Viêm gan - 'sát thủ thầm lặng'

Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong vùng có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan cao trên thế giới. Theo các chuyên gia y tế, viêm gan virus nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng như xơ gan, ung thư gan.

Điều trị bênh viêm gan.

Điều trị bênh viêm gan.

25.000 ca tử vong mỗi năm vì ung thư gan

Đó là con số ở Việt Nam hiện nay cùng với các bệnh lý viêm gan, xơ gan, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đáng chú ý: Riêng với virus viêm gan B, trung bình trên thế giới cứ mỗi phút trôi qua thì có 2 người tử vong liên quan đến biến chứng của bệnh lý này.

Ông Lê Trung Hải – Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam - cho biết: Với 25.000 ca tử vong mỗi năm vì ung thư gan, trong đó có tới 80% ung thư gan, là từ viêm gan virus và xơ gan. Đáng lo ngại hơn, số ca mắc viêm gan virus đã lên đến 15 triệu người, nhưng thực tế chỉ có 20% trong số đó biết mình đang mang bệnh.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nước ta có tới 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B, 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C, số người nhiễm viêm gan đã và đang có chiều hướng gia tăng. Có 5 loại viêm gan virus, trong đó viêm gan virus B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể, tương tự với đường lây truyền của HIV; viêm gan virus D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự; viêm gan virus A và E lây qua đường phân – miệng do thức ăn, nước uống và vệ sinh không đầy đủ. Trong 5 loại virus viêm gan, virus viêm gan B và virus viêm gan C gây ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người.

90% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh

Mặc dù viêm gan có tác động và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người, nhưng nhiều người không hề biết mình mắc bệnh, đến khi bệnh trở nặng, tiềm ẩn nguy cơ gây ra biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan thì mới đến bệnh viện để khám và điều trị.

PGS. TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay, hiện Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc viêm gan B và từ 1% đến 2% mắc viêm gan C. Như vậy, có khoảng 16 triệu người Việt Nam mắc các bệnh virus viêm gan và có khoảng hơn 10% số bệnh nhân này có nguy cơ mắc ung thư gan.

Theo PGS. TS Đỗ Duy Cường, trong giai đoạn cấp, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như: chán ăn, mệt mỏi, da vàng, đau tức vùng hạ sườn phải. Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính thì các triệu chứng rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa như: mệt mỏi, chán ăn, đầy tức thượng vị, nước giải sẫm màu,…

Thực tế cho thấy, có tới 90% người nhiễm viêm gan C không biết tình trạng nhiễm của mình, bởi bệnh viêm gan được coi là “sát thủ thầm lặng” với các triệu chứng rất kín đáo, rất khó phát hiện nếu không xét nghiệm máu. Đến khi phát hiện thì hầu hết bệnh nhân đã ở giai đoạn mãn tính, xơ gan, xơ gan mất bù, ung thư gan…

Ở nước ta, tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao hơn so với viêm gan C, nên hầu hết người dân chỉ đi làm xét nghiệm viêm gan B mà bỏ qua các xét nghiệm viêm gan C.

Hiện, viêm gan C chưa có vaccine phòng bệnh, nhưng sự ra đời của các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAAs – direct acting antiviral drugs), với phác đồ đơn giản, thời gian điều trị rút ngắn với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh viêm gan C cao (trên 95%) đã đem lại sự sống cho nhiều người bệnh. Tuy nhiên, chi phí điều trị viêm gan C vẫn còn cao và chưa được bảo hiểm y tế chi trả, do đó có tới 90% bệnh nhân chưa được tiếp cận để điều trị. Đây vẫn là một thách thức lớn trong quá trình hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho người bệnh nhiễm virus viêm gan C.

Để giảm thiểu những khó khăn cho người bệnh, khi điều trị viêm gan C, trong năm 2018, Bộ Y tế đã có hướng dẫn điều trị viêm gan C, chi phí điều trị đã giảm đáng kể so với cách đây khoảng 5 năm (từ vài trăm triệu đồng/ liệu trình điều trị xuống khoảng từ 7 đến 15 triệu tiền thuốc/ tháng). Đặc biệt, những thuốc điều trị mới hiện nay đã giảm đáng kể tác dụng phụ so với các loại thuốc trước đây, giúp tiêu diệt virus viêm gan C cả ở 6 type.

Ngoài ra, tại một số cơ sở y tế tuyến Trung ương, thuốc chữa viêm gan C đã được bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả 50%, tạo cơ hội tiếp cận thuốc mới, phương pháp điều trị không tốn kém có hiệu quả cao.

