Viện CLEF tổ chức Tọa đàm và giao lưu học giả với chủ đề Dịch và dịch văn học

Nhân dịp sơ kết 6 tháng hoạt động, Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục (CLEF) đã tổ chức Tọa đàm Dịch và dịch văn học. Sự kiện nhận được sự quan tâm của đông đảo các dịch giả, chuyên gia ngôn ngữ trong nước và quốc tế.

Các dịch giả, chuyên gia ngôn ngữ tham dự tọa đàm Dịch và dịch văn học.

Các dịch giả, chuyên gia ngôn ngữ tham dự tọa đàm Dịch và dịch văn học.

Khai mạc tọa đàm, PGS.TS Ngô Minh Thủy – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục chia sẻ: Viện CLEF được thành lập dựa trên tâm huyết của những người sáng lập và các chuyên gia. Viện thuộc Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam (VUSTA), do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép quản lý, hoạt động từ tháng 6/2020.

PGS.TS Ngô Minh Thủy nhấn mạnh slogan của Viện CLEF là “Openning the world together”.

Trong 6 tháng qua, chúng tôi đã xây dựng mạng lưới chuyên gia với khoảng 50 người thuộc các lĩnh vực khác nhau. Ngoài việc tham dự, hỗ trợ và đồng tổ chức các dự kiện khoa học, Viện CLEF trong 6 tháng qua đã đạt một số thành công nhất định như: Phối hợp với cơ quan Nhật Bản lên phương thức thu thập dữ liệu dịch thuật phục vụ công nghệ AI; lên kế hoạch cho dự án Dịch và dịch văn học…

Ngoài ra, Viện còn hỗ trợ một số cơ quan để xây dựng chương trình, thực hiện nhiều khóa học đặc thù như tiếng Anh cho kỹ sư, tiếng Nhật, tiếng Hàn cho kỹ thuật viên.

Đặc biệt, Viện đã có 1 thỏa thuận khá toàn diện với Ban Văn hóa – giáo dục của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV2) với các nội dung lớn: Hợp tác trong lĩnh vực phát triển ngôn ngữ, văn hóa và giáo dục; Hợp tác trong lĩnh vực giới thiệu, quảng bá văn hóa – ngôn ngữ - giáo dục; Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế.

Các khách mời tham dự chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện.

PGS.TS Ngô Minh Thủy cũng cho biết thêm về kế hoạch trong năm tới của Viện CLEF là tổ chức các hoạt động định kỳ như tọa đàm, seminar, hội thảo quốc tế… Đồng thời, Viện CLEF sẽ đẩy mạnh hoạt động biên soạn sách, dự kiến xuất bản 5 đầu sách trong năm 2021 và hiện thực hóa dự án Dịch và dịch văn học. Không chỉ vậy, Viện không ngừng mở rộng các hoạt động xúc tiến hỗ trợ các trường học dạy tiếng Nhật…

Ở phần 2 của chương trình, các khách mời cùng 4 diễn giả Phạm Xuân Nguyên, Ngô Tự Lập, Lê Hùng Tiến, Nguyễn Quốc Vương sẽ đi sâu vào vấn đề “dịch thuật”, cùng nhau trao đổi những quan điểm về dịch và dịch trong môi trường văn học.

Các diễn giả của tọa đàm đều là những dịch giả nổi tiếng Việt Nam.

Tại phần đề dẫn, PGS.TS Ngô Minh Thủy chia sẻ: Có thể nói, dịch thuật là một lĩnh vực quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động xã hội. Đây là công việc đòi hỏi rất cao về năng lực của người thực hiện. Bởi, để dịch tốt, người làm công tác dịch thuật phải sử dụng thành thạo, hiểu biết một cách sâu sắc ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích, phải có kỹ năng chuyên biệt về dịch thuật cũng như các vấn đề liên quan.

Trong dịch thuật, dịch văn học là lĩnh vực đặc biệt, gần gũi nhất với mọi người. Từ rất lâu, văn học dịch là dòng văn học quan trọng. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập, sách văn học dịch ở Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng. Nhiều tác phẩm văn học nước ngoài, nhất là các tác phẩm được giải thưởng lớn đã nhanh chóng có mặt tại Việt Nam qua các bản dịch tiếng Việt.

Trong tọa đàm lần này, Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục cùng Viện Quốc tế Pháp ngữ sẽ cùng bàn luận một số vấn đề chính như: Thực chất hoạt động dịch văn học ở Việt Nam như thế nào, có thuật lợi và khó khăn gì? Việc dịch tác phẩm tiếng Việt sang tiếng nước ngoài đã, đang được thực hiện như thế nào và thành quả ra sao? Ở một khía cạnh khác, những nguyên tắc của dịch văn học là gì, tiêu chí để trở thành dịch giả giỏi?

Ánh Dương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vien-clef-to-chuc-toa-dam-va-giao-luu-hoc-gia-voi-chu-de-dich-va-dich-van-hoc-296432.html