Việc xử phạt còn khó khăn và nan giải

Chuyện dễ dàng thỏa hiệp với hàng giả, hàng nhái của NTD cũng chính là một trong những nguyên nhân để nạn hàng giả, hàng nhái có dấu hiệu ngày càng tăng trên thị trường Việt Nam.

Có lẽ chẳng có nơi đâu mua được một món đồ “hàng hiệu” dễ dàng và rẻ mạt như ở Việt Nam. Một chiếc thắt lưng với logo của Gucci, Chanel, Louis Vuitton… có giá vài trăn nghìn đồng, thậm chí vài chục nghìn đồng nếu mua ở ngoài chợ, một chiếc túi xách Hermes, Dior… sang chảnh cũng chỉ có giá từ 600 – 700 nghìn đồng đến 1 – 2 triệu đồng nếu biết vào các shop không hiếm trên các phố. Và tất nhiên, nước hoa, son, phấn… lại càng nhiều với vô vàn giá cả ở các shop bày bán công khai lẫn các shop chuyên bán online trên mạng xã hội. Thượng vàng hạ cám… tất cả đều có thể mua, có thể bán tại Việt Nam. Miễn là người mua có nhu cầu và người bán đủ “gan” làm giàu.

Tất nhiên, khi mua những đồ “hàng hiệu” rẻ mạt đó, hầu hết mọi người đều biết đó là hàng nhái, hàng giả mà nói như những chị em chuyên dùng đồ loại này là hàng “fake”. Và hàng fake cũng được phân thành nhiều loại tương đương với chất lượng và giá tiền. Ví như hàng super fake, fake 1, fake 2… và fake n. Trong đó, hàng super fake được làm rất tinh vi, từ chất liệu đến bao bì, thậm chí có đủ hộp, mã vạch… mà theo những người bán hàng trong nghề này thì hầu như rất ít người phân biệt được.

Các sản phẩm hàng giả, hàng nhái bị thu giữ. Ảnh: Tổng cục Thị trường

Các sản phẩm hàng giả, hàng nhái bị thu giữ. Ảnh: Tổng cục Thị trường

Tuy nhiên, cũng không ít người bỏ tiền tưởng là mua hàng thật nhưng thực tế lại là hàng nhái với chiêu bài của người bán. Các chiêu bài xả hàng để trả mặt bằng, bán rẻ thu hồi vốn để chuyển công việc khác, hoặc đơn giản là do vận chuyển nên hàng móp, méo… nên bán thanh lý. Chiêu bài này thường dụ được những người cả tin, hoặc những khách hàng không thực sự tinh ý về sản phẩm.

Cũng có nhiều trường hợp đã vào tận showroom, đến tận các trung tâm lớn nhưng vẫn mua phải… hàng giả. Đây không phải là trường hợp hiếm ở Việt Nam.

Mới đây, tiếp tục thực hiện Kế hoạch 3972 về đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020 của Tổng cục QLTT, đặc biệt tại các điểm nóng nổi cộm cả nước trong đó có địa bàn Hà Nội, qua đó đã phát hiện rất nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn.

Ngày 21-5, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra đột xuất tại 7 điểm "nóng" về nghi ngờ bày bán hàng hóa giả mạo các thương hiệu uy tín, nổi tiếng tại Hàng Ngang, Hàng Điếu, Hàng Bông, Hàng Cân, Hai Bà Trưng, Hàng Cá, Hàng Đường, phố cổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện và tạm giữ 2.373 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng và hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, tình trạng gian lận nhãn mác, giả mạo thương hiệu mặc dù được lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ bằng nhiều hình thức nhưng vẫn gia tăng. Các đối tượng không chỉ làm giả hàng hóa thương hiệu nước ngoài mà còn làm giả rất nhiều nhãn hàng trong nước có uy tín. Theo một vị của Tổng cục, thì việc xử phạt đôi khi rất khó khăn và nan giải. Vì có nhiều hàng hóa chỉ nhìn vào mắt thường là biết hàng giả nhưng thiếu tài liệu, chứng cứ để chứng minh về hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, mạo nhãn hiệu theo pháp luật hiện hành.

Ngoài việc bị thu giữ và xử phạt, theo luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn luật sư Hà Nội, theo quy định pháp luật, người nào vì mục đích kinh doanh mà cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý) và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng". Hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" theo khoản 2 Điều 226 của Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo quy định nói trên thì trường hợp làm giả hàng hóa mang nhãn hiệu (đã đăng ký) gây thiệt hại 500 triệu đồng cho chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng". Người phạm tội có thể bị phạt tù tối đa đến 3 năm và phải bồi thường toàn bộ các thiệt hại đã gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu.

Quy định, luật và các chế tài đã có. Tuy nhiên việc hàng nhái, hàng giả vẫn diễn ra gần như công khai. Vậy nên, để kiểm soát hiệu quả thị trường hàng hóa, trấn áp được các hàng hóa vi phạm, thiết nghĩ bên cạnh sự nỗ lực của các lực lượng chuyên trách cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan liên quan. Đồng thời, cả từ chính những người dân đang mua, bán ở thị trường này.

Gia Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/viec-xu-phat-con-kho-khan-va-nan-giai-194514.html