Viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu: Bệnh rất nguy hiểm

Trưa ngày 18.4, bệnh nhân nam, 30 tuổi, ở TP. Hưng Yên, nhập khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, Hà Nội. Người nhà cho biết, trước khi vào viện 4 ngày bệnh nhân đau họng, ho khan và 2 ngày sau thì sốt 390C, đau đầu, buồn nôn, đêm 17.4 sốt hầm hập, nôn nhiều...

Vi khuẩn não mô cầu.

BS Nguyễn Văn Dũng - Phó Trưởng khoa truyền nhiễm, BV Bạch Mai nói, bệnh nhân tình trạng nặng, sốt cao, đau đầu, nôn nhiều, nhiều ban xuất huyết ở thân và chân, đã rối loạn ý thức, kích thích vật vã. BV chẩn đoán viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu (NMC).

Trước đó, một bệnh nhi nữ 15 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội phải cách ly đặc biệt vì viêm não do NMC... Ngày 13.4, cháu sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, đi ngoài không tự chủ, được cấp cứu ở BV bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở 2, Đông Anh, Hà Nội.

Khi đến viện cháu đã hôn mê, phải đặt nội khí quản thở máy; trên da có những đám xuất huyết hoại tử đặc trưng của viêm màng não do NMC, tình trạng rất nặng... Chọc dò tủy sống lấy dịch não tủy xét nghiệm, kết quả xét nghiệm khẳng định chẩn đoán... Sau 4 ngày nằm phòng cách ly, khoa Cấp cứu, tình trạng cháu đã khá hơn, nhưng vẫn phải điều trị dài ngày nữa...

Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã lập danh sách 14 người tiếp xúc gần với bệnh nhi, cho uống kháng sinh dự phòng, theo dõi sức khỏe, đề phòng mắc bệnh do lây nhiễm từ trước. Phun dung dịch Cloramin B khử khuẩn nơi ở và học tập của bệnh nhi; yêu cầu gia đình giặt, vệ sinh chăn màn, vật dụng cá nhân, mở cửa thông thoáng khí...

BV Nhiệt đới TƯ 2 cũng đang điều trị cho một bé gái 14 tháng tuổi, viêm màng não do NMC. Cháu nhập viện cùng ngày 13.4, với biểu hiện sốt cao liên tục, có các cơn co giật, tím tái, li bì, lơ mơ... Hiện trẻ đã tỉnh táo, sốt nhẹ nhưng vẫn phải nằm phòng cách ly.

Với ca này Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội phải cho 26 người lớn và 2 trẻ nhỏ tiếp xúc gần với bệnh nhi uống kháng sinh dự phòng, đồng thời khử khuẩn nhà ở của bệnh nhi bằng dung dịch Cloramin B.

Cần tiêm phòng cho trẻ để phòng bệnh não mô cầu.

Bệnh rất nguy hiểm

Đặc trưng của bệnh do NMC là tiến triển rất nhanh, trẻ khỏe mạnh có thể tử vong chỉ trong 24 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Nếu không điều trị kịp thời, tử vong đến 60 - 70% với thể tối cấp và 30 - 40% với thể viêm màng não mủ. Người sống sót thường có nhiều di chứng nặng nề như chậm phát triển tâm thần, điếc, liệt...

Trong cộng đồng, có tới 25% người lành mang vi khuẩn NMC (hay Màng não cầu, hình hạt cà phê - Neisseria meningitidis) ở mũi, hầu, họng; có 13 type, nhưng gây bệnh là các nhóm A, B, C, X, Y, W-135.

Nếu phát bệnh, thời gian ủ bệnh 2 - 10 ngày, trung bình 3 - 4 ngày với nhiều bệnh cảnh của các cơ quan, bộ phận như hô hấp, máu, thần kinh, khớp, màng tim, mắt, tiết niệu, sinh dục; các bệnh cảnh có thể riêng rẽ hoặc phối hợp mà hậu quả là suy đa tạng, rối loạn đông máu trầm trọng, màng não sinh mủ...

