'Việc xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết'

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khi nói về đề xuất hạn chế, cấm xe máy ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Chiều 28/3, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức buổi họp báo thường kỳ về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm quý II.

Giải pháp tốt đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Trả lời báo chí về quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải với đề xuất hạn chế, cấm xe máy ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: Việc hạn chế hay cấm phương tiện cá nhân như xe máy trong đô thị là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đi đôi với việc hạn chế hay cấm phương tiện cá nhân như xe máy, Nhà nước phải đáp ứng tốt nhu cầu vận tải công cộng và đáp ứng tốt việc kết nối các loại hình vận tải trong đô thị; kết nối tốt với giao thông tĩnh, kể cả những bến, bãi đỗ, gửi xe để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

“Ở nước ngoài thường có những bãi đỗ xe ngay khu trung tâm tàu điện ngầm hay tàu trên cao hoặc bãi xe buýt, để người dân có thể đi xe cá nhân (ô tô hoặc xe máy) tới gửi tại đó”, ông Ngọc cho hay và khẳng định các giải pháp nêu trên phải thực hiện đồng bộ với nhau mới đem lại hiệu quả.

Đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân tại các thành phố lớn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân tại các thành phố lớn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nêu ý kiến, trước mắt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thậm chí sau này đến các thành phố lớn khác cũng có nhu cầu hạn chế hoặc cấm xe máy. Do đó, việc xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết. Tuy nhiên, trong đề án sẽ phải xem xét đến tất cả các phương tiện và các phương thức đi lại để tổ chức giao thông, lộ trình áp dụng. Đây mới là điều quan trọng, để làm sao đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới xây dựng đề án, còn rất nhiều khâu phải làm như nghiên cứu, đánh giá. Quan điểm chung là phải xây dựng đề án và phải tổ chức giao thông với nhiều phương thức khác nhau, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc đảm bảo thuận tiện đi lại cho người dân…

Càng hạn chế xe máy sớm thì càng hạn chế được người bị chết do tai nạn giao thông...

Cũng ủng hộ đề xuất này, chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam khẳng định, hạn chế xe máy ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh càng sớm thì càng hạn chế được người bị chết do tai nạn giao thông, càng hạn chế ô nhiễm bụi mịn và các loại khí thải độc hại, đường phố bớt tắc, giao thông trật tự cũng như nạn cướp giật bằng xe máy càng sớm bị triệt tiêu…

Đồng thời, ông Nam cho rằng trong các thủ đô trên thế giới, Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có nền giao thông lạc hậu nhất, nơi hơn 80% người dân đi lại hằng ngày bằng xe máy (Hà Nội có 6 triệu chiếc).

“Ở đây, chúng ta cần nói với nhau về tầm nhìn. Đó là vài chục năm nữa, chúng ta muốn Hà Nội sẽ hiện đại, văn minh, an toàn như Singapore, Tokyo, Seoul, Bắc Kinh - những nơi người dân đi lại chủ yếu bằng giao thông công cộng (GTCC), hay nhộm nhạo như Bangkok, Manila, Jakarta - những nơi bạt ngàn xe máy?

Tôi không nghĩ nhiều người thích nhóm thứ hai (Bangkok, Manila, Jakarta). Tôi tin rằng đại đa số người dân thích nhóm thứ nhất (Singapore, Tokyo, Seoul, Bắc Kinh) hơn.

Nếu đúng vậy thì cần phải có lộ trình và các biện pháp giải quyết với 6 triệu chiếc xe máy đang có ở Hà Nội. Không thể hy vọng chúng tự biến mất mà không cần chính sách, biện pháp hành chính nào”, ông Nam nói.

Minh Vân

Bạn đang đọc bài viết “Việc xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết” tại chuyên mục Pháp luật của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/viec-xay-dung-de-an-han-che-phuong-tien-ca-nhan-la-can-thiet-147465.html