Viễn cảnh 'suy tàn' của ngành than Australia

Ngành công nghiệp than Australia đang phải đối mặt với xu hướng các nước nhập khẩu than phát triển mục tiêu đưa mức khí phát thải ròng về 0, với mục đích nỗ lực hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch.

Hoạt động tại mỏ than ở Newcastle, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Hoạt động tại mỏ than ở Newcastle, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

"Thật đáng kinh ngạc về những gì mà viên đá đen nhỏ bé này có thể làm được" là khẩu hiệu chính trong chiến dịch tiếp thị đạt hiệu quả cao của Hội đồng Khoáng sản Australia về "khả năng vô tận" của than.

Tuy nhiên, một điều mà ngành công nghiệp than Australia và sức mạnh vận động hành lang to lớn của ngành này không thể làm được, đó là ngăn chặn xu hướng các nước nhập khẩu than phát triển mục tiêu đưa mức khí phát thải ròng về 0, với mục đích nỗ lực hạn chế mối đe dọa nóng lên của Trái Đất.
Trong bài viết đăng tải trên trang tin của hãng truyền thông ABC của Australia, nhà phân tích Stephen Long cho biết, ngày 26/10, Nhật Bản - thị trường nhập khẩu than nhiệt lớn nhất của Australia để phục vụ cho việc sản xuất điện - đã cam kết sẽ đưa mức khí phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Tương tự, ngày 28/10, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng chính thức cam kết trước Quốc hội rằng nước này sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, một cam kết đã được tiết lộ từ trước đó.
Cam kết của Nhật Bản và Hàn Quốc xuất hiện sau khi Trung Quốc, quốc gia sử dụng hơn một nửa lượng than trên thế giới và tạo ra hơn 30% lượng khí thải CO2 toàn cầu, khẳng định quyết tâm "trung hòa carbon" vào năm 2060. Theo các học giả Trung Quốc có tầm ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định của giới lãnh đạo Bắc Kinh, điều này đòi hỏi hệ thống điện của Trung Quốc phải đạt được mức phát thải khí CO2 bằng 0 vào năm 2050.
Không những vậy, Philippines - một thị trường tiềm năng mà ngành công nghiệp than của Australia đang nhắm tới - cũng đã thông báo lệnh dừng tất cả các dự án nhà máy nhiệt điện chạy bằng than mới, trong bối cảnh chuẩn bị cho kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Một điểm khó khăn nữa cho ngành than đó là nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này đang trở nên eo hẹp hơn.
Ngày 29/10. ngân hàng ANZ của Australia đã cùng với hơn 100 ngân hàng khác trên thế giới công bố sẽ từ chối cấp vốn cho các dự án than mới, sau một thông báo tương tự từ các ngân hàng lớn tại Nhật Bản.
Theo chính sách của ANZ, ngân hàng này sẽ không cung cấp tài chính cho bất kỳ một khách hàng nào mới có tỷ lệ hoạt động trong lĩnh vực than nhiệt chiếm 10% trong danh mục đầu tư. ANZ cũng sẽ làm việc với các khách hàng hiện tại để loại bỏ dần việc cấp vốn đầu tư vào than của họ.
Các mục tiêu tăng tốc giảm khí phát thải do Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc công bố có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Australia - nhà sản xuất than nhiệt lớn thứ hai thế giới, trong đó 80% sản lượng dùng cho xuất khẩu.
Thông báo của Nhật Bản đã được tiết lộ trước đó ba tháng, khi Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước này công bố kế hoạch đóng cửa 100 trên 114 nhà máy nhiệt điện cũ với lý do gây ô nhiễm môi trường.
Công ty sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản, JERA, khẳng định tuân thủ cam kết của Tokyo bằng tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện kém hiệu quả vào năm 2030. Các chi tiết cụ thể hơn nhấn mạnh mức độ nghiêm túc của Nhật Bản trong mục tiêu giảm khí thải carbon.
Công ty JERA định nghĩa "không hiệu quả" tức là đã tới mức "siêu siêu tới hạn" - một tiêu chuẩn vàng - có nghĩa là ngay cả các nhà máy tương đối hiện đại nhưng được xây dựng trong vòng 15 năm qua cũng sẽ bị đóng cửa khi chưa vận hành hết nửa vòng đời hoạt động tiềm năng của nhà máy.
Đối với thế giới đang đối mặt với mối đe dọa từ biến đổi khí hậu do hiện tượng đốt nhiên liệu hóa thạch, tất cả các thông tin nói trên đều là những tin tức tốt. Nhưng với những nhà sản xuất than nhiệt sử dụng cho các nhà máy điện, đây là điều thực sự gây lo ngại.
Năm ngoái, Australia đã xuất khẩu 17 tỷ AUD (11,9 tỷ USD) than nhiệt sang Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, trong đó riêng thị trường Nhật Bản là 10 tỷ AUD (7 tỷ USD).

