Viễn cảnh về trường học không có chỗ cho nhà giáo

Từ cả ngàn năm nay, nhà giáo luôn đóng vai trò trung tâm của trường học. Kể cả trong bối cảnh tại nhiều nơi, người ta áp dụng các tiếp cận 'lấy người học làm trung tâm' thì người thầy vẫn có vai trò quan trọng trong quá trình 'trung tâm hóa người trò' đó.

Nhưng, đứng trước những tiến bộ của khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, cùng với các phương pháp giáo dục mới, nhà giáo trong tương lai có thể sẽ mất dần vai trò từng có của mình.

Hãy thử tưởng tượng về lịch học của một sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trong tương lai (có thể là không xa) như sau.

- 9h tối, bạn sinh viên này mở máy tính, lên website của nhà trường và học bài học online về chủ đề quản trị nhân sự để chuẩn bị cho ngày mai. Nếu như trước đây, bài học này sẽ được học trên lớp với thầy giảng, trò nghe thì giờ đây, sinh viên này hoàn toàn có thể học trước bài lý thuyết ở nhà.

Lúc này, nhà trường đang áp dụng một cách học mới được gọi là “Lớp học đảo ngược” (flipped class) mà tại đó, giờ lý thuyết được học trước ở nhà và giờ thực hành sẽ được thực hiện tại trường.

- Trong mô hình flipped class, giờ thực hành có khi cũng không nhất thiết phải có giảng viên hướng dẫn: 8h sáng hôm sau, sinh viên này đến lớp. Nhưng lớp học không được thiết kế theo lối thông thường. Nó có khi chỉ là một phòng rộng với nhiều bàn được xếp hình lục lăng, đặt khắp nơi. Bạn sinh viên của chúng ta sẽ chọn một bàn để ngồi và quan sát các bạn học của mình thực hành đúng bài học ngày hôm qua.

Cụ thể, một bạn học đang đóng vai nhà tuyển dụng và một bạn khác đang đóng vai người xin việc. Họ “trình diễn” các cách phỏng vấn xin việc khác nhau theo chỉ dẫn từ bài học. Còn bạn sinh viên của chúng ta, cùng một vài bạn khác nữa sẽ mở máy tính ra, truy cập hệ thống và tiến hành đánh giá mức độ “trình diễn” của bạn mình - cũng theo hướng dẫn đã có.

Cái này, trong phương pháp giáo dục mới, ta gọi là peer assessment (bạn học đánh giá) thay vì là teacher assessment (giảng viên đánh giá) như truyền thống nữa.

- Buổi chiều, sau giờ cơm trưa, bạn sinh viên sẽ di chuyển đến một công ty công nghệ gần trường để thực tập trong môi trường kinh doanh thực tế. Cách thực tập này cũng có khác cách thực tập của sinh viên hiện nay, thể hiện qua 2 điểm.

Thứ nhất, sinh viên không dành ra 3-4 tháng để chỉ đi thực tập như hiện nay nữa mà hoàn toàn có thể sáng ở trường (dự giờ bạn khác và tự thực hành bài lý thuyết), chiều ở công ty (thực tập), tối ở nhà (học lý thuyết), sáng mai lại ở trường và hoạt động từ trường đến công ty, về nhà rồi lại lên trường trong 4 buổi đó là hoàn toàn tiếp nối về trình tự; không thể bỏ qua công đoạn nào.

Đây là một trong những cách thể hiện của khái niệm work-integrated learning (học tập trong môi trường tương tác với công việc) đang phát triển khá mạnh trên thế giới.

Rõ ràng, như tôi thuật lại ở trên, chúng ta hoàn toàn không thấy bóng dáng của nhà giáo hay người thầy ở đâu trong một quy trình học tương đối kín. Kết quả đánh giá, kiểm tra, vốn là việc dành cho người thầy, giờ cũng được thay thế bằng các cấu phần: bạn học đánh giá hay doanh nghiệp (nơi sinh viên thực tập) đánh giá. Bạn cũng có thể đang thắc mắc, vậy trong quá trình học (online hoặc thực hành trên lớp) cũng phải có giảng viên ở đâu đó để hỗ trợ giải đáp chứ.

Điều này về cơ bản là đúng với mô hình lớp học đảo ngược (flipped class) đang được áp dụng hiện nay (năm 2018), nhưng cá nhân tôi sẽ không cảm thấy bất ngờ nếu trong tương lai, hoạt động trả lời câu hỏi này sẽ được thay thế bằng một thứ mà chúng ta vẫn nghe thấy hằng ngày hiện nay: trí tuệ nhân tạo.

Bạn thử tưởng tượng thế này, trong quá trình học online; nếu bình thường, khi gặp vấn đề không hiểu, bạn sinh viên của chúng ta sẽ ghi chép lại, hôm sau đến hỏi giảng viên.

Nhưng, trong tương lai, có khi bạn chỉ việc bấm nút dừng màn hình và ngay lập tức hệ thống sẽ hiểu là bạn có câu hỏi. Bạn gõ vào một vài từ khóa, một loạt các câu hỏi-trả lời tương tự của các sinh viên khóa trước hoặc thậm chí là sinh viên trường khác, chẳng hạn như từ Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) hay Đại học Phú Xuân (Huế), Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) hay Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) vì hệ thống đã kết nối bài học giữa các trường với nhau) sẽ hiện ra.

