Việc tái đề cử ứng viên vào ILC: Phát huy vai trò trong lĩnh vực luật pháp quốc tế

Việc tái đề cử ứng viên vào Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) thể hiện quyết tâm của Việt Nam nhằm tham gia đóng góp và định hình luật chơi tại các diễn đàn pháp lý đa phương.

Vừa qua, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ) và Geneva (Thụy Sỹ) đã gửi công hàm thông báo ứng cử của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao vào Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ nhiệm kỳ 2023-2027.

Công hàm này được gửi đến LHQ và các quốc gia, chính thức khởi động chiến dịch vận động tái tranh cử của thành viên Việt Nam vào cơ quan pháp lý quan trọng của LHQ.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao hiện là một trong 10 ứng cử viên thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bầu cử ILC dự kiến diễn ra tháng 11/2021 tại New York (Mỹ). Đại sứ Nguyễn Hồng Thao sẽ phải cạnh tranh với các ứng viên đến từ nhiều cường quốc khác.

Các thành viên ILC tham dự Khóa họp 70 tại Geneva (Thụy Sỹ) diễn ra từ ngày 2/7 đến 10/8/2018. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao (đứng giữa, đeo cà vạt đỏ) (Nguồn: TTXVN)

Các thành viên ILC tham dự Khóa họp 70 tại Geneva (Thụy Sỹ) diễn ra từ ngày 2/7 đến 10/8/2018. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao (đứng giữa, đeo cà vạt đỏ) (Nguồn: TTXVN)

Thành viên tích cực

Năm 2016, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao trở thành người Việt Nam đầu tiên trúng cử thành viên ILC. Bằng vốn kiến thức và kinh nghiệm phong phú, thành viên Việt Nam luôn tích cực tham dự, chủ động đóng góp vào tất cả các hoạt động của ILC trong nhiệm kỳ 2017-2022.

Trong năm kỷ niệm 70 năm thành lập Ủy ban, thành viên Việt Nam đã vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch thứ hai của ILC. Việc trở thành thành viên ILC, rồi lại giữ trọng trách Phó Chủ tịch của ILC không chỉ là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với cá nhân Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao mà còn cả đối với Việt Nam. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của cá nhân Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao cũng như Việt Nam trong suốt thời gian là thành viên của ILC kể từ khi trúng cử.

Trong các cuộc họp của ILC, thành viên Việt Nam luôn chủ động phát biểu, nội dung đóng góp thiết thực, phù hợp với xu thế chung của luật quốc tế và các nước trong Ủy ban VI, được các bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Năm 2020, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cũng hoàn thành báo cáo riêng về nước biển dâng và luật quốc tế trong khu vực châu Á-Thái Bình dương cho nhóm nghiên cứu “Tác động của mực nước biển dâng cao trong quan hệ với luật quốc tế” và đã được biểu dương, dẫn chiếu và trích đăng trong báo cáo của Nhóm trình ILC.

Đáng chú ý, tháng 11/2020, thành viên Việt Nam đã phát biểu tại sự kiện “Hệ quả pháp lý của dịch bệnh: đánh giá 10 tháng qua” (Legal implications of pandemics: A ten-month assessment) tại Ủy ban VI của LHQ. Sự kiện này chính là nền tảng để Việt Nam kiến nghị Đại hội đồng LHQ cân nhắc thông qua ngày 27/12 hàng năm thành Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, thành viên Việt Nam đã tích cực ủng hộ và vận động ILC đưa vào Chương trình làm việc dài hạn chủ đề “Mực nước biển dâng trong quan hệ với luật quốc tế” do đây là vấn đề mới phát sinh, có ý nghĩa sát sườn đối với các quốc gia ven biển, các nước đang phát triển hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và cần được nhìn nhận, quan tâm kịp thời.

Ngoài các đóng góp giá trị về chuyên môn, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã phát huy vai trò kết nối, xây đắp quan hệ giữa các thành viên ILC nhằm tăng cường, thúc đẩy sự trao đổi, giao lưu giữa giới nghiên cứu, thực hành luật quốc tế trong và ngoài nước.

Ủy ban luật pháp quốc tế (ILC) là cơ quan pháp lý của ĐHĐ LHQ, với mục đích thúc đẩy pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế thông qua nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia. ILC gồm 34 thành viên được 193 quốc gia thành viên LHQ bầu cho nhiệm kỳ năm năm trên cơ sở phân bổ về mặt địa lý, có năng lực và kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực luật quốc tế.

Khẳng định vị thế

Việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là cá nhân Việt Nam đầu tiên ứng cử và trúng cử vào ILC là một bước ngoặt quan trọng, góp phần vào nỗ lực khẳng định vị thế quốc tế của Việt Nam bởi ILC là cơ quan “đầu não” trong việc nghiên cứu các vấn đề pháp lý quan trọng, đưa ra khuyến nghị hoặc dự thảo các điều ước quốc tế để các quốc gia cân nhắc, thông qua.

Thông qua tham gia ILC, Việt Nam đã từng bước tham gia hoạt động của tổ chức, tìm hiểu các chủ đề quan tâm thảo luận tại Ủy ban VI LHQ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động nắm bắt các vấn đề luật pháp quốc tế, xây dựng được quan hệ tốt với các thành viên cũ và mới của ILC, các tổ chức quốc tế, tòa án, trọng tài quốc tế, qua đó góp phần thể hiện tiếng nói của các quốc gia đang phát triển đối với các vấn đề pháp lý quốc tế, cả truyền thống và phi truyền thống.

Việc thành viên Việt Nam hiện diện tại ILC phản ánh sự coi trọng của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, đồng thời là cơ hội để chuyên gia pháp lý Việt Nam tham gia định hình luật chơi trong giai đoạn mới, với việc thúc đẩy các vấn đề và quan điểm phù hợp với lợi ích các nước đang phát triển.

Đây cũng là bước đà để cộng đồng nghiên cứu, thực hành luật quốc tế ở Việt Nam phát triển lớn mạnh hơn nữa, tăng cường cơ hội tham gia đóng góp tại các diễn đàn pháp lý đa phương và xa hơn nữa, tại các cơ chế xét xử quốc tế như tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật Biển (ITLOS),...

Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, đối với tất cả các cơ quan pháp lý, tài phán quốc tế, tinh thần thượng tôn pháp luật là trên hết. Nhiệm vụ của Ủy ban luật quốc tế là pháp điển và phát triển luật quốc tế cũng đóng vai trò như vậy. Việc tái đề cử ứng viên tham gia Ủy ban này cho thấy chúng ta ngày càng mạnh dạn, tự tin, đủ sức, đủ tài và năng lực để gánh vác những trọng trách không chỉ đối với quốc gia mà cả tầm quốc tế.

THU TRANG

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viec-tai-de-cu-ung-vien-vao-ilc-phat-huy-vai-tro-trong-linh-vuc-luat-phap-quoc-te-138955.html