Viêm tiểu phế quản - kẻ thù của trẻ vào mùa lạnh

Tổn thương ở các nhánh phế quản nhỏ được gọi là viêm tiểu phế quản. Khi bị viêm, các tế bào của đường hô hấp bong, dịch thoát ra.

Tháng 9 - 10 là thời gian ghi nhận nhiều trẻ mắc các bệnh về hô hấp. Ảnh: Xuân Mai

Tháng 9 - 10 là thời gian ghi nhận nhiều trẻ mắc các bệnh về hô hấp. Ảnh: Xuân Mai

Từ đó, khiến đờm ứ đọng lại ở các đường hẹp, dễ bị tắc, khiến không khí không lưu thông được.

Virus “ưa” mùa đông

Bệnh hô hấp là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ. Thực tế, khoảng 1/3 số trẻ nhập viện trong những năm đầu đời là do các vấn đề về hô hấp.

Cảm cúm, ho gà, bạch hầu và viêm phế quản là những bệnh mà trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ mắc. Theo thống kê, đầu tháng 7 qua, các cơ sở điều trị bệnh nhi ở thành phố Đà Nẵng có tỷ lệ trẻ nhập viện do mắc các bệnh hô hấp tăng từ 30 - 40%.

Khi phát hiện con có biểu hiện ho, sổ mũi, khó thở, chị Nguyễn Thảo Ly (Hải Châu, Đà Nẵng) đưa trẻ đi khám tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi thành phố. Chị cho biết, sau khi thấy con có diễn biến bệnh phức tạp, gia đình đã kịp thời đưa bé đến bệnh viện thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi phải nhập viện để điều trị.

Tại các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TPHCM, số bệnh nhi nhập viện vì mắc bệnh lý về hô hấp tăng cao. Trong đó, nhiều ca bệnh nặng phải thở oxy, thở máy.

Tại khu vực miền Bắc - nơi bắt đầu chuyển lạnh, số trẻ em nhập viện do mắc các bệnh về hô hấp cũng tăng cao.

Thậm chí, một số bệnh viện trở nên quá tải bởi tiếp nhận nhiều bệnh nhi. Thời gian qua, không ít trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản. Tuy nhiên, căn bệnh này chưa thực sự phổ biến đối với các phụ huynh.

Bác sĩ Phí Văn Công, Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) chia sẻ, gần đây, bệnh viện ghi nhận không ít trẻ mắc viêm tiểu phế quản. Đặc biệt, những trẻ có bệnh lý nền thường phải thở máy khi bị viêm tiểu phế quản.

“Đường hô hấp của con người trải dài bắt đầu từ mũi, xuống đến vùng hầu họng, đến thanh quản rồi khí quản, phế quản. Qua nhiều nhánh khác nhau đến vùng của tiểu phế quản rồi đến phế nang. Tổn thương ở các nhánh phế quản nhỏ được gọi là viêm tiểu phế quản”, bác sĩ Công giải thích.

Bác sĩ này chia sẻ, khi bị viêm, các tế bào của đường hô hấp bong ra, dịch thoát thành đờm, ứ đọng lại ở các đường hẹp. Chúng dễ bị tắc khiến không khí không lưu thông được. Khí độc (CO2) không thải được ra ngoài, oxy cũng không đi vào phế nang để trao đổi được. Vì vậy, nhiều trường hợp gặp nguy hiểm khi bị viêm tiểu phế quản.

Nguyên nhân của viêm tiểu phế quản cũng tương tự viêm đường hô hấp nói chung, chủ yếu do virus gây ra. Đặc biệt, viêm tiểu phế quản được gây ra bởi loại virus hợp bào hô hấp RSV.

“Bản thân RSV là virus rất quen thuộc với đường hô hấp. Nhiều khi nó tồn tại sẵn ở vùng mũi của con người nhưng không gây bệnh. Đến thời điểm thích hợp (độ ẩm, nhiệt độ…), virus bắt đầu phát triển và tấn công.

