Viêm não mô cầu - căn bệnh giết người cực nhanh - là gì?

KHỎE+ Nguy cơ tử vong cao, nhiều di chứng. Chỉ hai cụm từ trên đã đủ để miêu tả sự nguy hiểm của viêm não mô cầu đối với người mắc rồi

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một bệnh nhi có tên N.Q. (2 tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trong tình trạng liên tục nóng sốt, ho kéo dài, hay trợn mắt, nhiều tử ban ở mặt. Không lâu sau, gia đình phát hiện hai tay, hai chân bé tím tái, sau đó chuyển sang màu đen, dần hoại tử. Bệnh nhi này được chẩn đoán bị viêm não mô cầu giai đoạn nặng, vi khuẩn đã làm tắc mạch máu khiến bé Q. bị hoại tử cơ nên đôi chân, tay bé bị hoại tử dần dần.
Để cấp cứu cho bé Q., các bác sĩ phải cắt lọc phần da, cơ bị nhiễm trùng. Đặc biệt, phải đoạn cả tứ chi mới có hy vọng cứu sống bé Q.

"Do nhiễm trùng huyết ăn sâu vào phần da, cơ gây hoại tử nghiêm trọng trên phần chi của bệnh nhi, bắt buộc chúng tôi phải đoạn tứ chi mới có thể giữ được mạng sống cho bé. Hiện tại, bệnh nhi đã trải qua 3 lần thực hiện cắt lọc phần hoại tử ở tay, chân, nhiễm trùng huyết tạm thời đã được khống chế”- BS Lê Hữu Phúc, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.

Bệnh nhi N.Q phải cắt cả tứ chi vì viêm não mô cầu

N.Q. chỉ là một trong số các bệnh nhân mắc viêm não mô cầu. Trên thực tế, số lượng người nhiễm căn bệnh nguy hiểm này càng ngày càng nhiều.

Vậy viêm não mô cầu là căn bệnh như thế nào mà có thể khiến bệnh nhi N.Q phải cắt bỏ cả tứ chi mới có cơ hội sống sót?Theo TS. BS Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch.

Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, ...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông - xuân. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.

Khi thấy người bệnh có biểu hiện như: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn… đặc biệt khi thấy xuất hiện ban hoại tử ở da cần đưa ngay đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

Các ban hoại tử hình sao là đặc trưng của viêm não mô cầu

Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân,…). Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi làm việc.

Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày.

Người tiếp xúc gần với bệnh nhân (là những người sống cùng hộ gia đình, những người sống, làm việc cùng phòng, người trực tiếp chăm sóc, người có tiếp xúc mật thiết, trẻ học cùng trường mầm non/ nhà trẻ, cùng nhóm học, cùng lớp học… ) cần sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt.

Mọi người trong cộng đồng đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.

Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc xin viêm não mô cầu. Hiện nay có hai loại vắc xin phòng bệnh 3 tuýp vi khuẩn A, B và C.

+ Vắc xin Meningo AC do Pháp sản xuất chỉ định tiêm cho trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn, lịch tiêm mũi 2 cách mũi 1 là 3 năm, liều tiêm 0,5 ml/lần.

+ Vắc xin VA – Mengoc – BC do Cu-Ba sản xuất chỉ định tiêm cho trẻ trên 3 tháng tuổi trở lên, lịch tiêm mũi 2 cách mũi 1 là 2 tháng, liều tiêm 0,5 ml/lần.

Ly Tâm (Tổng hợp)

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus.vn/phong-mach/viem-nao-mo-cau-can-benh-giet-nguoi-cuc-nhanh-la-gi-22721.html