Viện Công nghệ sinh học: Chuyển mình theo sự phát triển của đất nước

Từ khi thành lập đến nay, Viện Công nghệ sinh học đã có nhiều đề tài nghiên cứu, chuyển giao thành công công nghệ ở nhiều lĩnh vực trọng điểm về gen, tế bào, nano, y - sinh.

Được thành lập năm 1993 trên cơ sở hợp nhất các Viện và Trung tâm khác nhau, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến nay đã trở thành đơn vị đi đầu trong triển khai, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học ở nhiều lĩnh vực trọng điểm như công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ sinh học nano, công nghệ sinh - y học…

Đến nay, Viện đã có khoảng 250 công trình đăng tạp chí quốc tế, nộp hồ sơ đăng ký trên 20 sáng chế và giải pháp hữu ích, có trên 750 công trình đăng trong nước và hơn 900 trình tự gen đăng ký trên ngân hàng dữ liệu gen quốc tế.

Nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ sinh học chế tạo bộ sinh phẩm. Ảnh: V. Linh

Nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ sinh học chế tạo bộ sinh phẩm. Ảnh: V. Linh

Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, Viện Công nghệ sinh học đã có những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao như vaccine phòng cúm, kit chẩn đoán virus/vi khuẩn gây bệnh, và gần đây là phân tích DNA hài cốt liệt sỹ. Viện đã trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công công nghệ phân tích DNA các mẫu hài cốt và đã chuyển giao công nghệ cho các đơn vị giám định khác như Viện Pháp Y Quân đội và Viện Khoa học hình sự.

Không chỉ có các hoạt động mang tính uống nước nhớ nguồn ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Viện Công nghệ sinh học còn cung cấp các dịch vụ như xét nghiệm huyết thống, định danh loài, giải trình tự gen… nhờ đó tự chủ nguồn thu để tiếp tục công cuộc nghiên cứu khoa học.

Giải mã gen, chế tạo vaccine

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, được đầu tư từ ngân sách Trung ương, Viện Công nghệ sinh học đã tập trung xây dựng thành công Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ gen vào năm 2006.

Từ đó, Viện đã đạt được một số thành tựu quan trọng như nghiên cứu tạo vaccine tái tổ hợp cho gia cầm (vaccine phòng chống virus A/H5N1, vi khuẩn Salmonella), xây dựng phương pháp định danh hài cốt liệt sĩ bằng công nghệ gen, các bộ sinh phẩm phát hiện virus, vi khuẩn gây bệnh (virus A/H5N1, A/H1N1, Salmonella, virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue I, II, III và IV), các protein điều trị tái tổ hợp (interleukin 2, Trichobankin), thực phẩm chức năng từ nguồn tảo biển, thuốc từ nguồn thực vật (Naturenz, Uphaton, Tiên Dung), các chế phẩm vi sinh sử dụng trong xử lý môi trường nuôi tôm và thức ăn cho tôm, chế phẩm vi sinh vật dùng trong xử lý đất bị ô nhiễm Dioxin…

Năm 2009, khi đại dịch cúm A/H1N1 bùng phát trên toàn thế giới, Viện đã xây dựng thành công bộ kít cho phép phát hiện nhanh và chính xác virus cúm A/H1N1. Cũng trong năm đó, Viện đã hoàn thành công trình tẩy độc đất nhiễm chất độc hóa học/dioxin bằng công nghệ phân hủy sinh học tại sân bay Đà Nẵng hợp tác với EPA của Mỹ.

Năm 2012, Viện Công nghệ sinh học đã sản xuất thành công vaccine cúm gia cầm H5N1, trở thành công trình đầu tiên áp dụng thành công ở quy mô sản xuất công nghiệp. Từ đó đến nay, hàng trăm triệu liều vaccine cúm đã được sản xuất, góp phần quan trọng trong việc phòng chống bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam với chi phí giá thành rẻ mà lại hiệu quả hơn của Trung Quốc. Đây là một trong bốn công trình được trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019.

Năm 2019, Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Công nghệ sinh học đã chính thức đi vào hoạt động với khả năng giám định khoảng 60 mẫu/tháng. Đây cũng là sự kiện được bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học & công nghệ nổi bật năm 2019.

Giáo sư, Viện sỹ, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh phát biểu tại buổi lễ khai trương Trung tâm giám định ADN thuộc Viện Công nghệ sinh học

Sau một năm khai trương và đi vào hoạt động, Trung tâm đã cải tiến máy móc và nâng cao năng suất lên 400 mẫu/tháng. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng các quy trình đã tối ưu để định danh cho hơn 4.000 liệt sỹ, góp phần trả lại tên cho các liệt sỹ và phần nào đáp ứng yêu cầu của nhân dân và kỳ vọng của Chính phủ.

Chuyển giao sản phẩm

Không chỉ công nghệ, Viện Công nghệ sinh học còn đẩy mạnh việc chuyển giao sản phẩm phục vụ cộng đồng. Năm 2018, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS. Lê Thị Nhi Công của Viện đã thử nghiệm sử dụng than sinh học (biochar) với các vi sinh vật tạo màng sinh học để tạo chế phẩm có khả năng phân hủy dầu.

Chế phẩm có tên thương mại là MicroDegrader đã được ứng dụng để xử lý nước nhiễm dầu tại Kho xăng dầu K133 Đỗ Xá, Thường Tín, Hà Nội. Kết quả là chi phí giảm 50%, thời gian xử lý cũng rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 7-14 ngày so với khi sử dụng các sản phẩm thông thường.

Trong lĩnh vực dược phẩm, có lẽ không ít người đã từng nghe đến những cái tên như Naturenz hay Biolactomen. Đây chính là các sản phẩm đã được Viện Công nghệ sinh học chuyển giao thành công từ hàng chục năm nay, được đánh giá cao trên thị trường.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xem các sản phẩm trong gian hàng giới thiệu sản phẩm của Viện Công nghệ sinh học nhân ngày KH&CN Việt Nam 18/05/2018

Đặc biệt nhất phải kể đến men tiêu hóa Biolactomen được tạo ra bởi PGS.TS. Đinh Duy Kháng (khi đó là nhà khoa học trẻ ở Viện Sinh vật học, tiền thân của Viện Công nghệ sinh học ngày nay) với kinh phí nghiên cứu chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng năm 1992 (tương đương khoảng 60 triệu đồng ngày nay). Không dừng lại tại đó, năm 2017, chế phẩm Biolactomen Plus cải tiến tiếp tục ra đời hỗ trợ điều trị cho người viêm dạ dày-hành tá tràng dương tính HP.

Chục năm sau ngày ra đời của Biolactomen, PGS.TS. Đinh Duy Kháng cùng PGS.TS Đồng Văn Quyền chính là chủ nhiệm nhóm nghiên cứu chế tạo thành công bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 ngay từ đầu tháng 3. Khi đó, Việt Nam trở thành một trong số ít nước có thể sản xuất được sản phẩm này, bên cạnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nhật Bản, Đức, Trung Quốc.

Gần đây, Viện Công nghệ sinh học đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bệnh viện đa khoa Phương Đông. Trong đó, Viện tập trung vào thế mạnh của mình như chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực gen, tế bào, vi sinh, sinh học nano. Trước mắt, Viện sẽ cung cấp tế bào gốc và các chế phẩm tế bào gốc phục vụ khám chữa bệnh cho đối tác.

Hữu Phương

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/vien-cong-nghe-sinh-hoc-chuyen-minh-theo-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-273437.html