Các bác sĩ khuyến cáo: Để điều trị viêm gan B, C có hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ phác đồ và chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý trị bệnh, uống các loại thuốc lá, thuốc nam theo truyền miệng… được quảng cáo tràn lan. Các bác sĩ đã từng gặp nhiều trường hợp chữa bệnh theo truyền miệng khiến bệnh “nhẹ” thành “nặng” dẫn đến ung thư gan mới vào viện để điều trị thì đã quá muộn. Để tránh quá trình tiến triển viêm gan virus B, C thành ung thư gan, người bệnh cần xét nghiệm máu định kỳ một năm từ 1 đến 2 lần để đo tải lượng virus, đánh giá chức năng gan xem có bị ứ mật, xơ hóa hay không. Nếu xơ hóa giai đoạn sớm thì uống thuốc theo dõi, nếu xơ nặng (còn bù hoặc mất bù), cổ trướng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa nặng, giãn tĩnh mạch thực quản, suy gan, suy giảm miễn dịch trên bệnh nhân suy gan dẫn đến nhiễm trùng máu... thì cần phải can thiệp sớm để chữa trị kịp thời.

Đầu tư để loại trừ virus viêm gan

Ngày Viêm gan thế giới năm nay (28/7), WHO đã đưa ra phương châm và mục tiêu hành động là “Đầu tư để loại trừ virus viêm gan”. Thông điệp này có ý nghĩa kêu gọi sự quan tâm và tăng cường đầu tư các nguồn lực, cả về lãnh đạo điều hành các cấp cũng như đầu tư kinh phí tài chính trong dự phòng, phát hiện và chăm sóc điều trị. Đặc biệt chú trọng đầu tư nâng cao nhận thức của mỗi người dân để tiến tới loại trừ hoàn toàn virus viêm gan ở Việt Nam vào năm 2030.

Ông Kidong Park – Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam - khẳng định: “Loại trừ viêm gan virus là một cuộc chiến đầy cam go, đòi hỏi sự nỗ lực tăng cường đầu tư và chung tay của cả cộng đồng từ lãnh đạo cho đến các đoàn thể doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, cần triển khai rộng rãi và làm tốt hơn nữa việc nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân, đẩy mạnh công tác dự phòng, tăng cường việc xét nghiệm, phát hiện sớm và hỗ trợ xử lý kịp thời nhằm mục tiêu loại trừ viêm gan virus”.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chủ yếu khiến các bệnh lý về viêm gan gia tăng là do vấn nạn lạm dụng rượu bia, ăn các thực phẩm độc hại, có lối sống không lành mạnh… Đối với bệnh viêm gan B, người dân cần chủ động kiểm tra tình trạng nhiễm virus viêm gan B bằng xét nghiệm HbsAg, đặc biệt là nữ giới trong lứa tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai. Bệnh nhân mắc viêm gan B mạn, không bị tăng men gan và không bị xơ gan cần tập thể dục và thể thao hằng ngày, hạn chế tối đa rượu, bia và đồ uống có cồn vì rượu bia có thể làm tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan. Ngoài ra, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng hợp lý, giảm mọi căng thẳng (stress), mọi áp lực liên quan tới công việc, cuộc sống, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều theo nhu cầu của cơ thể. Đối với bệnh nhân đang bị tăng men gan cần nghỉ ngơi tuyệt đối, tạm nghỉ tập thể dục thể thao và tránh xa các căng thẳng, áp lực trong thời gian tăng men gan, uống thuốc và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ.

Để tăng cường phòng, chống bệnh viêm gan virus, Bộ Y tế đang dự thảo hướng dẫn điều trị viêm gan virus B năm 2019 cho các nhân viên y tế. Hướng dẫn này sẽ có vài điểm mới thay đổi và cập nhật hơn so với hướng dẫn năm 2014 về chỉ định điều trị, các thuốc điều trị và thời gian điều trị. Do tỷ lệ kháng của một số thuốc kháng virus như lamivudine, adefovirs cao, nên hướng dẫn mới năm 2019 sẽ loại bỏ 2 thuốc này trong chỉ định điều trị đầu tay viêm gan virus B mạn. Thay vào đó, hướng dẫn mới cũng có những đề cập chi tiết và cụ thể hơn về vấn đề dự phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con, giúp cho các nhân viên y tế dễ dàng áp dụng trong quá trình khám và điều trị cho người bệnh.

Như vậy để ngăn ngừa, đẩy lùi virus viêm gan, người dân nên chủ động sàng lọc sớm để có hướng điều trị kịp thời trước khi quá muộn. GS. TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương - nhấn mạnh: Người dân muốn biết mình có mắc bệnh hay không thì chỉ có cách xét nghiệm sàng lọc viêm gan, chứ không phải chờ đến khi có biểu hiện vàng mắt, vàng da, bụng trướng mới vào viện, lúc này bệnh đã vào giai đoạn muộn.

Xuân Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/viem-gan-sat-thu-tham-lang-tintuc443218