Viêm não Nhật Bản, đuối nước, bỏng tăng nhanh trong ngày nắng nóng

Theo các bác sỹ tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn TP. Hà Nội những ngày nắng nóng gần đây, số trẻ mắc viêm não Nhật Bản đang gia tăng, cùng với đó các ca đuối nước, bỏng cũng gia tăng.

Bệnh nhân đuối nước đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Thùy Linh

Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương hai tuần gần đây luôn trong tình trạng quá tải. Bác sỹ Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Điều trị tích cực cho biết, mùa hè năm nay, Khoa tiếp nhận đột biến các ca mắc viêm não. Những ca bệnh này chủ yếu là ở các cháu tại các tỉnh vùng núi phía bắc như Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng…

Ghi nhận tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não Nhật bản đang là căn bệnh chủ yếu, gây căng thẳng tại đây.

Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết, từ đầu hè đến thời điểm hiện tại có khoảng 37 ca viêm não Nhật Bản nhập viện, nhiều trong số đó là những ca nặng do chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đầy đủ.

Theo bác sỹ Lâm, có nhiều di chứng do bệnh viêm não Nhật Bản gây nên. Do vậy, các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3 năm 1 lần đến năm 15 tuổi.

Về vấn nạn đuối nước, theo bác sỹ Anh Tuấn, từ đầu hè đến nay, Khoa liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị đuối nước, phải thở máy trong tình trạng rất nặng.

"Từ tháng 5, chúng tôi phải điều trị cho hơn chục bệnh nhi đuối nước. Điều đáng nói, hiện đang là thời điểm nắng nóng kỷ lục, chỉ riêng trong 1 tuần trở lại đây đã có 4 trẻ đuối nước phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch", bác sỹ Anh Tuấn chia sẻ.

Về tai nạn bỏng trong những ngày nắng nóng, theo bác sỹ Nguyễn Nam Giang, Phó Trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vào những ngày hè nắng nóng, số ca bệnh nhân bỏng phải nhập viện tại bệnh viện này tăng 30-40% so với các dịp khác. Nguyên nhân là đây là dịp nghỉ hè, nhiều gia đình gia đình đi chơi biển thường mua mực về làm quà. Việc sử dụng cồn để nướng mực chính là nguyên nhân khiến cho nhiều tai nạn bỏng đáng tiếc xảy ra.

Theo bác sỹ Nam Giang, bỏng cồn rất nguy hiểm và có thể gây chết người. Do đó, tại các chuyên khoa bỏng, các bác sỹ đều khuyến cáo người dân nên bỏ thói quen sử dụng cồn để nướng thức ăn.

"Khi bị bỏng, cần tìm cách dập lửa bằng nước lã. Sau đó cần xem bệnh nhân có phải cấp cứu khẩn cấp không. Không nên cố lột bỏ quần áo trên người nạn nhân khi đã cháy. Phải ngay lập tức đưa bệnh nhân đến viện gần nhất", bác sỹ Giang nói.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/viem-nao-nhat-ban-duoi-nuoc-bong-tang-nhanh-trong-ngay-nang-nong.aspx