Việc Mỹ nhất định phải làm nếu muốn chấm dứt đại dịch COVID-19

Thông điệp thiếu nhất quán về tính chất nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đã khiến số ca mắc bệnh tăng vọt trong tháng 6 ở phần lớn các bang ở Mỹ. Muốn chấm dứt đại dịch, các chuyên gia y tế cho rằng Mỹ cần phải thay đổi điều đó.

Theo tờ Politico, giới chức y tế Mỹ cảnh báo nước này có thể có tới 100.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày trong bối cảnh năng lực xét nghiệm sắp tới giới hạn và virus đang lây lan mất kiểm soát.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Nhà ga Trung tâm ở New York, Mỹ ngày 8/7. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Nhà ga Trung tâm ở New York, Mỹ ngày 8/7. Ảnh: THX/TTXVN

Sau nhiều tháng bác bỏ mối đe dọa của COVID-19, Nhà Trắng đã thay đổi quan điểm, kêu gọi người dân đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người. Tuy nhiên, không rõ người dân có lắng nghe không khi mà những điều họ nghe trong nhiều tháng qua chỉ là kế hoạch khôi phục kinh tế cũng như tranh cãi chính trị xung quanh mọi vấn đề dịch bệnh.

Các chuyên gia y tế cho biết thời gian để hành động đang cạn dần và nếu chính phủ muốn thay đổi tình hình dịch bệnh ở Mỹ, các quan chức cần đưa ra thông điệp rõ ràng, nhất quán. Họ cần thẳng thắn về những điều mà con người chưa biết về loại virus này, nhấn mạnh rằng vận mệnh của mọi người dân Mỹ đều liên quan tới nhau và họ cần phải đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên.

Ông Tom Inglesby, Giám đốc Trung tâm An ninh Sức khỏe thuộc Đại học Johns Hopkins, nhấn mạnh: “Lãnh đạo quốc gia - trong đó có tổng thống, phó tổng thống và các thống đốc - không nên chỉ nói về việc khuyến khích mọi người tuân thủ hướng dân y tế công cộng, họ cần phải làm gương bất kỳ khi nào có thể. Không thể nói rằng đó là lựa chọn cá nhân nữa. Điều quan trọng là bảo vệ mọi người xung quanh, nên thông điệp lựa chọn cá nhân không hề hợp lý”.

Ông Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế T.H. Chan thuộc Đại học Harvard, cho rằng bước đầu tiên mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump cần làm là cho phép các nhà khoa học lên tiếng.

Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) đã đột ngột dừng báo cáo thường kỳ về COVID-19 hồi tháng ba và chỉ tổ chức vài cuộc như vậy từ đó. Đội đặc nhiệm chống COVID-19 của Nhà Trắng cũng không còn phát biểu trước người dân toàn quốc hàng ngày trên truyền hình. Các cuộc họp riêng hàng ngày cũng giảm xuống còn hai lần mỗi tuần.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 bên ngoài một phòng khám ở New York, Mỹ, ngày 8/7. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, theo khảo sát, trên 80% người dân Mỹ tin tưởng các nhà khoa học y khoa và hơn 2/3 người Mỹ tin tưởng Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu ở Mỹ.

Theo ông Lipsitch, CDC và các chuyên gia y tế của chính phủ cần đứng trên tuyến đầu để trao đổi thông điệp với người dân hàng ngày. Những người không có năng lực về mặt khoa học không cần “chiếm sóng” khi truyền thông điệp.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trong vài tháng qua lại ngược lại. Tổng thống Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và các lãnh đạo chính trị khác đã thống lĩnh các cuộc đối thoại quốc gia về cách phòng chống virus. Thông thường, quan điểm của họ đối lập với các chuyên gia y tế của chính phủ.

Khi số ca mắc COVID-19 tăng vọt ở vùng đông nam trong tháng 6, Tổng thống Trump liên tục khẳng định số ca nhiễm mới là do xét nghiệm nhiều hơn. Tuần trước, khi các bệnh viện ở Texas và Arizona ở mức báo động vì có nhiều người nhập viện, ông Pence đã tìm cách nhấn mạnh rằng phần lớn ca mới là người trẻ tuổi. Ông cũng tham gia một cuộc vận động tranh cử trong một nhà thờ ở Dallas và bảo vệ quyết định tổ chức vận động tranh cử ở Arizona của Tổng thống Trump.

