Việc Google và Facebook 'phản đòn' Australia: Lỗi tại ai?

Việc Google và Facebook dọa ngừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm và tin tức tại Australia đã gây sốc toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có trách nhiệm gì trong sự việc này không?

Google và Facebook dọa sẽ ngừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm và tin tức tại Australia nếu Quốc hội Australia thông qua dự luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia. (Nguồn: SER)

Google và Facebook dọa sẽ ngừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm và tin tức tại Australia nếu Quốc hội Australia thông qua dự luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia. (Nguồn: SER)

Phản ứng trước đề xuất thương lượng truyền thông của Chính phủ Australia, Google và Facebook đã dọa ngừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm và tin tức của hai công ty này tại Australia. Điều này đã đặt ra những vấn đề liên quan đến phạm vi luật pháp quốc tế bảo vệ Australia khỏi những mối đe dọa đó.

Về vấn đề này, Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) hôm 16/2 đã đăng bài phân tích về sự liên quan của chính quyền Mỹ với hành động đe dọa dừng dịch vụ của Google và Facebook tại Australia, của hai đồng tác giả là các giáo sư Nicolas de Sadeleer thuộc Đại học St. Louis và Ivana Damjanovic thuộc Đại học Canberra.

Nguồn cơn của sự việc

Theo bài viết, Bộ quy tắc Thương lượng bắt buộc giữa các nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức do Chính phủ Australia đề xuất nhằm buộc các nhà cung cấp nền tảng kỹ thuật số phải trả tiền cho các hãng truyền thông địa phương tại Australia vì đã giới thiệu và liên kết nội dung tin tức của các nhà cung cấp này.

Những vấn đề tranh cãi chính của bộ quy tắc thuộc về bản chất của thương mại, qua đó giải quyết sự mất cân bằng khả năng thương lượng giữa các nền tảng kỹ thuật số và các công ty truyền thông. Tuy nhiên, về cơ bản, bộ quy tắc trên được xây dựng nhằm phục vụ lợi ích công cộng bằng cách tăng cường sức mạnh cho bên yếu hơn là truyền thông, và do đó sẽ bảo vệ giới phóng viên báo chí.

Tầm nhìn cơ bản của bộ quy tắc này là một xã hội trong đó lợi ích của các công dân không chỉ liên quan nội dung tin tức họ có thể và sẽ truy cập với tư cách là người sử dụng, mà còn cả nội dung họ nên truy cập với tư cách là những công dân có hiểu biết trong một nền dân chủ sôi động.

Với sức mạnh thị trường của các công ty công nghệ, bộ quy tắc dự kiến áp dụng cho cả công cụ tìm kiếm Google và Facebook Newsfeed, buộc những gã khổng lồ công nghệ này phải chia sẻ một phần lợi nhuận với các hãng truyền thông tại Australia.

Đối với cả Google và Facebook, bộ quy tắc này là nguyên nhân gây ra những mối lo sợ rằng việc luật hóa sắp tới có thể mở ra một “chiếc hộp Pandora” với những quy định tương tự của chính phủ về Internet tại các nước khác.

Để đối phó với bộ quy tắc mới, Google đã dọa sẽ ngừng cung cấp công cụ tìm kiếm ở Australia, trong khi Facebook cho biết sẽ chặn người dùng ở Australia đăng tải hoặc chia sẻ các liên kết đến tin tức của các hãng truyền thông nước này.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Các tập đoàn công nghệ có thể ngừng các hoạt động của họ nếu muốn. Trong những tình huống như vậy, luật sư của các công ty công nghệ chủ yếu quan tâm các vấn đề hợp đồng và luật cạnh tranh, chẳng hạn như các vấn đề về lạm dụng tầm ảnh hưởng.

Tuy nhiên, xét đến mức độ liên quan hiện tại của các công cụ tìm kiếm đối với an ninh quốc gia, câu hỏi đặt ra là liệu những lời đe dọa của các gã khổng lồ công nghệ về việc chặn các chức năng tìm kiếm của những công ty công nghệ tại Australia có thể làm phát sinh các vấn đề luật công ngoài các lợi ích thương mại của Google và Facebook hay không. Trong bối cảnh đó, cần cân nhắc về khả năng có sự liên quan về trách nhiệm quốc tế của Mỹ, nước có trụ sở của cả Google và Facebook.

Nguyên tắc mang tính then chốt trong luật công quốc tế, được đưa ra trong Dự thảo Điều khoản về Trách nhiệm của các quốc gia đối với các hành vi sai trái quốc tế năm 2001 là: Các quốc gia không bao giờ phải chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái của các cá nhân vì những hành vi này không thể quy cho các cơ quan công quyền.

Do Google và Facebook không phải là cơ quan nhà nước nên các hành vi của những công ty này không thể gán trách nhiệm cho nhà nước mà các công ty này đặt trụ sở. Tuy nhiên, các vấn đề trách nhiệm quốc gia có phần phức tạp hơn.

Theo thông lệ quốc tế ràng buộc cả Mỹ và Australia, một quốc gia có thể phải chịu trách nhiệm về một hành vi sai trái nếu hành vi đó có thể quy cho quốc gia theo luật quốc tế và nếu hành vi đó vi phạm nghĩa vụ quốc tế của quốc gia. Điều này đặt ra câu hỏi liệu các hoạt động của hai nền tảng kỹ thuật số tư nhân có thể được quy cho Mỹ hay không khi các cơ quan liên bang Mỹ kiểm soát các hoạt động của hai công ty này ở nước ngoài.

Cả Google và Facebook đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Luật an ninh của Mỹ yêu cầu Google và Facebook thường xuyên chuyển dữ liệu cá nhân liên quan được thu thập trực tuyến.

