Viễn cảnh thương chiến Trung – Mỹ bi quan, chỉ số lạm phát của Trung Quốc tăng kỷ lục trong 17 tháng

Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đã tăng nhiệt nhanh chóng trở lại. Sau khi Trung Quốc tuyên bố đình chỉ các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, Washington cũng coi Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ. Tổng thống Mỹ Trump hôm 9/8 đã ám chỉ cuộc đàm phán thương mại mà Trung Quốc và Mỹ dự định tổ chức vào tháng 9 tới có thể bị hủy bỏ. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng căng thẳng thương mại Trung – Mỹ vẫn tiếp diễn và triển vọng trước mắt rất khó đoán định.

Sau cuộc gặp gỡ cấp cao Donald Trump - Tập Cận Bình tại Osaka, đến nay thương chiến Trung - Mỹ không những không chấm dứt mà còn bùng phát quyết liệt hơn.

Sau cuộc gặp gỡ cấp cao Donald Trump - Tập Cận Bình tại Osaka, đến nay thương chiến Trung - Mỹ không những không chấm dứt mà còn bùng phát quyết liệt hơn.

Ông Donald Trump: Mỹ chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận với Trung Quốc

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 10/8, khi được hỏi về tiến trình đàm phán thương mại với Trung Quốc, ông Trump nói: “Chúng tôi chưa sẵn sàng cho việc đạt được một hiệp nghị; chúng tôi sẽ xem tình hình phát triển như thế nào. Hiện chúng tôi cầm trong tay mọi con bài, chúng tôi đang làm rất tốt; đã bị lạm dụng trong 25 năm, hiện chưa sẵn sàng cho việc sớm đạt được một hiệp nghị, vì vậy chúng tôi sẽ chờ xem”.

Trước đó, đoàn đàm phán hai bên thông báo, các cuộc đàm phán sẽ được nối lại vào tháng 9, nhưng Trump nói: “Tôi sẽ xem liệu có nên duy trì cuộc họp lại vào tháng 9. Rốt cục nó sẽ bị hủy hay không sẽ xem xét tình hình”. Ông cũng chỉ rõ: Mỹ sẽ không làm ăn với đại gia công nghệ Trung Quốc Huawei, trừ phi hai nước đạt được một hiệp nghị thì tình hình mới thay đổi”.

IMF cũng vừa công bố một báo cáo thường niên về Trung Quốc, trong đó nói rằng không đủ bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang thao túng tỷ giá Nhân dân tệ. Báo cáo dự đoán rằng nếu không bị đánh thế thêm, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay là 6,2%. Nhưng nếu Mỹ áp thuế đối với số hàng hóa Trung Quốc còn lại lên 25%, thì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ giảm tới 0,8 điểm trong một năm.

Ông Donald Trump: Mỹ chưa sẵn sàng cho việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Eswar Prasad, nguyên là người phụ trách khu vực Trung Quốc của IMF, đã viết bài cho rằng, việc phá giá tiền tệ có vẻ hấp dẫn, nhưng nó không có tác dụng với cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Không có quốc gia nào có thể chiến thắng trong cuộc chiến tranh tiền tệ. Bài báo cũng cho rằng phá giá tiền tệ có thể là một công cụ hiệu quả để đối phó với suy thoái kinh tế hoặc tranh chấp thương mại, nhưng gánh chịu chịu rủi ro rất lớn và có thể lan rộng ra kinh tế toàn cầu.

Ngày 9/8, ông Navarro, giám đốc Ủy ban Thương mại Quốc gia Nhà Trắng, cũng cho rằng, Trung Quốc rõ ràng muốn lợi dụng phá giá đồng Nhân dân tệ để giành ưu thế, cảnh cáo Mỹ họ sẽ áp dụng hành động cứng rắn. Các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc đã chỉ trích đích danh ông Navarro thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ thương mại, là nhân vật cực đoan đưa ra cái gọi là những luận điểm về mối đe dọa về kinh tế và quân sự của Trung Quốc với Mỹ; cho rằng thế giới nên cùng nhau chống lại những tư tưởng và hành vi cực đoan đó.

Truyền thông Mỹ phân tích cho rằng, Trung Quốc để cho đồng Nhân dân tệ mất giá, đồng nghĩa với việc họ sẽ sử dụng tiền tệ làm vũ khí trong cuộc chiến tranh thương mại, Mỹ sẽ coi Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ, mở đường cho việc tiếp tục trừng phạt Trung Quốc.

