Việc nên làm

Lại một trận cãi nhau to nữa xảy ra giữa gia đình ông Sáu và gia đình ông Có. Nhưng lần này có vẻ căng hơn, khi ông Sáu chính thức đưa đơn kiến nghị lên UBND xã đòi giải quyết dứt điểm việc gia đình ông Có nuôi hơn 100 con lợn, xả thải ra mương nước chung và lúc nào cũng nồng nặc mùi hôi thối, nhiều năm nay chưa chấm dứt. Trong khi đó, ông Có cho rằng, việc nuôi lợn của gia đình ông đã có từ lâu, trước nuôi ít, nay tăng đàn, trước nuôi thủ công, nay nuôi áp dụng theo công nghệ mới. Và, việc chăn nuôi của gia đình ông đã được xã chấp thuận.

Ngày hôm sau, một đoàn thanh tra liên ngành đã có mặt tại thôn và gia đình ông Có. Cán bộ xã cũng họp dân công khai, tuyên bố: địa phương đang trình lên huyện phương án chăn nuôi tập trung theo quy hoạch đã được duyệt; gia đình ông Có sẽ phải chấm dứt việc nuôi lợn đàn tại gia đình trong thời gian tới. Nhưng gia đình ông Có không chịu. Ông Có giải thích, gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng; việc đầu tư và quá trình chăn nuôi đều tuân thủ quy định của thôn, xã. Không có lý do gì buộc ông phải phá bỏ trại chăn nuôi để chuyển đến mãi đâu chăn nuôi tập trung.

Đúng lúc chuyện tưởng không có hồi kết thì con trai ông Có, công tác trên thành phố về quê ăn giỗ. Anh giải thích với bố mình:

- Việc chấm dứt nuôi lợn quy mô theo đàn trong các hộ dân đã có quy định rồi bố ơi. Mình phải tuân thủ thôi.

- Luật nào? Bao lâu nay, gia đình mình vẫn nuôi có sao đâu - ông Có hậm hực.

Con trai ông Có rút trong cặp ra một tập văn bản, trong đó có Luật Chăn nuôi, mới được Quốc hội thông qua. Anh rành rẽ với bố: Luật Chăn nuôi có nhiều điểm mới, trong đó, đáng chú ý là những ưu đãi về chính sách đầu tư. Trước kia, bất cứ tổ chức, cá nhân nào có đất, có vốn và bảo đảm yếu tố môi trường là có thể chăn nuôi. Nhưng nay, muốn mở trang trại chăn nuôi, người dân cần phải có giải pháp về môi trường. Các tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực chăn nuôi khi đáp ứng đủ yêu cầu mới được cấp phép. Điều này sẽ góp phần từng bước xóa bỏ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, nguyên nhân của rất nhiều vấn đề, nhất là ô nhiễm môi trường.

- Vậy, khi chấm dứt chăn nuôi tại gia, mình có được Nhà nước hỗ trợ gì không? - ông Có vẫn băn khoăn.

- Có chứ bố! Tới đây khi có văn bản hướng dẫn, Luật sẽ được cụ thể, trong đó bao gồm cả chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tuân thủ theo quy định. Gia đình mình vừa không bị thiệt thòi gì mà vấn đề ô nhiễm môi trường bấy lâu do chăn nuôi nhỏ lẻ, không đúng quy hoạch gây ra sẽ chấm dứt.

Hiểu ra, ông Có mừng lắm. Thôi thì, trong thời gian chờ đợi xã sắp xếp khu vực chăn nuôi mới, việc đầu tiên là sang xin lỗi ông Sáu và bà con hàng xóm, sau nữa sẽ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, vừa tốt cho gia đình, vừa lợi cho xã hội. Đúng là việc nên làm.

Minh Hoàng

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40662102-viec-nen-lam.html