Đặc biệt, theo chương trình PRISM của NSA, còn được gọi là SIGAD US-984XN, thu thập thông tin liên lạc Internet được lưu trữ dựa trên các yêu cầu của NSA đối với các công ty Internet như Facebook nhằm hỗ trợ ngăn chặn các hoạt động của chủ nghĩa khủng bố.

Vấn đề tiếp theo là liệu Google và Facebook có nên được coi là hành động thay mặt cho nước Mỹ hay không. Nói cách khác, liệu hành vi của Google và Facebook có cấu thành “hành vi của nhà nước” vì các mục đích trách nhiệm quốc gia hay không? Theo nghĩa này, sự liên quan là một hành động của nhà nước có thể là chủ động hoặc bị động. Do đó, sự thiếu sót của các cơ quan công quyền cũng có thể cấu thành hành vi sai trái quốc tế của một nhà nước.

Theo đó, phải chăng việc chính phủ Mỹ né tránh hành động để ngăn chặn sự gián đoạn đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet chủ yếu ở Australia là một hành động sai trái? Và nếu vậy, liệu Mỹ có phải chịu bất kỳ nghĩa vụ quốc tế nào trong việc ngăn chặn sự gián đoạn như vậy không, dù biết rằng sự gián đoạn đó có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Australia? Nếu câu trả lời là khẳng định, theo luật pháp quốc tế, Mỹ có thể phải chịu trách nhiệm vì đã không ngăn chặn hành động này.

Để trả lời câu hỏi trên, cần đánh giá xem liệu Mỹ có nghĩa vụ quốc tế cụ thể nào trong việc ngăn chặn các hành vi của các công ty tư nhân có hoạt động dưới sự kiểm soát của chính phủ Mỹ hay không, vì việc bỏ sót ngăn chặn trong trường hợp này có thể gây nguy hiểm cho an ninh của một quốc gia nước ngoài, ở đây là Australia. Đối với đánh giá này, cần xem xét nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế, đặc biệt là các nghĩa vụ trong lĩnh vực hợp tác an ninh.

Bộ quy tắc Thương lượng bắt buộc giữa các nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức do Chính phủ Australia đề xuất nhằm buộc các nhà cung cấp nền tảng kỹ thuật số phải trả tiền cho các hãng truyền thông địa phương tại Australia. (Nguồn: WIRED)

Hệ lụy về an ninh

Australia và Mỹ có ràng buộc bởi các nghĩa vụ cụ thể bắt nguồn từ Hiệp ước An ninh quân sự Australia-New Zealand-Mỹ (ANZUS) năm 1951. Hiệp ước này thiết lập hợp tác và phòng thủ chống lại các mối đe dọa an ninh, bao gồm cả chủ nghĩa khủng bố.

Theo hiệp ước, “các bên có nghĩa vụ riêng và chung bằng các biện pháp tự lực và hỗ trợ lẫn nhau liên tục và hiệu quả” nhằm “duy trì và phát triển năng lực cá nhân và tập thể để chống lại cuộc tấn công vũ trang”. Hơn nữa, các bên ký ANZUS đã đồng ý tham vấn lẫn nhau bất cứ khi nào, theo ý kiến của bất kỳ bên nào, về tính toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của bất kỳ bên nào bị đe dọa ở Thái Bình Dương.

Tóm lại, Hiệp ước ANZUS nhấn mạnh hợp tác giữa các quốc gia thành viên để tăng cường an ninh quân sự. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu nhà chức trách Australia có phải đối mặt với những trở ngại lớn về an ninh nếu Google và Facebook ngừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm và tin tức tại Australia hay không?

Lịch sử (không tính đến vụ khủng bố 11/9) đã cho thấy các dịch vụ Internet đã được các mạng lưới khủng bố sử dụng rộng rãi để đe dọa các quốc gia phương Tây. Hoàn toàn có cơ sở để lo ngại về nguy hại trong việc hạn chế các hoạt động giám sát khủng bố thông qua Internet sẽ bị ảnh hưởng bởi việc ngừng đột ngột các công cụ tìm kiếm.

Nhà chức trách Mỹ có thể tuyên bố rằng có những lựa chọn thay thế cho Google và Facebook, bởi thực tế là dịch vụ của các công ty công nghệ này không phải là duy nhất trên thế giới. Tuy nhiên, rõ ràng các nhà cung cấp khác không hiệu quả bằng Google và Facebook, khi Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) cho biết Google được sử dụng cho khoảng 95% hoạt động tìm kiếm trên Internet tại Australia.

Vấn đề là bất cứ khi nào xảy ra sự gián đoạn lớn của các dịch vụ Internet do các công ty Mỹ cung cấp có thể gây nguy hiểm cho an ninh của Khối thịnh vượng chung mà Australia là một quốc gia thành viên trong cuộc chiến chống khủng bố, chính phủ Mỹ sẽ phải có nghĩa vụ theo thông lệ quốc tế cũng như Hiệp ước ANZUS để ngăn chặn rủi ro đó.

Trên cơ sở này, trong các tình huống như vậy, việc nhà chức trách Mỹ tắc trách bỏ qua các nhà cung cấp dịch vụ trên Internet có thể dẫn đến trách nhiệm quốc tế của Mỹ. Do đó, rõ ràng bộ quy tắc thương lượng trên đã có những tác động ảnh hưởng bên cạnh việc xem xét sự mất cân bằng thị trường đơn thuần giữa các nền tảng kỹ thuật số và các hãng truyền thông ở Australia.

(theo AIIA)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viec-google-va-facebook-phan-don-australia-loi-tai-ai-137045.html