Viện Bảo tồn báo cáo Bộ Văn hóa hai phương án trùng tu Bùi Chu

TS.KTS. Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích gửi báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo đánh giá hiện trạng, thẩm định nhà thờ Bùi Chu đồng thời đề xuất hai phương án trùng tu.

Viện Bảo tồn di tích khảo sát và đề xuất hai phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Minh Đức

Viện Bảo tồn di tích khảo sát và đề xuất hai phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Minh Đức

TS.KTS. Hoàng Đạo Cương nói với Tiền Phong, qua các kết quả đã phân tích, đặt vấn đề bảo tồn nhà thờ Bùi Chu-công trình tuy chưa được xếp hạng di tích nhưng có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật- quan điểm: Kết quả công việc phải đạt được mục đích đầu tiên là đảm bảo sự ổn định, bền vững của công trình và đặc biệt là an toàn cho người sử dụng để công trình thực hiện đúng với vai trò quan trọng và chức năng mà nó vốn có.

Quá trình bảo tồn cần giữ được những đặc điểm cơ bản, giá trị cốt lõi và đặc trưng của công trình. Phương án bảo tồn cần tính đến cấu trúc khung gỗ, tường xâu gạch có quy mô tương đối lớn và xây dựng ở thời kỳ công nghệ xây dựng mới du nhập từ phương Tây, đồng thời phương án đảm bảo phù hợp thực tế và có tính khả thi.
Căn cứ hiện trạng, nhu cầu và quan điểm, Viện bảo tồn di tích đề xuất hai phương án ứng xử với nhà thờ Chính tòa Bùi Chu.

Trùng tu cục bộ theo nguyên trạng

Phương án này đảm bảo giữ nguyên quy mô, cấu trúc công trình. Theo đó, nhà thờ được hạ giải từng phần. Cụ thể hạ giải phần mái ngói, tận dụng tối đa các viên ngói còn tốt để tái chế sử dụng. Thay thế phần ngói thiếu khuyết bằng các viên ngói phục chế theo kích thước cũ. Phục hồi lại hệ bờ nóc theo ảnh chụp năm 1950.

Hạ giải từng phần những vị trí cần thiết để tu sửa bộ khung gỗ mái vì kèo, thay thế những cấu kiện gỗ hư hỏng hoàn toàn bằng các cấu kiện gỗ mới cùng chủng loại. Thực hiện việc gia cố thay lõi các cột tiêu tâm. Giữ nguyên quy mô cấu trúc công trình.

Dỡ bỏ những đoạn tường nứt mất liên kết, thực hiện gia cố và phục hồi các đoạn tường này cả về độ bền vững và hoa văn. Sử dụng vật liệu truyền thống gạch thất và vữa vôi. Thực hiện gia cố móng và gia cố tường bằng các kỹ thuật hiện đại đối với các thành phần cấu trúc như gác chuông, những đoạn tường bị nghiêng.

Cạo bỏ lớp rêu, vá trát lại các mảng tường long lở, quét vôi màu theo màu sắc cũ. Phục hồi nền cũ, láy lại các phần nền bị lún hay vá víu, phần lát gạch hoa cũ gằng gạch hoa mới phục thế theo mẫu cũ.
Sửa chữa lại toàn bộ trần vôi rơm, trần gỗ, trần vẽ hoa văn theo kỹ thuật truyền thống. Phục chế các thành phần trang trí hoa văn, gờ chỉ đắp vẽ bên ngoài nhà. Cải tạo lại toàn bộ hệ thống sê nô thoát nước mái. Phục chế, sửa chữa các đồ thờ tự sơn son thếp vàng. Lắp đặt đầy đủ các hệ thống an toàn điện và phòng chống cháy.

Cơ quan chuyên môn phân tích kỹ về hai phương án

Đối với phương án này, TS. Hoàng Đạo Cương phân tích ưu điểm như: Bảo tồn tối đa các dấu tích vật chất của công trình. Tuy nhiên không bền vững, chỉ ổn định trong thời gian giwois hạn, cần duy tu thậm chí tiếp tục sửa chữa hàng năm.

Phương án này không cải thiện được nền công trình, sẽ tiếp tục nâng lên trong tương lai. Điều này đã và đang dẫn đến sự thay đổi và biến dạng kiến trúc của cả công trình so với ban đầu.Phương án 1 cũng không đáp ứng được nhu cầu sử dụng đương đại. Kinh phí trùng tu lớn, gây lãng phí của cải vật chất xã hội đối với những phần thi công xong.
Trùng tu triệt để

Phương pháp này đòi hỏi hạ giải toàn bộ công trình đến cả phần móng, nền cũ. Thi công hệ thống nền móng mới theo quy mô phù hợp và công nghệ, kỹ thuật tiên tiến đảm bảo thời gian tồn tại lâu dài, ổn định cho công trình. Đặc biệt trả lại cốt nền ban đầu của công trình với hệ chân đế bao quanh.

Mặt bằng nhà thờ mới vẫn lấy theo kiến trúc cũ, quy mô kích thước có thể mở rộng thêm nhưng không quá lớn so với cũ dể không gây cảm giác xa lạ, khác biệt so với quy mô ban đầu.

Bộ khung chịu lực bằng gỗ theo cấu trúc cơ bản như cũ, có thể kế thừa những nét kiến trúc truyền thống để công trình đạt độ tinh xảo, thẩm mỹ. Hệ tường xây bao quan lập lại kiến trúc như trang trí, cửa, vòm, gỡ chỉ. Tái hiện kể cả hệ thống thoát nước cũ nhưng hoàn chỉnh và thíc hợp hơn. Quét vôi màu vàng giống với màu cũ của công trình.

Bảo tồn những giá trị cốt lõi và các yếu tố gốc quan trọng của các thời kỳ, tái sử dụng chân tảng, hoa văn kim loại đúc. Lưu ý bảo tồn nguyên vẹn khu mộ của các linh mục. Phục chế các đồ thờ sơn thếp, bảo quản tấm bia Thành Thái và hai chuông đồng.

Lợp hệ mái ngói truyền thống. Lát nền bằng vật liệu phù hợp, có thể lát lại toàn bộ nền bằng gạch hoa phục chế theo mẫu cũ. Lắp đặt hệ thống chiếu sáng và kỹ thuật phù hợp, hệ thống an toàn điện và phòng chống cháy.
Phương án trùng tu triệt để theo Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Hoàng Đạo Cương đảm bảo sự bền vững, ổn định lâu dài, bảo tồn đặc điểm cơ bản và những giá trị cốt lõi đặc trưng. Đáp ứng nhu cầu đương đại và nguyện vọng của cộng đồng sử dụng. Kinh phí hợp lí, có tính khả thi và tránh lãng phí đối với của cải, vật chất của giáo dân.

TS.KTS. Hoàng Đạo Cương kiến nghị, dù thực hiện phương án nào cơ quan thực hiện cũng phải là đơn vị có chuyên môn về tu bổ di tích và xây dựng các công trình tôn giáo tín ngưỡng. Trong quá trình thi công cần lập hồ sơ đầy đủ, chi tiết trước khi hạ giải cục bộ hay toàn phần.
Phương án thiết kế trùng tu cần có sự tham vấn chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc. Một sự giám sát liên tục trong quá trình thi công bởi các nhà chuyên môn là hết sức cần thiết.

Toan Toan

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/vien-bao-ton-bao-cao-bo-van-hoa-hai-phuong-an-trung-tu-bui-chu-1432615.tpo