Bệnh tuy không phát thành dịch lớn nhưng có khả năng phát dịch vì lây lan rất nhanh bằng đường thở, qua nước bọt, dịch tiết mũi, họng khi ho, hắt hơi cho người tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng, nhất là nơi đông người, nên thành thị mắc nhiều hơn nông thôn.

Theo y văn kinh điển, mắc bệnh nhiều nhất là 36 tháng - 3 tuổi, ít hơn là 14 - 20 tuổi, tuy nhiên hiện thấy mọi lứa tuổi đều mắc bệnh; mắc nhiều vào mùa đông - xuân nhưng rải rác quanh năm.

Các thể lâm sàng

NMC khi gây bệnh có thể từ họng đến nhiều cơ quan, bộ phận nhưng nguy hiểm nhất là vào máu và xâm nhập màng não, gây ra hai bệnh cảnh đặc biệt trầm trọng là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ...

Nhiễm trùng huyết do NMC có ba thể tối cấp, cấp và mãn tính. Với thể tối cấp (10 - 20% số ca nhiễm khuẩn huyết), tử vong tới 80%, bệnh diễn tiến rất nhanh, tử vong trong 6 - 12 giờ từ khi phát bệnh, do suy hô hấp, ngay cả khi được điều trị tích cực.

Bệnh cảnh viêm màng não mủ biểu hiện đau đầu, buồn nôn, ói mửa, cổ cứng, thóp phồng (trẻ nhỏ), lơ mơ, li bì (trẻ nhỏ), nhạy cảm với ánh sáng, bại (liệt nhẹ) tứ chi, liệt tứ chi, co giật, hôn mê... Nguy hiểm nhất khi hai bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết cấp và viêm màng não mủ kết hợp...

Phân biệt bệnh NMC với những bệnh khác bằng tử ban: Là những ban xuất huyết (do rối loạn đông máu trầm trọng) màu đỏ hoặc tím sẫm trên da, bờ không tròn đều, kích thước từ 1 - 2mm đến vài cm, bề mặt bằng mặt da, có vùng hoại tử da ở trung tâm đám xuất huyết; có khắp người, nhiều nhất ở nách, hông, quanh khớp (khuỷu, gối, cổ chân); có khi là nốt phỏng nước hoặc mảng xuất huyết rộng lớn, nhìn da như bản đồ. Tử ban lan nhanh là dấu hiệu cảnh báo thể tối cấp.

Sẽ khó khăn bởi khoảng 25% các ca bệnh do NMC không xuất hiện tử ban và viêm màng não do NMC lúc khởi bệnh rất khó phân biệt (các biểu hiện toàn thân) với bệnh do các loại vi khuẩn khác, có khi chỉ là biểu hiện viêm họng cấp thông thường. Vì vậy, để không rơi vào tình trạng nguy kịch, phải đi viện ngay khi có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 400C; đau đầu dữ dội, nhất là vùng trán và sau gáy, lơ mơ; trẻ quấy khóc nhiều; buồn nôn, ói mửa; bỏ ăn, bỏ bú, mệt mỏi, li bì; cổ cứng; thóp phồng hoặc ớn lạnh, rét run, đau khớp, đau cơ, đặc biệt đau nhiều ở sống lưng và hai chân, mạch nhanh, thở nhanh, huyết áp tụt.

NMC gây bệnh ở Việt Nam có ba nhóm A, B, C nhưng nhiều hơn là type B, C và hầu như tỉnh, TP nào cũng có người mắc... Ca bệnh NMC đầu tiên của năm 2017 là một chiến sĩ 20 tuổi, nhập khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, BV TWQĐ 108 trong tình trạng đe dọa tính mạng: Sốt cao, nôn nhiều, rối loạn ý thức, suy hô hấp, suy tuần hoàn, viêm cơ tim, suy thận, rối loạn đông máu nặng, tử ban toàn thân. Chẩn đoán xác định bệnh NMC thể nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não, biến chứng suy đa tạng...

