Việc xóa nợ cần thiết để giúp các nước nghèo nhất

Rõ ràng là một số quốc gia không có khả năng trả món nợ mà họ đã gánh.

Theo Reuters, đại dịch COVID-19 có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nợ ở một số quốc gia. Vì vậy, các nhà đầu tư phải sẵn sàng cung cấp một số hình thức cứu trợ có thể bao gồm hủy bỏ nợ.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho rằng: “Rõ ràng là một số quốc gia không có khả năng trả món nợ mà họ đã gánh. Do đó, chúng tôi cũng phải giảm mức nợ. Điều này có thể được gọi là xóa nợ hoặc hủy bỏ”.

Theo ông David Malpass, “Điều quan trọng là số nợ phải giảm bằng cách tái cấu trúc”. Theo đó, các bước tương tự có thể được áp dụng như trong các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây. Cụ thể, ở Mỹ Latinh với sáng kiến HIPC dành cho các quốc gia mắc nợ cao trong những năm 1990.

Vào tháng trước, các nước giàu đã ủng hộ việc gia hạn Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ (DSSI) của G20, được phê duyệt hồi tháng 4 để giúp các quốc gia đang phát triển sống sót sau đại dịch COVID-19.

Nhóm quốc gia G20 vào tháng 4 đã đề nghị 73 quốc gia nghèo nhất thế giới đóng băng các khoản thanh toán dịch vụ nợ cho đến cuối năm 2020. Nguồn ảnh: Reuters.

Nhóm quốc gia G20 vào tháng 4 đã đề nghị 73 quốc gia nghèo nhất thế giới đóng băng các khoản thanh toán dịch vụ nợ cho đến cuối năm 2020. Nguồn ảnh: Reuters.

Sáng kiến DSSI đã giúp 43 trong số 73 quốc gia đủ điều kiện trì hoãn 5 tỉ USD thanh toán nợ khu vực chính thức. Theo Ngân hàng Thế giới, Pakistan là nước được hưởng lời nhiều nhất tính theo USD từ DSSI, với khả năng tiết kiệm được 2,7 tỉ USD hoặc 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Liên quan đến quy mô kinh tế, Bhutan sẽ nhận thấy tác động tích cực lớn nhất từ việc tạm hoãn nợ, với khoản tiết kiệm được là 206,5 triệu USD hoặc 8,4% GDP.

Tuy nhiên, việc thực hiện khoanh nợ gặp nhiều thách thức, vì COVID-19 đã tác động đặc biệt vào các nước nghèo nhất, gây ra những lời kêu gọi gia hạn chương trình.

Lệnh cấm thanh toán nợ hiện tại là quá nông để đưa ra ánh sáng ở cuối đường hầm nợ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới sẽ xem xét các bước bổ sung về nợ để giải phóng nguồn lực tại các cuộc họp thường niên của họ.

Mặc dù, IMF đã lập luận ủng hộ việc kéo dài thời hạn cuối năm của chương trình xóa nợ thêm một năm đến năm 2021, các bộ trưởng G7 vẫn có khả năng lùi thời hạn gia hạn ban đầu là 6 tháng.

Sự ủng hộ của các bộ trưởng tài chính G7 đối với việc gia hạn lệnh cấm nợ đến tháng 6.2021 sẽ giúp tạo thuận lợi cho việc đưa ra quyết định của nhóm G20.

Thực tế, tính bền vững nợ dài hạn của các quốc gia nghèo nhất đã bị ảnh hưởng bởi mức nợ cao ngay cả trước khi đại dịch xảy ra.

Trong bối cảnh cảnh báo đại dịch có thể đẩy 100 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đã tiếp tục kêu gọi các ngân hàng tư nhân và quỹ đầu tư tham gia vào sáng kiến xóa nợ.

Ông David Malpass chia sẻ: “Các nhà đầu tư này làm chưa đủ và tôi thất vọng với họ. Ngoài ra, một số ngân hàng lớn của Trung Quốc cũng đã không tham gia đủ".

Theo ông Malpass, đại dịch có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nợ khác vì một số nước đang phát triển đã đi vào vòng xoáy đi xuống của tăng trưởng yếu hơn, dẫn đến rắc rối tài chính.

Vị Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nói thêm: “Thâm hụt ngân sách khổng lồ và các khoản thanh toán nợ đang áp đảo các nền kinh tế này. Ngoài ra, các ngân hàng ở đó đang gặp khó khăn do các khoản nợ xấu”.

Phùng Mỹ

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/viec-xoa-no-can-thiet-de-giup-cac-nuoc-ngheo-nhat-3337444/