Việc tử tế

Chiều cuối năm, lướt facebook, rộn ràng không khí tết ấm cúng lan tỏa khắp nơi nơi.

Đại diện Ban Biên tập Báo Thanh Hóa trao tiền hỗ trợ từ Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo Thanh Hóa cho em Nguyễn Tất Minh và Ngô Văn Hiếu, huyện Triệu Sơn (tháng 9-2020). Ảnh: Việt Hương

Ghé qua tường cô bán thực phẩm sạch gần nhà. Đầy ắp hàng hóa với vô số các đơn đặt hàng. Tôi chợt chú ý đến dòng status của cô chủ: “Em đăng bài kêu gọi cả nhà ủng hộ, để mua cho con cái xe gắn máy đi lại...”. Cậu bé được cô gọi là con là một học sinh nghèo hiếu học. Bố bị ung thư đã mất, mẹ thì ốm yếu quanh năm. Vì gia cảnh khó khăn, nhà cách xa thành phố mấy chục ki-lô-mét, nên khi cậu đỗ vào trường chuyên, người mẹ định không cho theo học. Nhưng cậu bé đã quyết tâm, thuyết phục mẹ cho đi. Thương cậu bé vất vả trong việc đi lại, cô bán hàng và những người bạn thiện nguyện đã kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người để mua cho cậu 1 chiếc xe. Dưới dòng status của cô bán hàng, nhiều comment đã lên tiếng, danh sách người ủng hộ tiền mua xe cho cậu bé cứ dài thêm... Những yêu thương cho đi thật ấm áp. Mạng xã hội có thể là ảo, nhưng tình yêu thương là có thật. Có lẽ không chỉ cậu bé và gia đình sẽ đón tết này thật vui, mà những tấm lòng được chia sẻ, được đồng hành, được chứng kiến sự vươn lên mỗi ngày của cậu bé cũng thấy an yên hơn khi đón xuân sang, tết về.

Giữa dòng đời hối hả, giữa những bộn bề lo toan thường nhật, giữa những bon chen, tốt đẹp, xấu dở đang trộn lẫn, giữa những thông tin xấu độc phủ sóng trên các mạng xã hội hàng ngày, vẫn xuất hiện những việc làm tử tế. Sự tử tế làm ấm lòng người, như ánh lửa của lương tri, khơi dậy những giá trị nhân văn tốt đẹp, truyền cảm hứng sống đẹp cho cộng đồng.

Năm 2019, truyền thông và mạng xã hội đã “dậy sóng” khi đưa câu chuyện xin thoát nghèo của cụ bà Đỗ Thị Mơ ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Gõ vào mục tìm kiếm của google, chỉ trong 0,37 giây đã xuất hiện khoảng 2.660.000 kết quả cần tìm về cụ Mơ. Cụ Mơ trở nên nổi tiếng khi tự tay viết đơn và đạp xe lên UBND xã xin thoát khỏi hộ nghèo. Dù đã 83 tuổi, sống một mình trong căn nhà cấp 4 ở huyện miền núi, nhưng cụ muốn được thoát nghèo để nhường cơ hội cho những người mà cụ nói là khó khăn hơn cụ. Cụ bảo: “Cứ làm việc chân chính, sống có tình làng nghĩa xóm, thì dẫu mình có nghèo, người ta cũng không để mình phải nghèo”. Hành động đẹp của cụ bà Đỗ Thị Mơ đã nhanh chóng lan tỏa, khơi dậy cách sống đẹp trong xã hội.

Năm 2020, câu chuyện về tình bạn đẹp, đầy nhân ái như trong cổ tích của đôi bạn Ngô Văn Hiếu và Nguyễn Tất Minh ở xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) tiếp tục làm chao đảo mạng xã hội và truyền thông. Khi Hiếu tình nguyện làm “đôi chân” đưa Minh đến lớp, trong suốt 10 năm dài, em chỉ nghĩ đơn giản là cần làm và nên làm thế. Chính tình yêu thương của Hiếu đã tiếp thêm nghị lực và niềm tin cho Minh vượt qua muôn vàn khó khăn, để rồi đôi bạn đã khép lại tuổi học trò trong sáng, đẹp đẽ bằng một kết quả tuyệt vời, với thành tích học tập xuất sắc, cùng đỗ vào các trường đại học tốp đầu, khiến nhiều người phải thán phục và cảm động.

Trong khi đâu đó vẫn còn những lối ứng xử kém tử tế, những vô cảm, lệch lạc đạo đức ở một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng xã hội, làm xói mòn lòng tin của con người vào những giá trị nhân văn, tốt đẹp, thì việc tôn vinh, nhân rộng, lan tỏa và bồi đắp những hành động đẹp, cách sống đẹp hơn lúc nào hết cần được coi như một cách thức, một giải pháp hữu hiệu để mang lại những hiệu ứng tích cực cho xã hội.

Những việc tử tế bắt đầu từ những việc làm bình dị, như cơm ăn nước uống hằng ngày, như một nhu cầu tự thân của mỗi người, như mạch nguồn văn hóa, bền bỉ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự tử tế, cách sống đẹp hiển hiện ngay quanh chúng ta, trong mọi hành động, việc làm, chứ không ở đâu đó xa xôi. Đó có thể chỉ là suất cơm “bình dân” vun đầy của chị hàng cơm cho những người khách nghèo, là tấm vé xe buýt miễn phí cho em sinh viên chẳng may quên ví, trong túi hết tiền,... hay đó là những đồng tiền tiết kiệm từ nuôi lợn nhựa của các em nhỏ ủng hộ chống dịch COVID-19, là tấm lòng của cô gái khuyết tật học giỏi, tình nguyện mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ ở quê nhà, là sự quên mình của người lính phòng cháy, chữa cháy trong hiểm nguy đã nhường mặt nạ dưỡng khí của bản thân để cứu sống người dân...

Hãy đánh thức, khơi dậy trong mỗi người những xúc cảm nhân văn từ những nghĩa cử cao đẹp, cách sống đẹp; hãy chia sẻ, lan tỏa những yêu thương, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, truyền cảm hứng để cùng nhau xây dựng nên một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Hà Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/viec-tu-te/131474.htm