Việc gắn mào cho xe công nghệ sẽ phiền phức và tốn thêm chi phí

Các chuyên gia và Hợp tác xã cho rằng việc gắn mào xe công nghệ gây phiền hà cho cả người tiêu dùng và đối tác tài xế. Đặc biệt kìm hãm sự phát triển kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Thủ tục rườm rà đi ngược với xu thế 4.0

Mặc dù đã trải qua 9 lần Bộ GTVT sửa đổi Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP) trình Chính phủ. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt ra, Dự thảo vẫn chưa xử lý được hai vấn đề gây tranh cãi là dịch vụ kết nối giữa lái xe và hành khách được phân loại là dịch vụ gì và xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng ứng dụng kết nối với hành khách qua thiết bị di động có cần phải gắn đèn taxi (gắn mào) trên nóc xe hay không.

Liên quan đến Dự thảo sửa đổi thời gian qua đã gây phản ứng gay gắt trong dư luận và đời sống của hàng nghìn tài xế công nghệ về quy định bắt buộc gắn mào taxi. Anh Vũ Minh Trí (SN 1976 ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) gắn bó với xe công nghệ từ những ngày đầu triển khai thí điểm tại Việt Nam bức xúc: “Xe của tài xế đầu tư nhưng chúng tôi hoạt động đúng theo quy định của Nhà nước và đóng thuế trên từng cuốc xe cao hơn taxi truyền thống. Cả xã hội đều thấy rõ và đánh giá xe công nghệ phục vụ chất lượng tốt, cước phí rẻ nên được hành khách lựa chọn sử dụng. Vậy tại sao phải quy định gắn mào vừa rườm rà và bất tiện. Chúng tôi chỉ mong muốn cơ quan có thẩm quyền giữ nguyên quy định quản lý xe công nghệ như hiện tại vừa đảm bảo được mức thu nhập cho tài xế vừa mang lại những tiện ích phục vụ cho người dân”.

Tài xế xe công nghệ cho rằng việc gắn mào sẽ phiền phức và tốn thêm chi phí, khiến người tiêu dùng phải chịu giá cước cao hơn

Tài xế xe công nghệ cho rằng việc gắn mào sẽ phiền phức và tốn thêm chi phí, khiến người tiêu dùng phải chịu giá cước cao hơn

Bà Nguyễn Mai Thảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách Nam Việt cho biết: “Theo khảo sát của hợp tác xã thì 100% các xã viên không đồng ý với Dự thảo quy định gắn mào xe công nghệ. Tài xế cho rằng xe họ bỏ tiền đầu tư nên việc gắn mào sẽ không còn là xe cá nhân nữa, việc gắn mào không thể tận dụng được quỹ thời gian rảnh rỗi của xe để kiếm thêm thu nhập, hơn nữa sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí khi đó cước phí tăng lên chính người tiêu dùng phải gánh chịu…”

Từ ngày xe công nghệ có mặt tại thị trường Việt Nam đã thu hút được lượng lớn xe nhàn rỗi tham gia hoạt động vận tải công cộng, tăng mức đóng thuế cho Nhà nước. Nếu quy định bắt buộc taxi công nghệ đeo mào số lượng tài xế nghỉ chạy rất nhiều khi đó khách đặt xe khó khăn vì lượng đầu xe giảm. Đặc biệt các Hợp tác xã sẽ không quản lý được việc khách bắt xe dọc đường chặt chém giá cước, bà Thảo quan ngại.

Không nên quản lý kìm hãm công nghệ phát triển

Thời gian vừa qua thị trường vận tải trong nước đã có những làn sóng chuyển mình khá thú vị, nhiều hãng xe taxi truyền thống chủ động chuyển qua kết nối ứng dụng công nghệ để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Điều đó có thể thấy rằng bản thân chính những người trong cuộc cũng dần thay đổi tư duy và quan điểm để phát triển theo xu hướng tất yếu của công nghệ và xã hội.

Nêu quan điểm ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Quang Đồng chuyên gia Chính sách công cho rằng: “Các ứng dụng kết nối xe công nghệ hiện nay là một phương thức sử dụng công nghệ kinh doanh, chứ không phải là kinh doanh vận tải. Tôi nhất trí với quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông rằng đây là mô hình kinh doanh mới, trong đó các công ty cung cấp một loại nền tảng công nghệ cho nhiều doanh nghiệp vận tải cùng tham gia, nhưng không tự sở hữu và vận hành một dịch vụ vận tải hoàn chỉnh.

Theo ông Đồng chuyện giải bài toán về các quy định đối với dịch vụ kết nối vận tải cũng đồng thời là giải bài toán chung cho các lĩnh vực khác của các xu hướng kinh tế số như hiện nay và sẽ ngày càng phổ biến hơn trong tương lai gần. Các Bộ, ngành, không cần phải “ép” xe công nghệ vào “ngành vận tải”, Nhà nước vẫn có thể quản lý mà không gây tổn hại tới lợi ích công nào. Làn sóng công nghệ và giải pháp sáng tạo sẽ thay thế những cái cũ kém hiệu quả hơn là chuyện đương nhiên phải chấp nhận chứ không thể “kìm hãm” theo cách “siết chặt” theo tư duy quản lý nhà nước như hiện nay. Tôi cho rằng cạnh tranh thì phải tuân theo quy luật của thị trường, doanh nghiệp nào làm tốt, hiệu quả hơn thì sẽ tồn tại và phát triển, nếu taxi truyền thống cứ mãi chậm đổi mới thì phải chấp nhận “thất bại”.

Trong bối cảnh có sự xuất hiện của nhân tố mới, vấn đề ở đây là Nhà nước phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa “taxi truyền thống” và xe công nghệ. Cụ thể, cơ quan quản lý cần “cởi trói” cho taxi truyền thống bằng cách bãi bỏ những quy định khắt khe không phù hợp, đồng thời yêu cầu các nhà cung cấp ứng dụng kết nối phải phối hợp với Nhà nước để việc đảm bảo các nghĩa vụ thuế của đối tác vận tải, bảo vệ người lao động, đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng, ông Đồng nhấn mạnh.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viec-gan-mao-cho-xe-cong-nghe-se-phien-phuc-va-ton-them-chi-phi-121479.html