Việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển vùng đồng bào dân tộc có ý nghĩa sâu sắc

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định, các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua có ý nghĩa rất sâu sắc, có tác động tích cực, góp phần làm cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã thay đổi rõ rệt.

Quốc hội đã dành cả buổi sáng 1/11 để thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Qua ý kiến phát biểu thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội, hoàn toàn thống nhất với sự cần thiết xây dựng đề án theo tờ trình của Chính phủ; đánh giá cao Chính phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chuẩn bị công phu để trình Quốc hội một Đề án với nhiều nội dung lớn và rất khó.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định, thời gian qua Đảng và nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách. Đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi cũng đã rất nỗ lực và nhân dân cả nước luôn đồng hành chăm lo cho sự nghiệp phát triển của vùng này. Tuy nhiên, do đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của nước ta là vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn nên khó có thể theo kịp các vùng khác trong cả nước.

Từ thực tế đó, Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030 trình Quốc hội phê duyệt để triển khai là hoàn toàn hợp lý và đúng đắn.

Cũng nói về sự cần thiết xây dựng và ban hành Đề án, Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk), nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có 53 dân tộc là đồng bào dân tộc thiểu số và sống rải rác trong các vùng miền ở miền núi, biên giới và vùng trọng yếu về quốc phòng an ninh đối ngoại, nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có trên 14 triệu ha rừng đầu nguồn sinh thủy, đảm bảo nguồn nước cho các công trình thủy điện trọng điểm quốc gia, nguồn nước sinh hoạt cho vùng hạ lưu và đồng bằng. Đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu trên 3/4 diện tích vùng miền, lãnh thổ của Tổ quốc, trong đó có 1.957 xã và 20.176 thôn đặc biệt khó khăn của 51 tỉnh, thành phố và 548 huyện trên cả nước.

Mặc dù thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, ban hành 118 văn bản đề cập chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội ở vùng này, nhưng hiệu quả mang lại chưa đạt được như mong muốn. Đây cũng là vùng khó khăn nhất vẫn còn tồn tại 5 nhất so với cả nước, đó là: Điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận dịch vụ xã hội thấp nhất và tỉ lệ hộ nghèo cao nhất.

“Từ tình hình thực tiễn trên, việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết, nhằm thúc đẩy tốt hơn sự phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ ở vùng này, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở Việt Nam thời gian tới”, Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) nêu quan điểm.

Khẳng định về sự cần thiết cũng như ý nghĩa quan trọng của Đề án, Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) bày tỏ: “Tôi và cử tri đều phấn khởi vì lần đầu tiên Quốc hội thảo luận, ban hành Nghị quyết về Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đề án công phu, toàn diện, thể hiện sự đánh giá cao, sự quan tâm, tri ân to lớn của Đảng và Nhà nước với vùng đặc biệt quan trọng này như Hiến pháp đã khẳng định”.

Đồng tình với nhiều ý kiến trước đó về sự cần thiết xây dựng Đề án, Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) nhấn mạnh, từ thực tế trong những năm qua cho thấy, Đảng và Nhà nước luôn xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí, tầm quan trọng chiến lược về chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó, có sự quan tâm đặc biệt, việc ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả to lớn trên các lĩnh vực, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện rõ rệt, niềm tin của đồng bào nhân dân các dân tộc vào đường lối lãnh đạo, đổi mới của Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường. Khối đại đoàn kết các dân tộc được chăm lo, xây dựng vững chắc…

Bày tỏ đồng tình cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhấn mạnh Đề án đã được chuẩn bị một cách bài bản, công phu, nghiêm túc và bảo đảm lộ trình, xác định rõ mục tiêu, giải pháp, thể hiện ở 8 dự án thành phần. Đại biểu Hoa tin tưởng và hy vọng khi “Đề án này được phê duyệt sẽ tạo được sự chuyển biến lớn trong đầu tư có tính chất chiến lược cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Một số ý kiến đại biểu khác tin tưởng, Đề án khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần quan trọng đánh thức được tiềm năng, phát huy được lợi thế so sánh của vùng, giúp đồng bào khơi dậy được nội lực làm giàu, làm chủ chính trên mảnh đất của mình; thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với cả nước;…

Trong phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, với trách nhiệm của Quốc hội, hôm nay Quốc hội đã nhất trí cao về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về Đề án tổng thể này. Quốc hội cũng nhất trí cao giao Chính phủ thực thi điều hành có hướng dẫn, chỉ rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các bộ, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể để cùng chăm lo cho đồng bào và vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hàng năm có báo cáo Quốc hội, có sơ kết, tổng kết.

“Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, với tấm lòng yêu dân, thương dân, có trách nhiệm với dân, Quốc hội quyết định chính sách dân tộc theo đúng Hiến pháp và tin rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công Đề án quan trọng này của quốc gia”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu./.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/viec-xay-dung-de-an-tong-the-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-co-y-nghia-sau-sac/378818.vgp