Câu hỏi của bạn sinh viên này thực chất đã có người mắc rồi và đã được giải quyết trước đó; hệ thống bài giảng thông minh được phát triển trên nền tảng trí tuệ thông minh sẽ giúp bạn xử lý vấn đề mà bạn sinh viên đang thắc mắc thay vì giảng viên. Giảng viên, vì vậy có khi cũng không cần thiết trong trường hợp này nữa.

Có thể bạn nghĩ tôi đang quá mơ mộng hoặc cực đoan. Tôi cũng thừa nhận đúng là chưa có trường nào mà lại không có nhà giáo như tôi kể ở trên cả.

Nhưng nếu bạn thay Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội kể trên bằng các đại học trên thế giới, bổ sung một số từ khóa như flipped class (lớp học đảo ngược), blended learning (học tập kết hợp), virtual class (lớp học ảo) hay virtual campus (khu học xá ảo)... thì bạn cũng sẽ tìm được hàng nghìn câu chuyện về các dự án/nỗ lực trên thế giới; tất cả, đều hướng tới viễn cảnh kể trên của tôi.

Tôi cũng không dám chắc bao giờ những viễn cảnh mà tôi vừa nêu sẽ thành sự thực, nhưng có một điều chắc chắn, nghề giáo trong tương lai sẽ thay đổi, chức năng của người thầy ngày nay sẽ buộc phải điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới.

Nếu bạn là một nhà giáo, bạn đọc đến đây mà vẫn cảm thấy ung dung thì tôi thành thực khuyên bạn hãy nghĩ lại. Hãy thử “nhìn ngang” thôi, bạn sẽ thấy, ngay ở nước ta, cũng đã có tiền lệ tương tự.

Xin lấy ví dụ ngành cải lương, tuồng, chèo, kịch nói. Giờ đây, một từ mà chúng ta thường nghe từ những nghệ sỹ ngành này là “thời hoàng kim của sân khấu”. Cái thời hoàng kim đó đã là dĩ vãng từ cách đây phải đến 20 năm khi một sản phẩm của cách mạng công nghiệp lần thứ 2.0 xuất hiện, đó là cái tivi.

Khi truyền hình phát triển, người ta không muốn đến rạp để xem cải lương, tuồng, chèo hay kịch nói nữa; người nghệ sỹ của các bộ môn này đã buộc phải chuyển sang làm các nghề khác (diễn viên/MC). Diễn cải lương, tuồng, chèo, kịch nói trở thành một hoạt động không thường xuyên và đôi khi người ta chỉ diễn để... khỏi quên nghề thay vì coi đó là nghề nghiệp chính.

Thực ra, cái tivi cũng đã có lần muốn “xâm chiếm” trường học; ấy là khi mô hình học qua tivi (tiền thân của học online ngày nay) ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ tại phương Tây. Nhưng vì công năng của tivi chưa đủ mạnh nên nghề giáo vẫn không bị “lung lay”.

Nhưng, bối cảnh hiện nay đã khác, trong bối cảnh trí tuệ thông minh phát triển cho phép những ý tưởng sáng tạo mới về giáo dục dễ thực thi hơn, người làm nhà giáo ngày nay rất có thể sẽ phải tiếc nuối “thời hoàng kim” như các nghệ sỹ cải lương, tuồng, chèo, kịch nói trong một tương lai không xa.

Nhà giáo ngày nay phải thay đổi, thậm chí thay đổi cả ADN của mình, nếu không muốn bị tụt hậu và bị đặt vào vị thế “bên lề”, thay vì trung tâm như hiện nay. Nhưng ADN mới sẽ như thế nào thì bản thân từng nhà giáo sẽ phải chọn bởi không ai khác có thể giúp họ được.

Kiến thức cứng - Kiến thức mềm

Nâng cao năng suất lao động nhưng vẫn đảm bảo chất lượng là mục tiêu quan trọng của bất kỳ ngành sản xuất, dịch vụ nào. Mặc dù vậy, với một số ngành đặc thù như y tế, luật sư hay giáo viên, việc nâng cao năng suất lao động không đơn giản.

Ví dụ, với nghề giáo viên, một chuẩn mực vẫn được coi là “khuôn vàng thước ngọc” là tỷ lệ 1 giáo viên trên 20-30 học sinh/lớp. Nếu tỷ lệ này thấp đi (giả sử 1 giáo viên/40 học sinh/lớp) thì chất lượng đào tạo có thể bị sút giảm.

Những tiến bộ về công nghệ thông tin và truyền thông trong khoảng 40 năm trở lại đây đem lại những hy vọng mới cho việc nâng cao năng suất lao động của nghề giáo. Học trực tuyến toàn thời gian (online learning) hoặc học trực tuyến kết hợp với học truyền thống (blended learning) sẽ giúp giảm bớt đầu việc cho nhà giáo và qua đó, giúp nâng cao năng suất lao động.

Mặc dù vậy, nhiều nhà giáo dục lại nghi ngờ hiệu quả của những hình thức học tập mới, dựa vào công nghệ kể trên. Họ cho rằng, tiếp xúc trực tiếp thầy - trò vẫn có rất nhiều giá trị mà máy móc không thể thay thế được. Người học có thể học được “kiến thức cứng” thông qua bài giảng trực tuyến; nhưng những “kiến thức mềm” như cảm hứng, tinh thần... thì không máy móc nào thay thế được.

TS Phạm Hiệp (GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành giáo dục, Trường ĐH Phú Xuân)

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/7vien-canh-ve-truong-hoc-khong-co-cho-cho-nha-giao-519880/