Việc làm ở đâu nếu không có khu vực tư nhân...

Một thời và kể cả bây giờ, khi giới thiệu con cái thành đạt, bố mẹ thường tự hào, cháu nó làm bên nhà nước. Nếu kinh tế tư nhân được thừa nhận một cách đàng hoàng thì mọi chuyện sẽ khác.

 Sửa giày dép vỉa hè - nghề mưu sinh của nhiều người. Ảnh: MINH DUY

Sửa giày dép vỉa hè - nghề mưu sinh của nhiều người. Ảnh: MINH DUY

Năm 1996, người viết đi với một chuyên gia kinh tế nước ngoài trên đường Trần Phú (Hà Nội), thấy một bác già ngồi bên lề đường với cái chai nhựa rỗng, bên cạnh là cái bơm xe. Anh hỏi tôi, ông ấy ngồi đó làm gì. À, ông ấy đang hành nghề vỉa hè. Ai đi xe máy bỗng dưng hết xăng, tấp vô hỏi là có ngay, chỉ tội giá gấp 2-3 lần so với mua ở cây xăng. Anh ngỡ ngàng, thế là Việt Nam có SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa), có kinh tế tư nhân, chỉ có điều thu nhập của vị bán xăng chui không đóng thuế.

Tôi bảo anh, kinh tế tư nhân nước tôi có từ lâu lắm rồi, từ thời chưa có hợp tác xã (HTX) nhưng rồi tất cả vào HTX, rồi èo uột. Sau thành tư nhân cũng bị hạn chế 1 sào và 5% cho mỗi người lao động. Nhà nước không bao cấp nổi nên dân đổ ra đường, sắm bàn uống nước chè, vài cái điếu cày cho cả làng hút chung, giờ thêm ghi đề hay bán xổ số. Kinh tế tư nhân dù muốn hay không vẫn len lỏi ở quốc gia này. Nhưng đi xa hơn, làm ăn lớn hơn quả là con đường còn rất dài, may mắn thì sinh ra được ứng dụng kiểu Skype của Estonia bán cho Microsoft với giá 8,5 tỉ đô la Mỹ.

“Chúng ta cần phát triển tối đa kinh tế tư nhân, vì đây chính là con em bạn bè của chúng ta, là gia đình của chúng ta, của xã hội chúng ta chứ còn ai khác mà lấn cấn, do dự”, đó là lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Giá như điều này được nêu ra và làm ngay từ mấy chục năm trước.

“Chúng ta cần phát triển tối đa kinh tế tư nhân, vì đây chính là con em bạn bè của chúng ta, là gia đình của chúng ta, của xã hội chúng ta chứ còn ai khác mà lấn cấn, do dự”.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Nhớ lại một ngày tháng 5-2001, tôi đi chuẩn bị máy chiếu, máy tính xách tay và trực để chuyển slide cho bà Nisha Agrawal, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB). Bà có bài giới thiệu về thành công xóa đói giảm nghèo tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Bà Agrawal nói, để tấn công nghèo đói, một khái niệm đa diện như người dân thiếu dịch vụ, không được học hành đến nơi đến chốn, không được hưởng chăm sóc sức khỏe đầy đủ, người ta dùng ba mũi nhọn: tạo cơ hội, đảm bảo công bằng và giảm khả năng dễ bị tổn thương. Để có ba mũi nhọn đó, phải thúc đẩy tăng số lượng doanh nghiệp phi nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua cải cách môi trường pháp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này phát triển.

Hồi đó (2001) nói đến tư nhân vẫn còn phải thận trọng nên chuyên gia Agrawal rất ý tứ khi giới thiệu với các vị đang học tại một trường mà sau này có thể thành lãnh đạo. Thực chất là lời khuyên phải phát triển kinh tế tư nhân, vì nếu không có “dân bán nước chè và thuốc lào” tham gia thì khó nhà nước nào bao sân tạo việc làm được.

