Viễn cảnh tồi tệ với Mỹ khi Iran có S-400

Trang National Interest dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, giới lãnh đạo nước này đang lo lắng với viễn cảnh Iran mua S-400 từ Nga.

Mở đầu bài viết, báo Mỹ thừa nhận tiêm kích tàng hình F-22, F-35, thậm chí cả máy bay ném bom B-2 Spirit của Mỹ không còn an toàn khi thực hiện các nhiệm vụ ở Trung Đông khi Iran chính thức sở hữu hệ thống phòng thủ S-400 do Nga sản xuất.

Không phận Trung Đông không còn là môi trường tác chiến dễ dàng cho Không quân Mỹ như trước đây. Ngay cả các chiến đấu cơ tàng hình cũng có thể trở thành mục tiêu dễ dàng bị bắn hạ bởi các thế lực thù địch với Washington.

Hệ thống S-400 khai hỏa.

Hệ thống S-400 khai hỏa.

Nhận định trên được chuyên gia Kris Osborn đưa ra sau khi có thông tin Nga sẵn sàng bán các hệ thống phòng không tầm xa S-400 cho Tehran ngay sau khi lệnh cấm vũ khí của Liên Hợp Quốc (LHQ) với Iran kết thúc vào cuối tháng 10/2020.

Dựa vào các hệ thống phòng không của Iran hiện tại (kể cả S-300PMU2) chúng chưa chắc là mối đe dọa của máy bay tàng hình Mỹ, nhưng nếu Tehran có được S-400 câu chuyện sẽ theo một chiều hướng khác.

Kris Osborn cho biết thêm, hiện tại, S-400 vẫn là hệ thống phòng không mạnh nhất của Nga và được giới thiệu là có khả năng đánh chặn các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 hay cả các máy bay ném bom tàng hình như B-2.

Hệ thống S-400 cũng có thể được Nga nâng cấp trong thời gian tới sau khi Moscow hoàn thành kế hoạch trang bị hệ thống phòng không S-500.

Nhiều khả năng người Nga sẽ tập trung vào việc cải thiện khả năng xử lý dữ liệu giữa các khối điều khiển của S-400 giúp hệ thống phòng không này tác chiến hiệu quả hơn ngay cả khi phần cứng và đạn tên lửa không được nâng cấp.

Chuyên gia Mỹ dự đoán, nếu Iran quyết tâm mua S-400 họ sẽ chọn biến thể mới nhất tương tự như hợp đồng mua S-300PMU2 trước đó (S-300PMU2 được coi là biến thể mạnh nhất của gia đình S-300).

Vấn đề khiến Mỹ càng quan ngại bởi trong một cuộc trả lời phỏng vấn của truyền thông Nga mới đây, Đại sứ Nga tại Iran Levan Dzhagaryan cho biết Moscow "không có vấn đề gì" khi bán hệ thống phòng không S-400 cho Tehran, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

"Chúng tôi không sợ các mối đe dọa của Mỹ và Moscow sẽ thực hiện đúng cam kết của mình", Đại sứ Dzhagaryan nói khi được hỏi về các hợp đồng vũ khí giữa Nga và Iran trước các lệnh cấm vận của Mỹ.

Cùng với tuyên bố của phía Nga, Mỹ được cho đã lên kế hoạch phối hợp với Israel để đối phó kịch bản Nga bán S-400 cho Iran, bao gồm tiến hành các cuộc diễn tập "tiêu diệt tên lửa phòng không tiên tiến của đối phương".

Hồi đầu tháng 8, tiêm kích F-35 của Mỹ và Israel tham gia tập trận chung có tên "Tia chớp Bền bỉ II". Đây là lần thứ hai trong năm nay các tiêm kích F-35 của Mỹ và Israel tham gia tập trận chung.

Cuộc tập trận diễn ra trên bầu trời miền nam Israel, thể hiện tình huống mà các phi công Mỹ và Israel có thể đối mặt nếu Iran mua thêm các tổ hợp phòng không hoặc tiêm kích mới từ Nga hay Trung Quốc.

Hoạt động này nhằm nâng cao khả năng sống sót của máy bay khi đối phó hệ thống phòng không phức tạp và tiêm kích của đối phương trước khi tấn công mục tiêu dưới đất.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) của Lầu Năm Góc hồi tháng 11/2019 công bố đánh giá nhận định các khí tài của Nga gồm tên lửa phòng không S-400, hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion, tiêm kích Su-30 và tăng chủ lực T-90 nằm trong danh sách quan tâm của Iran sau khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc hết hiệu lực.

Ngoài việc mua khí tài của nước ngoài, Iran tăng cường đáng kể năng lực ngành công nghiệp quốc phòng trong nước những năm gần đây. Tổ hợp phòng không Khordad-3 của nước này hồi tháng 6/2019 bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) trị giá 220 triệu USD của Mỹ.

Iran tháng 8/2019 cũng tuyên bố biên chế tên lửa phòng không Bavar-373 với "đặc tính vượt trội so với Patriot của Mỹ".

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/vien-canh-toi-te-voi-my-khi-iran-co-s-400-3420554/