Việc nghĩa tình nơi biên cương Tổ quốc

Những năm qua, cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức, nhà hảo tâm, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La đã xây dựng các điểm trường, mở lớp học xóa mù chữ cho dân bản. Việc làm thiết thực này góp phần giúp thầy cô và học sinh ở nhiều trường học vơi bớt khó khăn, tình quân dân nơi biên giới thêm gắn bó.

Chung tay xây dựng điểm trường

Cách đây hơn 5 năm, cô giáo Cà Thị Tâm, Trường Mầm non Hoa Ban được điều động lên công tác tại điểm bản Đin Chí, xã Chiềng On, huyện Yên Châu (Sơn La). Điểm bản gần 50 học sinh nhưng chỉ có duy nhất 1 phòng học khoảng 20m2, chật chội, không có cả sân chơi. Thương các em nhỏ, cô Tâm báo cáo lãnh đạo nhà trường, xin nhường lại phòng ở của mình làm lớp học cho các con. Buổi tối chị sử dụng một góc nhỏ phòng học làm nơi ăn nghỉ của mình.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương phối hợp xây dựng khu vui chơi cho trẻ em.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương phối hợp xây dựng khu vui chơi cho trẻ em.

Đại tá Vũ Đức Tú, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Sơn La cho biết: Với mong muốn chia sẻ khó khăn với cô và trò nhà trường, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ kinh phí xây dựng phòng học và các công trình phụ trợ. Sau gần 2 tháng thi công, vừa qua điểm Trường Mầm non Hoa Ban tại bản Đin Chí, xã Chiềng On đã hoàn thành và được bàn giao cho nhà trường. Điểm trường được xây dựng với một phòng học cho học sinh diện tích 60m2; một phòng công vụ cho giáo viên diện tích 20m2; hai nhà vệ sinh và khu sinh hoạt, vui chơi cho học sinh, với nguồn kinh phí đầu tư hơn 250 triệu đồng. Cô giáo Đỗ Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban xúc động, chia sẻ: “Đây là sự giúp đỡ rất có ý nghĩa của BĐBP tỉnh và các tổ chức, cá nhân hảo tâm, góp phần giúp giáo viên và học sinh tháo gỡ khó khăn trong công tác giảng dạy, sinh hoạt”.

Cách xã Chiềng On không xa, Trường Mầm non bản Nong Đúc, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu có 28 em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số. Điểm trường chưa có lớp học riêng, hằng ngày các em vẫn phải học nhờ phòng học của trường tiểu học xã bên. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã vận động quyên góp và triển khai xây dựng: 1 nhà công vụ cho giáo viên, diện tích 30m2, 1 phòng ăn cho học sinh, diện tích 16m2, 2 nhà vệ sinh, diện tích 12m2, giúp cô và trò nhà trường yên tâm dạy và học. Hay mới đây, tận dụng những vật liệu tái chế như lốp xe, chai lọ, gạch ngói... cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương đã giúp điểm Trường Mầm non Hoa Hồng ở xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã xây dựng khu sân chơi ngoài trời bổ ích cho các em nhỏ...

Những lớp học nghĩa tình

Đến bản Huổi Pá, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp (Sơn La) hỏi về Trung úy QNCN Vàng Lao Lừ, nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lạn, bà con dân bản ai cũng biết và không hết lời ca ngợi. Cứ đều đặn vào các buổi chiều, buổi tối trong tuần, anh Lừ lại đến lớp dạy xóa mù chữ cho bà con tại nhà văn hóa bản. Mọi người gọi đây là lớp học "đặc biệt", bởi có 97 học sinh (chia làm 2 lớp) gồm nhiều lứa tuổi tham gia. Học viên ít tuổi nhất là 15 tuổi, học viên nhiều tuổi nhất đến 45 tuổi. Có học viên đang nuôi con nhỏ, đến giờ học bế cả con đến lớp học, có học sinh nhà xa hàng chục km cũng cặm cụi chăm chỉ bám lớp.

Trung úy QNCN Vàng Lao Lừ dạy xóa mù chữ cho dân bản.

Trung úy QNCN Vàng Lao Lừ cho biết: “Huổi Pá là bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Lạn. Mặc dù cách trung tâm xã chưa đến 20km, nhưng đường cấp phối, vượt qua nhiều đoạn suối, đèo dốc nên di chuyển bằng xe máy cũng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới đến bản”. Đời sống dân bản nghèo khó, kèm theo đó là tình trạng mù chữ đeo đẳng. Ngày 22-5-2020, Đồn Biên phòng Mường Lạn và Đồn Biên phòng Mường Lèo phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp khai giảng 2 lớp xóa mù chữ cho nhân dân 2 bản vùng cao biên giới là bản Huổi Áng, xã Mường Lèo và bản Huổi Pá, xã Mường Lạn.

Em Mùa Thị Dỉ ở bản Huổi Pá, xã Mường Lạn, cho biết: “Em là chị cả trong nhà đông con, ban ngày phải trông các em để bố mẹ lên nương nên không được đến trường. Khi biết có lớp xóa mù, em rất vui và đăng ký tham gia ngay, đến nay em đã biết đọc và viết. Em cảm ơn các chú bộ đội”. Điều dễ nhận thấy, qua lớp học này đã giúp dân bản dễ dàng tiếp thu các thông tin về xã hội; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, nhất là pháp luật về biên giới quốc gia, không bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo.

Đại tá Vũ Đức Tú cho biết thêm: “Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ giữ vững an ninh biên giới, phòng, chống dịch bệnh, BĐBP tỉnh phối hợp với địa phương tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới. Từ đầu năm đến nay, BĐBP tỉnh đã thực hiện hiệu quả nhiều chương trình như: Hũ gạo tình thương; nâng bước em đến trường; mô hình con nuôi đồn biên phòng... Nổi bật là tổ chức các lớp xóa mù chữ và xây dựng các điểm trường, khu vui chơi ngoài trời, giúp cô và trò ở các điểm trường vơi bớt khó khăn, yên tâm dạy và học, qua đó tình quân dân nơi biên cương của Tổ quốc thêm gắn bó”.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/viec-nghia-tinh-noi-bien-cuong-to-quoc-644631