Việc gì cũng phải từ dễ dần đến khó…

Khái niệm 'Nghĩ việc lớn, làm từ việc nhỏ' không hề mới mẻ trong đời sống, mà từ lâu đã trở thành một trong những nguyên tắc căn bản của thanh niên và nhiều tầng lớp khác trên đường đi đến thành công.

Think big, do (hoặc act) small hay Think globally, act locally (nghĩ việc toàn cầu, làm việc địa phương) lâu nay đã được xem là một phương châm trong cung cách làm ăn của nhiều nhà kinh tế, nhiều nhà hoạt động chính trị- xã hội trên thế giới.

Ngày 17.8.1947, trong thư gửi thanh niên, Bác Hồ kính yêu đã dặn dò: “... Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó...”. Chỉ đường cho thế hệ trẻ chuẩn bị tương lai, Bác dạy: “Tôi khuyên các bạn là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”.

Theo tinh thần chủ đề diễn đàn, có thể cảm nhận sâu sắc lời dạy của Bác; và dù có những câu chuyện khác nhau, có các lý lẽ bổ sung cho nhau, đa số trong hàng ngàn bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ đã xác định phương hướng xây dựng tương lai từ thấp đến cao, từ khởi sự việc nhỏ một cách chắc chắn, vững vàng để hướng tới và đạt được sự nghiệp lớn.

Trong nhiều tình huống, việc tưởng chừng là “nhỏ” mà bạn trẻ chúng ta làm cho cộng đồng lại có ý nghĩa lớn lao. Qua diễn đàn, nhiều tấm gương lập thân, lập nghiệp trong thanh niên và hiệu quả kinh tế - xã hội tại vùng đất họ sinh sống đã cho thấy điều đó. Trao đổi với Thanh Niên, một số doanh nhân trẻ, nhà khoa học trẻ nói rằng họ được thuyết phục bởi nhà kinh tế đoạt giải Nobel Hòa bình 2006, tiến sĩ Muhammad Yunus (Bangladesh). Nghĩ về chuyện xóa đói, giảm nghèo trên toàn thế giới, ông đã khởi đầu bằng Ngân hàng Grameen dành cho người nghèo tại quê hương ông, mà ở đó, chỉ cần vài mươi đô-la tiền tín dụng đã có thể làm đổi đời bao người. Mô hình tín dụng nhỏ của Grameen nay đã phát triển ra gần 30 quốc gia; thế giới có khoảng 168 bản sao của Grameen Bank tại 44 nước và trong hơn mười năm qua, nhiều người nghèo ở Việt Nam cũng nhận được các phương thức hỗ trợ từ ngân hàng này.

Quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế - văn hóa thế giới là điều kiện thuận lợi để mỗi người Việt trẻ rèn luyện trở thành công dân toàn cầu, hòa nhập với thị trường lao động thế giới. Trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ chính là những việc “nhỏ” cần đầu tư. Đã có nhiều ý kiến bạn đọc bổ sung thêm về tính chất hiện đại của việc nghĩ lớn, làm từ việc nhỏ trong thời đại thế giới phẳng ngày nay, khi mà, bạn trẻ ngoài việc think big, do small còn phải learn fast (học nhanh) nữa.

Đến với diễn đàn, phần lớn ý kiến nhất trí với việc người Việt trẻ ngày nay nên xây hoài bão lớn; khởi sự bằng cách hiểu sâu và làm kỹ từ những điều nhỏ - nhất là điều nhỏ có ý nghĩa lớn với cộng đồng, xã hội. Nói theo tiến sĩ Vũ Minh Khương (ĐH QG Singapore) là cần thiết giáo dục thanh niên làm việc nhỏ, bởi nếu chỉ hô hào những việc to tát, chung chung thì nền tảng sẽ bị rỗng. Tuy nhiên, làm việc nhỏ để nghiệm ra thông điệp lớn hơn mới là điều nên khuyến khích. Hoặc “Không thể là một chỉ huy giỏi nếu bạn không là chiến sĩ giỏi” (Nguyễn Quốc Dũng - Công ty CN và TB Mekong). Nhiều bạn đọc khác nhìn nhận cụ thể: để dân tộc ngày một văn minh nên phải thực hành các nguyên tắc ứng xử văn hóa đời thường; để góp phần phát triển kinh tế đất nước, địa phương mình thì phải tính chuyện từng bước làm giàu chính đáng cho bản thân mình.

Lại có ý kiến tưởng như trái chiều như: “Tôi khoái làm việc lớn”, nhưng thực ra vẫn mang ý tứ khuyến khích thanh niên có ước mơ, có sự mạo hiểm “xông ra biển lớn” với khát vọng “đổi đời và làm giàu cho đất nước”; suy cho cùng, việc thích làm việc lớn bao hàm trong “nghĩ việc lớn” vậy. Mặt khác, theo bạn đọc Mai Thu Huyền, không có việc chân chính nào là nhỏ bé cả. Để làm được việc lớn thì chắc chắn cần có phương pháp căn cơ, phù hợp, không đốt cháy giai đoạn, trung thực và nghiêm túc trong từng việc nhỏ theo cách “Hãy bước qua và đếm từng viên sỏi” - nhà báo Nguyễn Thế Thịnh. Nói cách khác, theo bạn đọc Nguyễn Tử Anh là “Điểm khác biệt giữa người thành công và chưa thành công là thái độ đối với những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt”, hoặc “từ những việc nhỏ sẽ có nhiều tích lũy để làm việc lớn trơn tru và ít mất thời gian hơn” - bạn đọc Lưu Phục Mậu. Hay với ý “Chưa biết đi, sao đòi chạy được”- bạn đọc Nguyễn Thị Hảo đã nói lên quan niệm lập nghiệp trên cơ sở tích lũy từng đồng vốn, thu nạp từng kinh nghiệm, từng bước tạo quy mô làm ăn lớn.

