Englund, từ chức để phản đối cách xử lý không nghiêm túc các cáo buộc quấy rối tình dục nhắm vào nghệ sĩ nhiếp ảnh Jean-Claude Arnault, chồng của bà Frostenson.

Phiên họp bất thường của Viện Hàn lâm Thụy Điển được triệu tập sau khi xảy ra vụ việc cãi vã ầm ĩ giữa Thư ký thường trực Danius và bà Frostenson trên báo chí. Trong đó, bà Danius lên tiếng tố cáo ông Arnault kỳ thị nữ giới, cao ngạo và đạo đức suy đồi đã làm ảnh hưởng đến các giá trị thanh cao của Hội đồng giám khảo Giải Nobel Văn chương.

Bà Danius chỉ trích bà Frostenson đã bao che cho chồng làm ảnh hưởng xấu đến Hội đồng Giám khảo và Viện Hàn lâm. Việc bà Frostenson phản bác lại các cáo buộc của bà Danius càng khiến dư luận chú ý. Từ đó, Viện Hàn lâm nhận thấy cần phải thuyết phục bà Frostenson từ nhiệm.

Riêng việc từ chức Thư ký thường trực của bà Danius xuất phát từ việc bà không còn tin tưởng vào các giá trị hiện tại trong Viện nữa. Nhưng đồng thời, bà cũng bị một số thành viên yêu cầu từ chức vì đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Viện bằng việc phá vỡ truyền thống khép kín, lên báo chí công khai chỉ trích đồng nghiệp và phơi bày chuyện bê bối liên quan đến Viện.

Trung tâm của vụ bê bối là ông Arnault, Giám đốc Câu lạc bộ Văn hóa Forum ở Stockholm. Forum là nơi vui chơi, giải trí của giới văn nghệ sĩ Thụy Điển, cho nên câu lạc bộ này còn được gọi là trung tâm văn hóa cao cấp của cả nước. Nhưng do Forum nhận kinh phí tài trợ từ Viện Hàn lâm Thụy Điển, cho nên cũng được xem là “phòng khách” của Viện, là nơi để các thành viên nam giới trong Viện lui tới thư dãn. Cách hành xử của câu lạc bộ Forum cũng giống như trong Viện Hàn lâm - nam giới làm chủ.

Tháng 11-2017, giữa lúc phong trào #MeToo đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu, tờ báo Dagens Nyheter của Thụy Điển đã đăng lời tố cáo của 18 phụ nữ làm việc và lui tới Câu lạc bộ Forum. Theo Dagens Nyheter, 18 người phụ nữ này đã tố cáo ông Arnault quấy rối tình dục và cưỡng hiếp họ trong suốt 20 năm (1996-2017). Lời tố cáo đó ngay lập tức biến thành vấn đề đạo đức nghiêm trọng và gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Viện Hàn lâm.

Vì vụ bê bối này, tháng 12-2017, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã cấm ông Arnault tham dự lễ trao Giải Nobel Văn chương năm 2017. Tuy nhiên, cho đến nay ông Arnault vẫn chưa bị xử lý về mặt pháp lý. Vì thế vấn đề chưa thể khép lại. Một số thành viên trong Viện muốn bà Frostenson phải chịu trách nhiệm liên đới vì những tố cáo đối với chồng bà, nhưng số còn lại vẫn ủng hộ bà.

Vợ chồng Katarina Frostenson và Jean-Claude Arnault.

Viện Hàn lâm Thụy Điển trở nên rối ren và bị Tổ chức Nobel phê phán vì có nguy cơ làm mất uy tín Giải Nobel Văn chương. Kể từ khi 18 phụ nữ lên tiếng tố cáo ông Arnault, rất nhiều phụ nữ Thụy Điển, trong đó có cả nữ Bộ trưởng Văn hóa Alice Bah Kuhnke, đã lên mạng xã hội thể hiện sự bất bình đối với cách hành xử trọng nam khinh nữ trong xã hội Thụy Điển.

Viện Hàn lâm Thụy Điển là tổ chức văn hóa tiêu biểu của Thụy Điển, bao gồm 18 thành viên. Tất cả họ đều là những người giàu có và uy tín cao, làm việc một cách tỉ mỉ và kín đáo. Đây được xem là tổ chức “của đàn ông”, bởi rất ít phụ nữ được tham gia vào tổ chức này.

Từ khi Giải Nobel Văn chương ra đời vào năm 1901, Viện Hàn lâm Thụy Điển được Tổ chức Nobel giao cho việc trao giải và tài trợ kinh phí hoạt động. Về mặt kỹ thuật, các thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển không thể từ chức hoàn toàn và rời khỏi Viện vì theo điều lệ của Viện có từ năm 1786, các thành viên Viện Hàn lâm được bầu suốt đời và không được phép từ chức hay từ bỏ Viện.

Nếu không đồng tình với những vấn đề trong Viện thì họ chỉ có thể từ bỏ việc tham gia các công việc trong Viện mà thôi, về cơ bản họ vẫn là thành viên của Viện.

Từ trước đến nay, đã từng xảy ra một số vụ việc các thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển từ chức, nhưng không ra khỏi Viện. Năm 1989, 3 giám khảo Giải Nobel Văn chương đã từ chức để phản đối việc Viện Hàn lâm Thụy Điển im lặng, không lên tiếng phản đối lệnh tử hình của Đại giáo chủ Iran Khomeini dành cho nhà văn Salman Rushdie vì tội cho xuất bản tiểu thuyết “Những vần thơ của quỷ Satan” (Satanic Verses) mang tính báng bổ đạo Hồi.

Tuy nhiên, Viện Hàn lâm đã không chấp nhận sự từ chức của họ. Trước đó, năm 2005, giám khảo Knut Ahnlund cũng từ chức để phản đối việc trao Giải Nobel Văn chương 2004 cho nhà văn Áo Elfriede Jelinek. Tuy nhiên, do Ahnlund đã không còn tham gia hoạt động trong Viện Hàn lâm từ năm 1996 nên chiếc ghế của ông đã được để trống cho đến khi ông qua đời vào năm 2012.

Để mở hướng ra cho việc giải quyết những vướng mắc trong vấn đề nhân sự của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển đã tuyên bố sẽ ra lệnh sửa đổi điều lệ Viện Hàn lâm nhằm cho phép những trường hợp từ chức được ra khỏi Viện và người khác được bầu thay thế.

An Châu (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/vien-han-lam-thuy-dien-khung-hoang-vi-quay-roi-tinh-duc-487921/