Một năm sau, sếp của bà Agrawal là ông Andrew Steer, Giám đốc Quốc gia, cũng mang slide đi các nơi, trong đó có học viện này. Sau khi giới thiệu những thành tựu Việt Nam đạt được, vượt qua khủng hoảng Đông Á một cách ngoạn mục, anh đặt ra năm câu hỏi cho 10 năm tới (2000-2010): (1) Công ăn việc làm sinh ra từ đâu; (2) Việt Nam có nhìn thấy “việc làm” thông qua cải cách cấu trúc thể chế; (3) Việt Nam có thành công trong việc tái cơ cấu; (4) Liệu đầu tư công có đúng đắn và; (5) ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) Việt Nam có giúp cho sự cạnh tranh tốt hơn hay là rào cản cho phát triển. Hôm nay có lẽ năm câu hỏi này vẫn còn nguyên giá trị dù đã gần 20 năm.

Kinh tế tư nhân dù muốn hay không vẫn len lỏi ở quốc gia này. Nhưng đi xa hơn, làm ăn lớn hơn quả là con đường còn rất dài.

Là dân công nghệ thông tin (IT) lẽ ra tôi phải thích chủ đề ICT nhưng lại ấn tượng mãi trong lòng khi ông Steer phân tích về việc làm. Ông đưa ra số liệu năm 2000, số cán bộ công nhân viên làm việc trong khu vực nhà nước là 7 triệu (cơ quan nhà nước - 5 triệu và doanh nghiệp nhà nước - 2 triệu) và tới năm 2010 cũng sẽ là 7 triệu do thời đó đang có chính sách giảm biên chế, Nhà nước không thể phình ra. Trong khi đó, năm 2000 khu vực phi nhà nước (tư nhân) có 33 triệu lao động và tới năm 2010 dự đoán là 43 triệu do dân số tăng lên. Anh quay hỏi khán phòng, quí vị có biết 10 triệu tăng thêm này làm cho ai, nếu không phải là tư nhân?!

Người tham dự nhấp nhổm ghế. Có vị hỏi tôi, tay này hiểu Việt Nam như gián điệp, như nằm trong hệ thống chính trị.

Năm 2004, tôi sang Mỹ làm, gặp người Mỹ, được hỏi anh làm ở đâu. Dạ, ở WB, nghĩ là ghê lắm. Nhưng họ cười, tưởng anh làm cho tư nhân, WB na ná như chính phủ Mỹ, có gì là ghê. Khi đó tôi mới tìm hiểu và xem tất cả các ngành nghề ở Mỹ thì tư nhân “đè nát” nhà nước.

Kinh tế Mỹ không là gì nếu không có tư nhân và điều đó đúng ở mức toàn cầu. Nhiều kinh tế gia quốc tế đã chỉ ra không chỉ một lần, không chỉ 20 năm trước. Ở Việt Nam, có thời nhà nước cho phép thì tư nhân mới được làm. Từ khi có Luật Doanh nghiệp mới, tư nhân được làm những gì luật pháp không cấm, đó là một bước tiến lớn nhưng vẫn còn đi kèm với các điều kiện kinh doanh.

Đã là doanh nghiệp thì phải bình đẳng dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, dù là hộ gia đình vài người hay nhà máy hàng chục ngàn người, cùng chia sẻ tài nguyên chung của đất nước, tạo việc làm, thu lời và có trách nhiệm đóng thuế như nhau.

Ba mũi nhọn tấn công vào nghèo đói là tạo cơ hội, đảm bảo công bằng và giảm khả năng dễ bị tổn thương, thì tư nhân và nhà nước đều có thể song hành. Không hiểu năm xưa nghe ông Andrew Steer và bà Nisha Agrawal, có ai trong hội trường lúc đó và hiện đang giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước còn nhớ những triết lý về tư nhân và tạo việc làm.

Cuối cùng Nhà nước đã nhìn ra vai trò của kinh tế tư nhân, đương nhiên không phải là cơ sở nhỏ tin hin của ông bán xăng chui hay quầy bán trà đá vỉa hè với mấy cái điếu cày cho cả xóm hút chung. Kinh tế tư nhân là cái gì đó rộng và chiến lược đòi hỏi một tầm nhìn hơn thế, thừa nhận vai trò của kinh tế tư nhân mà mất thời gian xuyên thế kỷ quả là quá dài.

Hiệu Minh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289423/viec-lam-o-dau-neu-khong-co-khu-vuc-tu-nhan-.html