Việc sắp xếp tổ chức hội quần chúng đặc thù tại Hà Tĩnh đáng để các địa phương học tập

Chiều 24/10, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn tiếp, làm việc với Đoàn công tác liên ngành khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động nhân đạo và phong trào chữ thập đỏ tại Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An dẫn đầu.

Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền.

Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền.

Theo báo cáo, hiện tổ chức Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh có: Tỉnh hội, 13 hội cấp huyện và 262 hội cấp xã, 534 chi hội trường học, 6 chi hội cơ quan nhà nước. Tổng số hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên chữ thập đỏ toàn tỉnh là 203.934 người.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Mai Lê Thuộc báo cáo hoạt động nhân đạo và phong trào chữ thập đỏ thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Từ năm 2017 - 2019, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã tặng 158.748 suất quà, trị giá 64,4 tỷ đồng cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam; hỗ trợ học bổng cho 188 em học sinh nghèo học giỏi với trị giá hơn 1 tỷ/năm; sửa chữa và xây mới 70 Nhà nhân đạo, trị giá 2,9 tỷ đồng; tiếp nhận 16.457 đơn vị máu (trung bình 6.000 đơn vị máu/năm); khám chữa bệnh miễn phí cho 39.569 lượt người, trị giá 10,082 tỷ đồng; hỗ trợ phòng ngừa ứng phó với thiên tai, thảm họa trên 28,497 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Hải Đường, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Hà Tĩnh cần làm rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa XII), Kết luận 102-KL/TU của Bộ Chính trị, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã xây dựng phương án và ban hành Thông báo số 677 - TB/TU về sắp xếp, tổ chức các tổ chức hội quần chúng đặc thù hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh và cấp huyện vẫn giữ nguyên bộ máy. Hiện nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đang tham mưu thực hiện Đề án tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Hội Chữ thập đỏ từ 3 ban và văn phòng sắp xếp lại còn 1 ban và văn phòng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Quá trình thực hiện Luật hoạt động Chữ thập đỏ còn những hạn chế. Vì vậy, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần tham mưu Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật hoạt động Chữ thập đỏ hiện nay cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đối với tổ chức hội cấp xã: Hợp nhất Hội Chữ thập đỏ, Hội Người mù, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, Hội Người khuyết tật và trẻ mồ côi thành một hội mới lấy tên là: Hội Chữ thập đỏ - bảo trợ xã hội. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 217/262 xã, phường tiến hành sáp nhập Hội Chữ thập đỏ và các hội đặc thù (Các hội cấp xã còn lại chờ sáp nhập xong đơn vị hành chính cấp xã).

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh: Hoạt động hội các cấp hiện đang hoạt động manh mún. Công tác kêu gọi, vận động nguồn lực tại cơ sở còn chồng chéo, hiệu quả còn thấp.

Tuy nhiên, hoạt động Hội Chữ thập đỏ chưa đồng đều trên các nội dung, một số nội dung hoạt động còn yếu. Công tác phát triển tổ chức Hội Chữ thập đỏ trong các cơ quan, đơn vị, trường học còn nhiều khó khăn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, chủ trương của lãnh đạo của tỉnh về công tác tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế trong hệ thống Hội Chữ thập đỏ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận 102-KL/TW, Hà Tĩnh đã tổ chức thực hiện việc sắp xếp, tổ chức hội quần chúng đặc thù hoạt động trên địa bàn tỉnh hoàn toàn đúng, tuy nhiên thể chế hóa để thực hiện còn gặp khó khăn.

Đối với Hà Tĩnh, để thực hiện sắp xếp, tổ chức hội quần chúng đặc thù, tỉnh đã thực hiện sáp nhập các tổ chức hội từ cấp xã. Điều lệ một số hội quy định hội viên là tự nguyện vì vậy trong thực hiện vẫn còn những khó khăn nhất định.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, trong công tác hoạt động hội cần phải xác định nhóm đối tượng nào để đảm bảo sự bảo trợ của nhà nước, đồng thời đối tượng nào là đối tượng chủ yếu nhà nước phải bảo trợ lâu dài và tổ chức bảo trợ thì được lựa chọn để trở thành tổ chức nòng cốt, cầu nối.

Từ thực tiễn của Hà Tĩnh trong việc hợp nhất các tổ chức hội, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đề nghị đoàn khảo sát cần tổng kết để tham mưu cho Ban Bí thư chỉ đạo hợp nhất các tổ chức hội xã hội có tính tương đồng, thống nhất về tổ chức, bộ máy từ Trung ương đến cơ sở, đảm bảo sự đồng bộ.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An đánh cao công tác hoạt động nhân đạo và phong trào Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đặc biệt, sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ quan Hội chữ thập đỏ các cấp vững mạnh.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng cho rằng, chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh về công tác tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế trong hệ thống Hội Chữ thập đỏ và việc thực sáp nhập các tổ chức Hội tại Hà Tĩnh là mô hình đáng để các địa phương nghiên cứu, học tập.

Nam Giang - Anh Tấn

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/doan-the/viec-sap-xep-to-chuc-hoi-quan-chung-dac-thu-tai-ha-tinh-dang-de-cac-dia-phuong-hoc-tap/181175.htm