Việc quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt chưa đạt hiệu quả cao, vì sao?

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, chuỗi cung ứng là một trong những hạt nhân quan trọng của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, việc quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt chưa đạt hiệu quả cao.

Chuỗi cung ứng là một hệ thống bao gồm các tổ chức, con người và các hoạt động, nguồn lực liên quan đến việc vận chuyển sản phẩm (hoặc dịch vụ) từ tay người cung cấp (hoặc nhà sản xuất) đến khách hàng (người tiêu dùng).

Chuỗi cung ứng toàn cầu không còn xa lạ với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi nền kinh tế Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cách đây 30 năm. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Việt mới chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng thứ cấp nên giá trị gia tăng không cao.

Hiện nay mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó con số này ở Thái Lan là hơn 30%, Malaysia là 46%, do vậy, doanh nghiệp Việt ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý.

Bên cạnh đó, việc “Quản trị chuỗi cung ứng" bao gồm hoạch định và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến tìm nguồn cung, mua hàng, sản xuất và tất cả các hoạt động quản trị logistics. Tuy nhiên tại Việt Nam, việc quản trị chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt chưa đạt hiệu quả cao.

 Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nguyên nhân của việc này có nhiều. Tuy nhiên, về cơ bản có 3 lý do chính.

Thứ nhất, nhận thức đầy đủ và hiểu biết về chuỗi cung ứng cả ở tầm các nhà hoạch định chính sách lẫn các chủ doanh nghiệp chưa đầy đủ.

Thứ hai, bản thân những nỗ lực của doanh nghiệp Việt để hoàn thiện, tối ưu hóa chuỗi cung ứng thường ít bài bản, thiếu chuyên nghiệp và thậm chí là được chăng hay chớ. Bản thân của sự thiếu chuyên nghiệp này khiến những nỗ lực của doanh nghiệp bị xói mòn, hư tổn. Chuỗi cung ứng không đơn giản chỉ là đối tác, là người cung ứng rồi việc mình cung ứng cho khách hàng, người tiêu dùng mà nó là sự tương tác của rất nhiều bên trong đó có văn hóa, công nghệ, kĩ năng...

“Thứ ba là chính sách. Chi phí logistics tại Việt Nam cao gấp đôi, gấp ba so với các nước có hoàn cảnh tương đồng do đó, Chính phủ đang nỗ lực, đặt trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh. Theo Ngân hàng thế giới, sắp tới sẽ có nghị quyết, chương trình hành động cắt giảm chi phí logistics doanh nghiệp”, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Chi phí logistics ở mức cao đang là một trong những nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể nâng cao sức cạnh tranh.

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics tại Việt Nam ước tính khoảng 16,8% GDP, trong khi theo báo cáo của Armstrong, chi phí này ở Thái Lan là 15% và Singapore 8,5%.

Hoàng Lê

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/viec-quan-tri-chuoi-cung-ung-cua-doanh-nghiep-viet-chua-dat-hieu-qua-cao-vi-sao-d148234.html