Những tấm pin Mặt Trời của nhà máy điện mặt trời nổi được lắp đặt trên mặt hồ thủy điện Đa Mi. Ảnh: TTXVN

Nếu Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều nghiêm túc trong các cam kết của họ, thì Australia sẽ phải đối mặt với việc nhu cầu than nhiệt toàn cầu giảm đáng kể trong những năm tới, khi các nền kinh tế lớn của châu Á có thể sớm đóng cửa các nhà máy nhiệt điện và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, được cung cấp bởi nguồn năng lượng hạt nhân và hydro.
Bao giờ điều này sẽ xảy ra vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp, nó phụ thuộc vào tốc độ chuyển đổi và cách thức xuất khẩu than nhiệt của Australia so với xuất khẩu từ các quốc gia sản xuất than khác. Tuy nhiên, dường như các nhóm vận động hành lang chính cho ngành công nghiệp than nhiệt tại Australia vẫn rất lạc quan về triển vọng xuất khẩu trong tương lai.
Hội đồng Khoáng sản Australia mới đây đã công bố một nghiên cứu do các chuyên gia tư vấn thực hiện, dự báo xuất khẩu than nhiệt của "xứ Chuột túi" sẽ tăng lên 270 triệu tấn trong thập kỷ này, nhờ vào lượng đặt hàng tiềm năng của các nước nhập khẩu, đặc biệt là tại châu Á. Nhưng thông báo từ những khách hàng chủ chốt ở châu Á đã trở nên lỗi thời trước khi các cam kết được công bố.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) từ lâu luôn được cho là có sự ủng hộ nhất định đối với than đá. Mặc dù vậy, trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới mới phát hành vào đầu tháng này, Giám đốc điều hành Fatih Birol tuyên bố điện Mặt Trời là "vị vua mới" được thiết lập để thay thế than, trở thành nguồn năng lượng chính cho thế giới vào giữa thập kỷ này.
Theo kịch bản trung tâm của báo cáo, IEA dự báo sản lượng điện từ than tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm từ 58% xuống còn 9% vào năm 2040, với mức giảm trung bình 4,5% hàng năm trong thập kỷ này. Tuy nhiên, những ước tính đó được đưa ra trước khi các đối tác châu Á, thị trường nhập khẩu than lớn nhất của Australia, công bố những cam kết mang tính chất "đột phá".
Nhà quan sát Tim Buckley nhận định: "Những gì mà Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã cam kết có nghĩa là chúng ta sẽ thấy khối lượng than nhiệt xuất khẩu bị sụt giảm từ 1- 4% mỗi năm".
Những doanh nghiệp thuộc ngành than Australia chia sẻ đã nhận được cảnh báo về viễn cảnh xuất khẩu "u ám", nhưng không tin rằng nhu cầu nhiệt điện sẽ sớm suy giảm trong thời gian tới. Một trong số các doanh nghiệp này cho biết: "Chúng tôi vẫn thấy nhu cầu mở rộng trong thời gian tới, nhưng có lẽ mức đỉnh đang tới gần hơn. Có thể là vào năm 2025 hoặc 2030. Thật khó để nói chính xác đó là lúc nào".
Không có nhà sản xuất than nào của Australia sẵn sàng cho sự suy giảm nhu cầu sắp sửa diễn ra. Điều này tồn tại cả trong các nhóm vận động hành lang của ngành công nghiệp than Australia, các công nhân và cả công đoàn ngành khai thác than. Tất cả đều từ chối nghĩ về đến một tương lai "suy tàn" của "viên đá đen".
Mặc dù bộ phận khai thác và năng lượng của Công đoàn Xây dựng, Rừng, Hàng hải, Khai khoáng và Năng lượng Australia (CFMEU) đã thực hiện nhiều công việc đáng kể trong quá trình "chuyển đổi" công việc cho các công nhân ngành điện, chuẩn bị cho viễn cảnh các nhà máy điện than sẽ đóng cửa, nhưng có rất ít hoạt động chuẩn bị chuyển đổi cho công nhân ngành khai thác than nhiệt.
Công nhân tại các mỏ than nhiệt ở Thung lũng Hunter của bang New South Wales và Lưu vực Bowen của bang New South Wales, hai khu vực tập trung nhiều khu xưởng khai thác than nhiệt nhất Australia, cho biết không hề nghe nói bất cứ điều gì về việc sẽ được sắp xếp chuyển đổi công việc, mặc dù sư chấm hết của ngành công nghiệp này đã được dự báo.
Nếu Australia muốn tạo ra nhiều việc làm mới và các ngành công nghiệp mới cho những người lao động buộc phải chuyển đổi việc làm, thì hiện tại là lúc thích hợp nhất để bắt đầu lên kế hoạch và hành động./.

Diệu Linh (TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vien-canh-suy-tan-cua-nganh-than-australia/176568.html