Viễn cảnh kinh tế quý IV khó tốt như mong muốn

Tại tọa đàm công bố báo cáo kinh tế quý III/2018 của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khẳng định viễn cảnh kinh tế Việt Nam quý IV khó tốt như mong muốn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã viện dẫn báo cáo 9 tháng năm 2018 của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), trong đó IMF đã hạ mức độ tăng trưởng của kinh tế thế giới giảm 0,2 điểm phần trăm, kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo tăng trưởng giảm xuống còn 6,2 % do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thảo luận tại tọa đàm.

Mặt khác tình trạng giá dầu thô đang tăng cao, cộng thêm quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran dẫn đến việc điều binh lính của Iran đến eo biển Homuz - nơi 90% tàu chở dầu thô của Châu Á đi qua sẽ khiến giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, lãi xuất do Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tăng lãi suất đồng USD lên 2,5% (lãi suất đồng USD của Việt Nam là 0%) và dự báo còn tăng tiếp khiến giới đầu tư sẽ rút vốn khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi đưa trở lại Mỹ.

Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khẳng định viễn cảnh kinh tế quý IV khó tốt như chúng ta vẫn mong muốn.

Về tình hình kinh tế trong nước, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ông Lê Đăng Doanh phân tích: Lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư phần lớn thời gian, tiền bạc vào các mối quan hệ thân hữu, ô dù mà ít đầu tư công nghệ, nhân sự. Bởi vậy, muốn có sự thay đổi theo chiều hướng ngược lại sẽ rất khó khăn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cung cấp thông tin: Thời gian qua, người Việt Nam đã mua 3 tỉ USD bất động sản Hoa Kỳ và các nước khác, có 450 ngàn người Việt xin thôi quốc tịch để nhập tịch các quốc gia khác trong khi đó chỉ có 24 người xin nhập tịch Việt Nam. Đồng thời, hầu hết các doanh nhân thành đạt người Việt đã ra nước ngoài mua bất động sản. Đây là điều đáng lo ngại về chính sách và môi trường nuôi dưỡng nhân tài cũng như doanh nghiệp của Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cảnh báo về một số ngành kinh tế đang đi đầu hiện nay như dệt may, nông lâm thủy sản. Cụ thể, dệt may Việt Nam sẽ cực kỳ khó khăn khi hàng loạt các công xưởng của các quốc gia trong khu vực đã hoàn tất quá trình chuyển đổi và đầu tư robot cắt may, còn ngành nhuộm vải thì vấp phải hàng loạt quy định về môi trường. Còn các sản phẩm nông nghiệp thì gặp khó về các chứng chỉ xuất xứ bởi không đủ tiêu chuẩn về quy mô, chất lượng nên sắp tới xuất khẩu sẽ khó mở rộng thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ.

Ông Lê Đăng Doanh bày tỏ lo ngại về tiến trình hoàn tất công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, đã có 68 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nhưng 2 đối tác lớn là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu lại chưa công nhận. Theo quy định của WTO, năm 2018 Việt Nam sẽ phải hoàn thành tiến trình này với đầy đủ các quốc gia công nhận, muốn như vậy thì sẽ phải thay đổi luật nhưng đến nay Quốc hội vẫn chưa đưa ra sẽ thay đổi luật như thế nào, lộ trình ra làm sao để hoàn tất đáp ứng yêu cầu của các đối tác nói trên.

Tùng Dương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vien-canh-kinh-te-quy-iv-kho-tot-nhu-mong-muon-517434.html