Việc xây dựng Luật An ninh mạng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết

Ngày 19-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã có buổi tiếp xúc cử tri lực lượng vũ trang Quân khu 9 và TP Cần Thơ sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp gỡ các cử tri lực lượng vũ trang Quân khu 9.

Tại buổi tiếp xúc, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân đã báo cáo với cử tri về kết quả của Kỳ họp thứ 5 với nhiều nội dung quan trọng.

Các cử tri lực lượng vũ trang Quân khu 9 đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đồng thời nêu ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trong: Luật Quốc phòng sửa đổi, Luật An ninh mạng... Bên cạnh đó, các cử tri cũng đặc biệt quan tâm đến dự thảo Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.

Trước khi trả lời ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giới thiệu những thông tin mới nhất về Luật Quốc phòng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.

Liên quan đến vấn đề đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc xây dựng Luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, thể chế hóa chủ trương của Đảng về “xây dựng một số đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”. Dự thảo luật này nhằm xây dựng để định hướng, thực hiện những chính sách đặc thù, vượt trội phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng và lấy mô hình phát triển kinh tế bền vững tạo động lực phát triển đất nước, đặc biệt là giữ vững chủ quyền quốc gia. Đề cập đến Luật An ninh mạng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định tính cần thiết của luật để đảm bảo an ninh mạng quốc gia trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng; đồng thời Luật An ninh mạng ra đời không làm hạn chế quyền sử dụng mạng của người dân, phản bác lại quan điểm sai trái của một số phần tử kích động người dân trong thời gian gần đây.

* Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp tục có buổi tiếp xúc cử tri tại TP Cần Thơ.

Sau khi nghe báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cử tri bày tỏ mong muốn Chủ tịch Quốc hội thông tin rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật An ninh mạng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại TP Cần Thơ.

Trả lời ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại lời của Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint Peterburg: “Không gian mạng cũng chính là lĩnh vực chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, không khác gì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền không phận và chủ quyền lãnh hải. Hơn thế nữa, đây là không gian, nơi diễn ra những hành động thù địch không kém phần nguy hiểm so với các hành động thật ngoài đời. Bất cứ quốc gia nào cũng không thể xem thường vấn đề này”.

Chủ tịch Quốc hội cho biết: Việt Nam xếp thứ 100 trên thế giới và xếp vị trí “đội sổ” ở khu vực ASEAN về mức độ an ninh mạng thấp, dẫn tới những việc đáng tiếc. Trong năm 2017, các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng, gồm khoảng 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại và 4.500 cuộc tấn công thay đổi giao diện... Lỗ hổng mất an toàn ngày càng gia tăng, khoảng hơn 300%/năm khiến nguy cơ mất an toàn thông tin mạng gia tăng nhanh chóng khi bước vào Cách mạng công nghiệp 4.0.

“Trong bối cảnh như vậy thì việc Việt Nam xây dựng Luật An ninh mạng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để phòng ngừa, sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Những người lên tiếng phản đối áp dụng đạo luật của Việt Nam về an ninh mạng đang tiếp tay cho tình trạng kém an toàn của đất nước trong lĩnh vực an ninh mạng, điều này gây ra nguy cơ không chỉ cho chủ quyền không gian mạng, mà cho chính chủ quyền thực sự của đất nước. Theo thống kê, hiện đã có 18 quốc gia trên thế giới quy định phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước gồm: Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Australia, Indonesia, Hy Lạp, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil. Như vậy là thông lệ quốc tế đã có, chúng ta không phải là quốc gia đầu tiên áp dụng quy định này. Quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm, chính kiến trên không gian mạng không bị điều chỉnh bởi luật này...”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Tin, ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/viec-xay-dung-luat-an-ninh-mang-la-hoan-toan-dung-dan-va-can-thiet-541841