Ngoài ra, truyền thông Anh dẫn các nguồn tin nói rằng Công ty TNHH hóa dầu quốc tế Unipec trực thuộc Tập đoàn Sinopec đã sắp xếp các tàu chở dầu vận chuyển một lượng lớn dầu thô của Mỹ cho Trung Quốc vào giữa tháng 9. Đây là lô dầu thô đầu tiên của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi Mỹ tuyên bố tiếp tục áp thuế thêm đối với hàng hóa Trung Quốc. Một số nhà phân tích năng lượng cho rằng cuộc chiến thương mại chưa kết thúc và bước tiếp theo Trung Quốc sẽ nhắm vào dầu thô của Mỹ.

Việc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ đã khiến Mỹ coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ

Bộ Thương mại Trung Quốc: sẽ quyết không thỏa hiệp trước sức ép và đe dọa của Mỹ

Ngày 10/8, đáp lại những lời đe dọa của phía Mỹ, ông Vương Hạ Quân (Wang Hejun), Vụ trưởng Luật pháp của Bộ Thương mại Trung Quốc khi nói về các vấn đề liên quan của cuộc đàm phán thương mại Trung – Mỹ đã tuyên bố: có người muốn thông qua cách gây áp lực cực độ để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ là không thể nào thực hiện được.

Trước việc Mỹ “vi phạm nghiêm trọng sự đồng thuận của hai nguyên thủ quốc gia ở Osaka và leo thang trong xung đột thương mại”, ông Vương Hạ Quân nói: “Chủ nghĩa đơn phương, bắt nạt và bảo hộ của Mỹ đã phá hoại bầu không khí của cuộc đàm phán mậu dịch Trung - Mỹ, không có lợi cho việc giải quyết tranh chấp kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc kiên quyết phản đối. Trung Quốc quyết không chấp nhận việc bị nước khác gây áp lực cao và đe dọa. Trước chủ nghĩa đơn phương và áp lực cực hạn của Mỹ, Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp về vấn đề nguyên tắc. Nếu khăng khăng leo thang va chạm về kinh tế và thương mại, Trung Quốc sẽ buộc phải có biện pháp đáp trả”.

Ông nói, Trung Quốc luôn cho rằng chiến tranh thương mại không thể giải quyết được vấn đề và phía Mỹ áp dụng cách làm leo thang va chạm thương mại, không phù hợp với lợi ích của hai nước Trung – Mỹ và thế giới.

Ông Vương Hạ Quân: Trước chủ nghĩa đơn phương và áp lực cực hạn của Mỹ, Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp

Vương Hạ Quân nhấn mạnh, ông hy vọng Mỹ hãy từ bỏ lối suy nghĩ và cách gây áp lực cũ rích, lấy sự đồng thuận của hai nguyên thủ quốc gia làm chỉ dẫn cơ bản. Hai bên phải thẳng thắn đối mặt với sự khác biệt và luôn tuân thủ nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi, cố gắng kiểm soát sự khác biệt. Trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, phía Mỹ phải thận trọng trong lời nói và hành động; cần hành động mang tính xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ kinh tế và thương mại Trung - Mỹ trở lại bình thường.

Sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ tại cuộc gặp gỡ đặc biệt Osaka bao gồm: đình chỉ tăng thuế, Trung Quốc mua sắm nông sản Mỹ và Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm đối với Huawei. Tuy nhiên, sau khi kết thúc vòng đàm phán ở Thượng Hải, Mỹ liên tiếp có các động thái: từ ngày 1 tháng 9 tiếp tục tăng thuế, coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ và cấm các cơ quan chính phủ liên bang mua sắm các thiết bị của Huawei và 4 doanh nghiệp khác của Trung Quốc.

Goldman Sachs Group: Trung Quốc và Mỹ không thể đạt được hiệp nghị trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020

Ngày 11 tháng 8, ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính Goldman Sachs Group của Mỹ cho rằng, những lo ngại về suy thoái kinh tế do cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ gây nên đang gia tăng. Một thỏa thuận thương mại sẽ đạt được giữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Goldman Sachs Group cho biết trong một báo cáo với khách hàng của mình: “Chúng tôi dự đoán quyết định của Mỹ áp thuế quan đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD sẽ có hiệu lực đúng hạn”.

