Việc cần làm khi xét nghiệm rRT-PCR âm tính ở Hà Nội

ThS.BS Thân Mạnh Hùng khuyến cáo những người xét nghiệm âm tính lần một bằng phương pháp rRT-PCR vẫn cần tự cách ly tối thiểu 14 ngày.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho hay Hà Nội đã rà soát được hơn 93.000 người từ Đà Nẵng về. Hơn 70.000 người được xét nghiệm nhanh. Tuy nhiên, phương pháp này được đánh giá là không phù hợp để tìm virus SARS-CoV-2.

Vì vậy, thành phố sẽ tiến hành xét nghiệm rRT-PCR cho hơn 50.000 trường hợp từ Đà Nẵng trở về trong thời gian từ ngày 15 đến 29/7.

Quy trình tái xét nghiệm cho người trở về từ Đà Nẵng

N.T.T.H. (27 tuổi, Hai Bà Trưng) trở về Hà Nội sau chuyến du lịch Đà Nẵng cùng gia đình từ ngày 17/7. Sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Đà Nẵng (BN416), H. lo lắng mình có nguy cơ lây nhiễm bệnh nên tự cách ly 14 ngày. Sau 12 ngày trở về từ ổ dịch này, cô có biểu hiện sốt, mệt mỏi nhưng không ho. H. quyết định gọi đến trung tâm y tế nơi mình sinh sống.

"Hai ngày sau, tôi được gọi đến trung tâm y tế làm xét nghiệm nhanh. Tại đây, người dân phải tiến hành các thủ tục như đo thân nhiệt, khai báo y tế, làm phiếu xét nghiệm, lấy mẫu máu và chờ đợi kết quả. Sau khoảng 20 phút, tôi nhận kết quả âm tính. Lúc này, tôi mới có thể thở phào", H. kể.

Đến nay, H. đã hết thời gian cách ly tại nhà, sức khỏe ổn định và trở lại với công việc. Tuy nhiên, gần đây, cô nhận được thông báo những người trở về từ Đà Nẵng sau ngày 15/7 cần xét nghiệm lại bằng phương pháp rRT-PCR.

 Sáng 8/8, Hà Nội đã đồng loạt tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR cho người dân trở về từ Đà Nẵng. Ảnh: Việt Linh.

Sáng 8/8, Hà Nội đã đồng loạt tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR cho người dân trở về từ Đà Nẵng. Ảnh: Việt Linh.

"Tôi nghĩ mình không mắc Covid-19 vì hiện sức khỏe tốt, không ho, sốt, đau đầu... Dù vậy, tôi sẽ tiếp tục đăng ký làm xét nghiệm rRT-PCR theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn nhất có thể", H. nói.

Cô gái 27 tuổi cho hay sau khi khai báo y tế lần hai với trung tâm y tế quận, H. được hướng dẫn chờ đến lượt lấy mẫu làm xét nghiệm theo trình tự, nhằm bảo đảm phòng, chống dịch.

Theo tư vấn của nhân viên y tế, khi tái xét nghiệm, người dân sẽ được đo thân nhiệt, ngồi giãn cách 2 m để làm thủ tục. Sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu, họng.

Mẫu bệnh phẩm này sẽ được gửi đến các đơn vị thực hiện xét nghiệm gồm Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội... Sau 1-2 ngày, người dân sẽ được thông báo kết quả.

Xét nghiệm rRT-PCR âm tính vẫn cần tự cách ly 14 ngày

ThS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, cho biết người có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính không thể khẳng định không mắc Covid-19. Giai đoạn đầu (<7 ngày), cơ thể người bệnh chưa sản sinh ra kháng thể ngay, xét nghiệm nhanh không phát hiện được virus. Kết quả xét nghiệm nhanh tìm kháng thể dương tính chỉ thể hiện một người từng nhiễm SARS-CoV-2 trong quá khứ.

Đồng quan điểm, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay xét nghiệm nhanh tìm kháng thể âm tính không có nghĩa người đó không nhiễm virus này và không lây cho người khác. Với người bị nhiễm SARS-CoV-2 ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể, xét nghiệm nhanh chắc chắn âm tính. Nhưng họ vẫn có thể lây Covid-19 cho người khác.

Vì vậy, hai chuyên gia này cho rằng người đi từ vùng dịch về có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính vẫn cần làm rRT-PCR.

Quy trình xét nghiệm cho những người đã xét nghiệm nhanh âm tính không khác biệt so với đối tượng thực hiện lần đầu. Ảnh: Hoàng Giám.

Theo bác sĩ Hùng, những bệnh nhân về từ vùng dịch, đến các điểm Bộ Y tế đã thông báo khẩn, có biểu hiện lâm sàng như sốt, ho, khó thở nên được ưu tiên xét nghiệm trước. Sau đó, các cơ sở y tế sẽ xét nghiệm bằng phương pháp này cho toàn bộ những người trở về từ vùng dịch (vì khoảng 40% bệnh nhân không có triệu chứng).

Ngoài ra, những người được xét nghiệm lần 1 bằng phương pháp rRT-PCR âm tính vẫn cần tự cách ly tối thiểu 14 ngày kể từ khi phơi nhiễm lần cuối cùng.

"Quy trình đối với những người đã xét nghiệm nhanh âm tính không có gì khác biệt so với đối tượng thực hiện lần đầu. Các nhân viên y tế ngoáy họng hoặc dịch tỵ hầu để lấy mẫu", bác sĩ Hùng cho hay.

Ông cũng khuyến cáo những người trở về từ Đà Nẵng cần nghiêm túc khai báo y tế, tự cách ly và theo dõi sức khỏe. Đây là hành động cần thiết, chủ động để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viec-can-lam-khi-xet-nghiem-rrt-pcr-am-tinh-o-ha-noi-post1118081.html