Điều gợi ý, có thể hiểu như một đề xuất cấp thiết của bạn đọc Nhã Thảo là “nghĩ việc lớn, làm từ việc nhỏ trong mọi mặt đời sống của thanh niên và trở thành một phần nhận thức của cả cộng đồng”. Bạn trẻ đi đầu, nhưng cộng đồng, các tầng lớp xã hội khác phải chia sẻ, ủng hộ, tạo điều kiện và cùng làm; nói như nhà thơ Thanh Thảo: “... Vấn đề ở đây là dành cho số đông kia, chứ không chỉ riêng cho một thiểu số ưu tú”.

Tạm kết diễn đàn này, chúng tôi cảm ơn đông đảo bạn đọc đã quan tâm, góp ý, tranh luận để có thể tìm được điểm chung trong nhận thức và hành động. Điều đáng nói ở đây là, với thế hệ người Việt trẻ vốn không thiếu khát vọng, hoài bão cho cuộc đời, sức lực và thời gian còn nhiều cho việc lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho đất nước thì “nghĩ việc lớn, làm từ việc nhỏ” là phương hướng để bạn khởi sự những bước đi, là cách để bạn khẳng định bản thân, chia sẻ trách nhiệm, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, sự phồn vinh của đất nước.

Chăm chút tô cháo tặng người nghèo

“Mỗi ngày, chùa Linh Sơn Thanh Nhàn phục vụ 90 suất cơm và khoảng 150 suất cháo cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện K - Hà Nội. Ngồi ở nhà, nhấc máy điện thoại, tôi và Phật tử có thể mua thực phẩm đồ ăn cho cả nghìn người. Nhưng từ khi mở bếp ăn từ thiện, hằng ngày chúng tôi vẫn thường thay nhau dậy sớm lên tận chợ đầu mối Long Biên mua đồ ăn, thực phẩm với giá gốc, tiết kiệm tối đa chi phí trung gian, nâng cao chất lượng suất ăn. Dậy sớm đi chợ chỉ là chuyện nhỏ, nhưng bù lại có thể giúp số tiền thực chi vào mỗi suất ăn cao hơn và mỗi phần cơm, tô cháo mang tặng người nghèo vì thế cũng ngon, chất lượng hơn”.

(Thích Nữ Như Hiền - Sư trụ trì chùa Linh Sơn Thanh Nhàn, Hà Nội)

Thực hiện ước mơ từ việc nhỏ

“Ngay từ hồi học năm thứ nhất ĐH, tôi luôn mơ đến ngày mình được giữ lại trường làm giảng viên. Để thực hiện điều này, tôi chia hành trình vươn tới ước mơ của mình bằng nhiều công việc cụ thể và quyết tâm thực hiện hiệu quả. Điểm số học tập không thể đảm bảo, giúp mình trở thành giảng viên. Ngoài việc chuyên cần học tập, tôi dành thời gian tham gia khóa học ngắn hạn về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng thuyết giảng, tham gia hoạt động Đoàn - Hội, trau dồi kỹ năng giao tiếp và tích lũy kinh nghiệm sống... Đã là người trẻ ai cũng có ước mơ. Tôi nghĩ rằng muốn thực hiện ước mơ đó, cần phải bắt đầu từ việc nhỏ. Việc càng nhỏ, càng cụ thể thì càng dễ làm. Thành công từ những việc nhỏ sẽ giúp bạn tích lũy sự tự tin, tinh thần hưng phấn trên con đường chinh phục ước mơ”.

(Trương Ngọc Kiểm - giảng viên trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội)

Giáo dục ý thức tiết kiệm

“Chúng ta vẫn hô hào người dân, doanh nghiệp hưởng ứng Giờ trái đất để tiết kiệm năng lượng, hay cùng nhau chống lại sự biến đổi khí hậu nhưng lại không chú ý đến giáo dục ý thức tiết kiệm trong cộng đồng từ những hành động cụ thể. Không nhất thiết phải ngắt điện rồi thắp nến trong nhà vào Giờ trái đất thì mới thể hiện được ý thức tiết kiệm năng lượng. Nếu mỗi người chịu khó rèn luyện thói quen tiết kiệm điện hằng ngày, hằng giờ bằng cách tắt bớt thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi phòng, hay bảo vệ, giữ gìn môi trường xung quanh thật sạch sẽ thì lợi ích tạo ra cho cộng đồng cũng không nhỏ tí nào”.

(Trịnh Công Thanh - Giám đốc Công ty con người và công nghệ VN).

Phan Hậu (ghi)

Thanh Niên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/viec-gi-cung-phai-tu-de-dan-den-kho-346728.html