Việc thành lập Tổ bầu cử tại khu vực bỏ phiếu riêng thực hiện như thế nào?

Bạn đọc hỏi: Ở những đơn vị hành chính cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì việc thành lập Tổ bầu cử được thực hiện như thế nào?

Về vấn đề này, báo Tin tức xin thông tin như sau:

Ngoài đơn vị vũ trang nhân dân, tại các khu vực bỏ phiếu riêng khác như bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ 50 cử tri trở lên hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện, trại tạm giam (quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 11 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân) thì việc thành lập Tổ bầu cử vẫn do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện như đối với các khu vực bỏ phiếu thông thường khác.

Đối với các đơn vị hành chính cấp huyện không được chia thành các đơn vị hành chính cấp xã (ví dụ như tại một số huyện đảo) thì Ủy ban nhân dân cấp huyện sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...

V.T/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-ma-muon-mat/viec-thanh-lap-to-bau-cu-tai-khu-vuc-bo-phieu-rieng-thuc-hien-nhu-the-nao-20210421225142927.htm