Ông Inglesby nói: “Hành động này gửi đi thông điệp rằng mọi thứ như vậy là ổn, nhưng thực tế thì không. Các lãnh đạo chính trị này biết thực tế nhưng họ vẫn tham gia các sự kiện và muốn nói rằng rủi ro thấp. Trong thực tế, rủi ro không hề thấp”.

Khi không có thông điệp rõ ràng từ cấp trên, các thống đốc tự đưa ra thông điệp của mình và cũng hỗn loạn, mâu thuẫn không kém.

Các quán bar ở Texas mở cửa trở lại hồi tháng 5, còn các quán bar ở Bắc Carolina vẫn đóng cửa. Các nhà thờ được mở cửa ở Florida nhưng không được mở ở Kentucky. New Jersey bắt buộc người dân đeo khẩu trang nhưng ở Oklahoma, đeo hay không thì tùy từng người.

Nhà Trắng đã tìm cách thay đổi trong hai tuần qua nhưng kết quả không mấy khả quan. Không lâu sau khi ông Pence nói người ta đang thổi phồng nỗi sợ, ông đã kêu gọi người trẻ tuổi cảnh giác hơn vì họ đang làm lây lan bệnh tật.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Trump ngày 8/7 nói với kênh Fox Business rằng ông sẽ đeo khẩu trang khi ông không thể giãn cách xã hội, tức là phù hợp với khuyến nghị của CDC. Tuy nhiên, từ đó tới nay, người ta mới chỉ thấy ông đeo khẩu trang một lần.

Trong họp báo hồi cuối tháng 5, Tổng thống Trump còn chỉ trích phóng viên Reuters vì đeo khẩu trang. Ông cũng chế giễu đối thủ Joe Biden khi ông này đeo khẩu trang.

Có bằng chứng cho thấy thái độ hoài nghi của Tổng thống ảnh hưởng tới hành vi của người dân. 3/4 người Dân chủ trả lời khảo sát của Pew gần đây nói rằng họ đeo khẩu trang phần lớn thời gian ở nơi công cộng, trong khi chỉ có 53% người Cộng hòa đeo khẩu trang.

Tiến sĩ Anthony Fauci phát biểu tại một sự kiện ở Washington, DC, Mỹ ngày 20/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tình hình nhiễu loạn như hiện nay, ông Jeffrey Shaman, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế công cộng Đại học Columbia, cho rằng trong thời gian tới, chính phủ cần làm tốt hơn nhiệm vụ đáp ứng kỳ vọng của người dân.

COVID-19 mới xuất hiện từ tháng 12/2019 và chúng ta ngày càng biết nhiều hơn về căn bệnh này, nhưng không có nghĩa là biết hết. Những người truyền thông điệp của Nhà Trắng cần khiêm tốn hơn và giải thích rõ về những điều giới khoa học còn chưa rõ. Để mỗi khi có thêm thông tin mới về dịch bệnh và cần thay đổi cách phản ứng, người dân không cảm thấy bị mất niềm tin.

Trước đây, người ta cho rằng người trẻ tuổi không gặp nguy hiểm nếu mắc bệnh này. Giờ đây, người trẻ với bệnh nền như tiểu đường, béo phì lại đang gặp nguy cơ cao. Khi đó, thông điệp cần thay đổi và cần được truyền tải phù hợp để không bị phản ứng tiêu cực.

Mặc dù việc đưa ra thông điệp đúng không bao giờ là quá muộn, nhưng các chuyên gia sợ rằng Mỹ đã lãng phí những gì đã đạt được trong tháng 5 và 6 – thời điểm số ca bệnh giảm và nền kinh tế dần hoạt động trở lại. Đó chính là thời điểm cần tăng cường cảnh giác nhưng mọi người lại chủ quan.

Hậu quả của những thông điệp bất nhất là những gì mà Mỹ đang chứng kiến: Ngày 8/7, Mỹ ghi nhận kỷ lục 61.848 ca mắc COVID-19 và 890 ca tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/viec-my-nhat-dinh-phai-lam-neu-muon-cham-dut-dai-dich-covid19-20200709102228676.htm