Ngày 1 tháng 8. Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD còn lại của Trung Quốc kể từ ngày 1 tháng 9; Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ. Mỹ cũng tuyên bố rằng Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ sau khi tỷ giá hối đoái nhân dân tệ của Trung Quốc so với đồng đô la Mỹ bị phá vỡ “mốc 7 tệ/1 USD”. Trung Quốc đã phủ nhận việc thao túng đồng Nhân dân tệ để đạt được lợi thế cạnh tranh.

Số liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy, chỉ số CPI của Trung Quốc đang tăng mạnh

Tranh chấp thương mại kéo dài hơn một năm qua giữa Mỹ và Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các vấn đề như thuế quan, trợ cấp, công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và an ninh mạng.

Goldman Sachs cho rằng, do ảnh hưởng phát triển lớn hơn dự kiến của căng thẳng thương mại Trung – Mỹ, họ điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế quý IV của Mỹ giảm 20 điểm cơ bản, xuống còn 1,8%.

Bản báo cáo do ba kinh tế gia của Goldman Sachs là Jan Hatzius, Alec Phillips và David Mericle soạn thảo nói: “Về tổng thể, theo ước tính của chúng tôi, ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đối với kinh tế đã tăng mạnh”. Báo cáo cũng nói rằng chi phí đầu vào tăng do sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể khiến các công ty Mỹ giảm các hoạt động trong nước. Sự không chắc chắn về chính sách này, cũng có thể khiến các công ty giảm mức đầu tư.

Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ cũng khiến một số mục tiêu mà Trung Quốc đề ra trở nên xa vời. Ví dụ, tăng cường sức mạnh công nghệ. Người khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đã bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách đen thương mại, và chip Trung Quốc sản xuất trong nước không đủ tinh vi để có thể thay thế chip của Mỹ. Ông Bert Hofman, giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng Trung Quốc sẽ càng khó khăn hơn trong việc có được công nghệ tiên tiến nhất, khiến Trung Quốc càng khó bắt kịp hơn; nhưng đồng thời, Trung Quốc sẽ có động lực lớn hơn để phát triển sức mạnh kỹ thuật của riêng họ.

Giá rau quả trên thị trường Trung Quốc tháng 7 tăng tới 39/1%

Lạm phát đạt mức kỷ lục 17 tháng

Bị ảnh hưởng bởi cuộc thương chiến với Mỹ, kinh tế Trung Quốc ngày càng thể hiện rã hậu quả: làm phát tăng nhanh, đồng tiền mất giá, vật giá leo thang, mức tăng cao nhất lên tới 40%.

Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 9 tháng 8, tất cả vật giá ở Trung Quốc đều tăng mạnh. Dữ liệu cho thấy trong tháng 7, giá rau quả tươi được công chúng quan tâm tăng 39,1%, ảnh hưởng đến CPI (chỉ số giá tiêu dùng) khoảng 0,63 điểm phần trăm, giá thịt lợn tăng 27,0%, ảnh hưởng đến CPI khoảng 0,59 điểm phần trăm. Nhiều nơi, giá sườn lên tới 50 tệ/kg (175 ngàn VND/kg), thịt xô 40 tệ/kg (140 ngàn VND/kg).

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, giá bán buôn thịt lợn trung bình trong tháng 7 tăng 8,8% so với tháng trước và tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giá bán buôn trung bình của sáu loại trái cây chính tăng tới 45,4% so với năm trước.

Chỉ số giá cả hàng tiêu dùng Trung Quốc (CPI) tháng 7/2019 có mức tăng kỷ lục trong 17 tháng qua.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 2,8% so với cùng kỳ trong tháng 7, là mức tăng kỷ lục gần 17 tháng qua của chỉ số lạm phát này. Giá thịt lợn và trái cây tươi vẫn là các yếu tố quan trọng trong việc làm chỉ số CPI gia tăng.

Đồng thời, số liệu chính thức do Trung Quốc công bố cũng cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 0,3% so với cùng kỳ trong tháng 7, giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm qua, cho thấy rủi ro kinh tế của Trung Quốc đã tăng thêm.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/vien-canh-thuong-chien-trung-my-bi-quan-chi-so-lam-phat-cua-trung-quoc-tang-ky-luc-trong-17-thang-363734.html