Tháng 2. 2017, bệnh nhi đầu tiên của TPHCM là một cháu 30 tháng tuổi, ở quận 8, tử vong chỉ sau 6 giờ nhập BV Nhi đồng 1. Xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM, khảng định do NMC... Năm 2016, TPHCM có một ca 5 tháng tuổi tử vong do bệnh NMC và một thanh niên 21 làm việc tại Củ Chi nhưng phát bệnh tại nhà ở phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.

Tháng 4, Trung tâm y tế dự phòng Đắk Lắk, xác định cháu Vàng Thị S, 10 tuổi, ở thôn 4, xã Ea M’Đoan, huyện M’Đrắc sốt cao, kích thích, vật vã, la hét, tử ban toàn thân, được BV Đăk Lăk chẩn đoán rối loạn đông máu và điện giải, nhiễm trùng huyết do NMC. Đã điều trị dự phòng cho 11 người tiếp xúc với bệnh nhi bằng kháng sinh Azithromycin, Ciprofloxaxin và lấy mẫu dịch họng gửi Viện Pasteur Tây Nguyên xét nghiệm; phun Cloramin B tại trường tiểu học Lê Văn Tám cùng 125 hộ gia đình ở thôn 4, Ea M’Đoan...

Năm 2016, Đắk Lắk có ca bệnh NMC là cháu Lý Anh Phước, 5 tháng tuổi ở xã Cư San, M’Đrắc sốt li bì, toàn thân nhiều tử ban, co giật, phổi tổn thương nặng, khó thở... may mắn qua khỏi được. Mẫu xét nghiệm được Viện Pasteur Tây Nguyên xác định là NMC.

Một ca tử vong là bé gái hơn 4 tháng tuổi, con chị Đào Thị V, dân tộc H’Mông, ở thôn 14, xã vùng sâu Cư K’bang, huyện biên giới Ea Súp. Bé đến tiêm chủng nhưng BS thấy sốt, nổi ban, tím tái toàn thân, thở yếu... cháu tử vong lúc 22h cùng ngày tại BV Đắk Lắk; xét nghiệm xác định do NMC.

Tháng 9.2017, một sinh viên nữ, 18 tuổi, quê Quảng Bình, trọ học ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bị sốt, nôn, đau đầu, nổi ban xuất huyết, ý thức nhanh chóng chuyển thành lơ mơ... Nghĩ bị sốt xuất huyết, em đến BV quận, nhưng ngay lập tức được chuyển Viện Nhiệt đới TƯ. Chẩn đoán xác định bệnh NMC, phải chuyển cơ sở 2 để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Cũng tại địa bàn này năm 2016, có ba học viên của một trung tâm ngoại ngữ mắc bệnh NMC phải nhập viện, nghĩa là ở đây có ổ dịch lưu hành. Năm 2016, chỉ riêng BV nhiệt đới TƯ đã chữa trị cho 4 ca bệnh NMC là người cư trú tại Hà Nội, trong đó có người đã 30 tuổi.

Những năm gần đây, nhờ những tiến bộ chẩn đoán, hồi sức tích cực và điều trị, tỉ lệ tử vong do bệnh NMC đã giảm nhưng vẫn là một bệnh cực kỳ nguy hiểm. Bệnh tuy rất nguy hiểm vì tử vong cao nhưng lại có thể phòng bệnh hiệu quả và đơn giản bằng tiêm chủng. Có 2 loại vacxin là AC (kết hợp type A và type C) và BC. Vacxin BC tiêm cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên, AC dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên..

BS Nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/viem-mang-nao-do-vi-khuan-nao-mo-cau-benh-rat-nguy-hiem-603703.ldo