Việc làm - thách thức lớn của phụ nữ trong thời cách mạng 4.0

Tại hội thảo 'Doanh nghiệp nữ trong cách mạng công nghiệp 4.0' diễn ra ở Hà Nội sáng 18/10, trong phần tham luận của mình, các chuyên gia quốc tế cho rằng 'cách mạng 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ nâng cao vai trò về bình đẳng giới, kinh tế, địa vị xã hội... Tuy nhiên, cách mạng 4.0 cũng đang đặt phụ nữ trước thách thức lớn về vấn đề việc làm.

Hội thảo “Doanh nghiệp nữ trong cách mạng công nghiệp 4.0” do Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với TƯ Hội LHPN Việt Nam và Quỹ Khoa học công nghệ quốc gia tổ chức.

Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (trái), tại buổi Hội thảo

Hội thảo nhằm tăng cường trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn học thuật để thảo luận các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nữ, lao động nữ dưới tác động của cuộc “Cách mạng công nghiệp 4.0”, từ đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế về vấn đề này. Trong đó, tập trung vào 4 nhóm chủ đề chính là: Phát triển doanh nghiệp xã hội, phụ nữ khởi nghiệp và sáng tạo, giới trong lãnh đạo doanh nghiệp và lao động việc làm trong “Cách mạng 4.0”.

Các diễn giả đã trao đổi về những vấn đề liên quan đến vai trò của phụ nữ trong cuộc “Cách mạng công nghiệp 4.0” đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, một phần Châu Á; tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến Việt Nam nói chung và phụ nữ nói riêng. Đặc biệt, Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm tăng sự bất bình đẳng giới ra sao, phụ nữ có khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng như thế nào...

TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho rằng cách mạng 4.0 với những đặc trưng cơ bản như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, kết hợp giữa thế giới thực và ảo... đang và sẽ tác động sâu sắc, toàn diện đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Sự phát triển đội ngũ doanh nhân nữ trong bối cảnh bình thường đã khó, do đó trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ càng khó hơn vì nhiều rào cản từ gia đình và xã hội.

Nhìn nhận ở góc độ tích cực, TS Elizabeth Dewi - Đại học Parahyangan (Bandung, Indonesia) - cho rằng khái niệm “cách mạng 4.0” không phải là cái gì đó quá xa lạ, mà là những thứ giản đơn hằng ngày, trong đó có những lợi ích thiết thực như phụ nữ được tiếp cận thông tin đầy đủ về pháp luật, bình đẳng giới, thông tin kinh tế, chính trị, xã hội... Bà Elizabeth Dewi lấy dẫn chứng, tại Indonesia, theo báo cáo thống kê của nước này, có đến 33% phụ nữ từ 15 - 64 tuổi (tức khoảng 26 triệu người) bị lạm dụng tình dục và bạo hành. Tuy nhiên, khi một số vụ việc được phát hiện và bị chia sẻ, lên án công khai trên mạng xã hội đã tạo ra “sức mạnh vô hình” giúp các vụ bạo hành phụ nữ có xu hướng giảm xuống. Ở khía cạnh tích cực, Internet và mạng xã hội đang góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Trong một nghiên cứu định lượng cụ thể về mối quan hệ giữa phụ nữ với cách mạng 4.0 ở Blitar (Indonesia), ông Anugerah Yuka Asmara (Đại học Indonesia) cho biết, vấn đề việc làm đang trở thành thách thức lớn đối với phụ nữ tại đây trong bối cảnh cách mạng 4.0. Do đó, Chính phủ Indonesia đang tích cực triển khai các chính sách ưu tiên cho phụ nữ, khuyến khích phụ nữ theo đuổi các cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Trước đó, trong báo cáo về giới tính, công nghệ và tương lai của việc làm được công bố vào ngày 11/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo, sẽ có khoảng 11% lao động nữ trên thế giới trong độ tuổi lao động có nguy cơ bị thay thế bằng thiết bị tự động trong 2 thập niên tới.

Tuy nhiên, nhìn nhận lạc quan hơn, bà Mavis Mazhura (giữa), chuyên gia quốc tế độc lập về hành vi con người, lại khẳng định, vấn đề việc làm của phụ nữ trong thời đại cách mạng 4.0 thực ra cũng không có gì quá bi quan. “Những phụ nữ làm công việc kinh doanh thì tôi nghĩ công việc vẫn tiến triển tốt”, bà Mavis Mazhura nói. Cũng theo chuyên gia này, dù không tham gia các công việc xã hội hay ở các công ty, song công việc trong gia đình cũng như kinh tế gia đình vẫn là lãnh địa “bất khả xâm phạm” của phụ nữ, do đó sẽ khó có chuyện phụ nữ thực sự thất nghiệp.

H.Sơn

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/viec-lam-thach-thuc-lon-cua-phu-nu-trong-thoi-cach-mang-40-post50023.html