Virus RSV phát triển mạnh vào mùa thu đông - khi thời tiết có nhiều xáo trộn, độ ẩm cao và nhiệt độ giảm”, chuyên gia cho biết.

Điều đáng chú ý là, virus RSV hầu như chỉ tấn công trẻ dưới 2 tuổi. Độ tuổi thường mắc virus RSV là từ 6 tháng đến 2 tuổi.

Theo bác sĩ Công, virus RSV có thể gây bệnh nhẹ như hắt hơi, sổ mũi, ho. Tuy nhiên, chúng cũng có thể khiến người mắc rơi vào tình trạng nặng, như suy hô hấp và phải thở máy.

“Hầu hết các trường hợp mắc RSV ở tình trạng nhẹ. Những trường hợp phải nhập viện, thở oxy, thở máy… chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu rằng, hầu hết trẻ nhỏ dưới 2 tuổi đều mắc virus RSV 1 lần trong đời”, chuyên gia nói thêm.

Triệu chứng của viêm tiểu phế quản

Chị Nguyễn Thị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, sau khi nhận thấy con có biểu hiện ho, sốt, gia đình nhanh chóng đưa trẻ đi khám. Tuy nhiên, khi nghe bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc viêm tiểu phế quản, gia đình chị Hương “ngỡ ngàng” bởi... không biết đây là bệnh gì.

Chia sẻ về tình trạng này, bác sĩ Công cho biết, nhiều phụ huynh còn khá lạ lẫm và không hiểu viêm tiểu phế quản là gì. Không ít cha mẹ lo ngại và hỏi rằng, liệu đây có phải căn bệnh nguy hiểm hay không.

“Khởi đầu, viêm tiểu phế quản cũng giống như các bệnh viêm của đường hô hấp khác. Trẻ hắt hơi, chảy mũi, sổ mũi, nghẹt mũi. Sau đó, trẻ ho nhẹ rồi nặng dần. Trẻ có thể sốt nhẹ những ngày đầu, thậm chí không sốt”, chuyên gia giải thích.

Ngoài ra, bệnh nhi có thể xuất hiện khò khè do tiểu phế quản bị phù nề và bít tắc. Đờm là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Vì vậy, bệnh có thể diễn tiến thành viêm phổi. Những trường hợp nhẹ có thể điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên, những bệnh nhi có sức đề kháng yếu hoặc mắc bệnh lý nền có thể diễn biến rất nặng khi bị virus RSV tấn công.

Bác sĩ Công cho biết, khi đó, tế bào đường hô hấp bị “bong ra” nhiều, gây tắc nghẽn đường thở và suy hô hấp. Những trường hợp này cần hỗ trợ thở oxy hoặc thở máy. Ngoài ra, việc áp dụng các phương pháp điều trị giúp đờm ra ngoài khi đang tắc ở tiểu phế quản cũng là điều cần thiết.

Virus RSV lây qua đường hô hấp, giọt bắn khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần. Vì vậy, bác sĩ Phí Văn Công khuyến cáo: Cha mẹ cần hạn chế để trẻ đến nơi đông người trong mùa bệnh;

Hạn chế để trẻ tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với các trẻ có dấu hiệu bị bệnh; Vệ sinh tay, dụng cụ cá nhân và đồ chơi thường xuyên; Giữ ấm, thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý ấm hoặc các dung dịch vệ sinh mũi thích hợp;

Tránh để trẻ ở môi trường ô nhiễm, không khí ô nhiễm, khói thuốc lá, bụi bẩn; Cần cho trẻ đi khám sớm khi xuất hiện các triệu chứng của viêm đường hô hấp như xổ mũi, chảy mũi, ho…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/viem-tieu-phe-quan-ke-thu-cua-tre-vao-mua-lanh-CuEKyctMR.html